Tối ngày 6.5 (giờ Pháp), Francois Hollande đã chiến thắng Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy trở thành Tổng thống thuộc Đảng Xã hội đầu tiên của nước Pháp trong 17 năm qua.


“Monsieur Normal” (Ngài Bình Thường).


Chiến thắng này là một thách thức mới cho chính sách thắt lưng buộc bụng của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong khi Đức khăng khăng các nước châu Âu khác phải thắt lưng buộc bụng thì thông điệp Hollande đưa ra suốt thời gian tranh cử là “thắt lưng buộc bụng không nhất thiết là con đường châu Âu phải lựa chọn” để giải quyết khủng hoảng nợ công. Chính điều này đã giúp ông giành được chiến thắng trước Sarkozy, với gần 52% phiếu bầu. Hollande dự kiến sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí mới thay cho Sarkozy vào ngày 15.5 tới.


“Tại châu Âu, giờ là lúc cần phải thay đổi”, Hollande đã tuyên bố với đám đông đang tụ họp nghe bài diễn văn mừng chiến thắng của ông tại Paris vào hôm thứ Hai tuần qua.


Ngài Bình Thường


“Monsieur Normal” (Ngài Bình Thường) - tên gọi nhiều người đặt cho Hollande - có một phong cách khiến ông khác biệt với Nicolas Sarkozy, người đã từ lâu bị dư luận chỉ trích khi có một lối sống quá xa hoa và tính khí nóng nảy.


“Hollande thì khiêm tốn hơn. Sarkozy thì không được lòng nhiều người vì lối sống của ông ấy, nhưng ông lại được thừa nhận là người có năng lực và năng động. Giờ đây, Hollande phải chứng minh mình cũng là người có năng lực không kém và đó là thách thức của ông”, Jean-Dominique Giuliani, Chủ tịch Robert Schuman Foundation, một tổ chức kinh tế tại Paris, nhận xét.


Sinh ra tại thành phố Rouen trong một gia đình bác sĩ, Hollande đã được đi học tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Pháp - L’École Nationale d’Administration. Lớn lên, ông theo con đường chính trị, nhưng thường không được các chính trị gia khác đánh giá cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, đằng sau sự tế nhị, hòa nhã và tính kiên nhẫn của Hollande là một ý chí sắt đá. “Hollande là một người có khả năng đứng ra hòa giải, một người biết lắng nghe, vì thế đôi lúc có cảm giác là người nhu nhược. Nhưng thực tế, ông là người có ý chí kiên định và sự quyết tâm sắt đá”, Stephane Rozès, người đã cố vấn cho Hollande, nhận xét.


Hollande (57 tuổi) đã lãnh đạo Đảng Xã hội được 11 năm. Ban đầu, ông không phải là người được chọn để tranh cử. Đảng chỉ ủng hộ ông sau khi ứng cử viên sáng giá Dominique Strauss-Kahn bị cáo buộc cưỡng bức tình dục một nhân viên khách sạn ở Manhattan, Mỹ.


Nay với vị trí là Tổng thống mới của Pháp, Hollande phải đối mặt với những thách thức lớn. Có thể thấy, gánh nặng nợ công đã khiến Pháp mất đi hạng mức tín nhiệm AAA trong năm nay. Cùng với đó là tỉ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục 10%, tốc độ tăng trưởng ì ạch và ngành sản xuất đang sụt giảm.


Thách thức lớn của ông là phải ra sức thúc đẩy nền kinh tế đang xanh xao của Pháp và thực hiện lời cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu mà không phải cắt giảm chi tiêu mạnh tay. Điều đó có nghĩa ông sẽ phải tăng chi tiêu chính phủ nhiều hơn hoặc tung ra một gói kích cầu. Và cũng có nghĩa là ông phải đối đầu với các lãnh đạo châu Âu đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Mối quan hệ giữa Pháp và Đức sẽ là một ưu tiên đối với Hollande. Nhưng ông đồng thời sẽ phải lắng nghe các nước khác như Ý, Anh và các nước Bắc Âu”, Rozès nhận xét. Tuy nhiên, bà cho rằng: “Hollande có thể đưa mọi người hướng về một mục tiêu chung và ông làm điều này dễ dàng hơn Nicolas Sarkozy”, bà nói.


Hollande có thể thực hiện lời hứa?


Tất nhiên, một trong những cú điện thoại đầu tiên gọi đến cho vị tổng thống mới đắc cử là từ bà Merkel. Chắc chắn “người đàn bà thép” Merkel không muốn có sự thay đổi trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Trong khi đó, trong suốt cuộc tranh cử, ông đã cam kết sẽ thương lượng lại Hiệp ước châu Âu về việc hạn chế chi tiêu công mà bà Merkel và Sarkozy đã ra sức ủng hộ.


Theo giới phân tích, Hollande thực sự rất khó thay đổi được tình hình trong một sớm một chiều. Và ông cần phải hành động thật nhanh để xoa dịu các thị trường tài chính, vốn xem ông là mối đe dọa cho những nỗ lực của châu Âu trong việc kìm cương nợ công đang ở mức cao.


Mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo, mà nền kinh tế của họ đều là những nền kinh tế lớn trong khu vực đồng euro, có thể sẽ bị phức tạp thêm khi Merkel đã công khai ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của Sarkozy. Mối quan hệ sẽ càng căng thẳng hơn nữa khi sự chống đối của công chúng đối với chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel đang bắt đầu xuất hiện trên khắp châu lục. Không chỉ tại Hy Lạp, trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ, mà tại Tây Ban Nha, Ý và các nước khác, người dân đã biểu tình rầm rộ chống lại chương trình cắt giảm chi tiêu của chính phủ.


Mặc dù dư luận đang theo chiều hướng thuận lợi cho Hollande và ông kêu gọi phải chú trọng hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, nhưng ông cũng phải đảm bảo với Đức rằng ông sẽ không phải hoàn toàn đối đầu với đường hướng chung của Liên minh châu Âu. Tờ Guardian cho biết đã nắm trong tay một thông báo mật từ Đại sứ quán Đức ở Paris gửi cho văn phòng của Merkel ở Berlin, trong đó nói Hollande đã đảm bảo với Đức rằng ông sẽ không dùng biện pháp giảm thuế và tăng chi tiêu công kiểu học thuyết Keynes để kích thích tăng trưởng.


Ông đã cam kết sẽ tăng thuế lên người giàu bằng cách áp mức thuế 75% đối với các khoản thu nhập cá nhân vượt quá 1,3 triệu USD/năm và cố định mức lương của những người đứng đầu các công ty nhà nước tối đa chỉ gấp 20 lần so với mức lương thấp nhất trả cho một nhân viên. Ông cũng cam kết sẽ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý các định chế tài chính và buộc các ngân hàng phải chia tách bộ phận hoạt động mang tính đầu cơ.


Một trong những điều đầu tiên Hollande sẽ làm là cắt giảm lương của chính mình và của những bộ trưởng tới 30%. Điều này hoàn toàn trái ngược với Sarkozy, người sẽ ngay lập tức tăng lương cho bản thân nếu tái đắc cử.


Với chủ trương thận trọng về chi tiêu ngân sách, Hollande đã cam kết sẽ cân đối sổ sách kế toán của Pháp vào cuối năm 2017, một kỳ tích đã không xảy ra trong 30 năm. Để làm được điều này, ông cho rằng cần phải đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách chỉ 3% tổng sản phẩm quốc nội trong năm tới.


Simon Tilford, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu tại London, nhận xét, bất kỳ sự chuyển hướng nào trong chính sách kinh tế châu Âu, mà người dẫn đầu là Hollande, chỉ có thể xảy ra trong trung hạn. “Hollande ban đầu sẽ tiếp cận mềm mỏng với Đức. Nếu bị khước từ và nền kinh tế Pháp diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, Ý và Tây Ban Nha rơi vào cuộc suy thoái sâu hơn thì khi đó, Hollande sẽ cương quyết trong việc ứng xử với Đức”, Tilford nói thêm.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.