Thủ tướng Iceland - ông Sigmundur David Gunnlaugsson, trở thành người đầu tiên chịu hậu quả từ vụ bê bối Hồ sơ Panama chấn động thế giới mà báo chí quốc tế dồn dập đưa tin những ngày qua, trong đó bêu tên hàng loạt nhân vật nổi tiếng và gia đình thân thích của họ.
Ông Gunnlaugsson phải ngậm ngùi rời khỏi nhiệm sở, giữa lúc dư luận quốc đảo nhỏ bé đang sôi sục về thông tin ông đem tiền đi giấu ở một thiên đường thuế tận vùng Caribe, trong khi cuộc sống người dân còn nhiều vất vả, khổ sở.
Lãnh đạo mất chức, người dân bức xúc
Người dự kiến làm Thủ tướng tương lai của Iceland sẽ chính là cấp phó của ông trong đảng Tiến bộ cầm quyền, ông Sigurdur Ingi Johannsson - người đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Nông nghiệp nước này. Mặc dù không còn được ngồi ghế Thủ tướng Iceland, nhưng ông Gunnlaugsson vẫn là Chủ tịch đảng Tiến bộ. Người đàn ông 41 tuổi này cũng là vị Thủ tướng thứ hai phải từ chức trước sức ép dư luận. Trước đó, năm 2009, là ông Geir Haarde.
Vụ scandal có tên gọi “Hồ sơ Panama” chỉ được biết đến khi cả chục triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ cho tờ Sddeutsche Zeitung của Đức, trước khi tràn ngập trên khắp các mặt báo hôm 2/4, trong đó tiết lộ bí mật che giấu tài sản ở nước ngoài của nhiều nhân vật nổi tiếng và “có máu mặt” trên toàn cầu. Mossack Fonseca cũng chính là “đạo diễn” của hàng loạt công ty “ma” xuất hiện ở HongKong, Miami (Mỹ), Zurich (Thụy Sỹ) và hơn 35 thành phố khác.
Trong số tài liệu nêu trên, người ta phát hiện ra tên của Thủ tướng Iceland và vợ là Anna Sigurlaug Pálsdóttir trong nhiều dự án đầu tư tại British Virgin Islands (BVI) - một quần đảo trên vùng biển Caribê với diện tích vỏn vẹn có 150 km2 và khoảng 30.000 dân, nhưng vốn được mệnh danh là “thiên đường thuế”.
Cụ thể, vào năm 2007, hai vợ chồng ông Gunnlaugsson từng mua một công ty có tên Wintris, thành lập tại BVI để quản lý tiền thừa kế của gia đình. Và đến cuối năm 2009, ông Gunnlaugsson bán lại số cổ phần của mình cho gia đình bên vợ, với khoản tiền tượng trưng là…1 USD, ngay sau khi ông đắc cử nghị sỹ.
Ông Gunnlaugsson luôn một mực khẳng định mình không làm gì khuất tất, vì hoạt động đầu tư của ông vào Wintris đã được thông báo đầy đủ tới cơ quan thuế Iceland. Thế nhưng, éo le ở chỗ những việc ông làm lại diễn ra ở nước ngoài, trong giai đoạn mà cả đất nước Iceland phải thắt lưng buộc bụng và áp dụng chính sách kiểm soát vốn nghiêm ngặt.
Việc lãnh đạo quốc gia không “chơi” theo luật chơi chung, thông tin lại không được công khai minh bạch suốt nhiều năm trời, khiến nhiều người dân Iceland không khỏi bức xúc, “ngứa mắt”.
Hàng chục nghìn người đã bao vây tòa nhà quốc hội Iceland, đánh trống và hò hét ầm ĩ, ném cả trứng và sữa chua một cách đầy tức giận để phản đối và yêu cầu ông Gunnlaugsson từ chức. Họ cảm thấy bị phản bội bởi Thủ tướng muốn người dân đặt niềm tin vào đất nước, nhưng chính ông lại không tin tưởng Iceland, khi phải tìm nơi cất giữ tiền của mình.
Thủ tướng Iceland - ông Sigmundur David Gunnlaugsson
Nguy cơ xáo trộn chính trị
Trong số những nhân vật chính trị mà báo chí thế giới điểm tên những ngày qua trong vụ Hồ sơ Panama, ông Gunnlaugsson luôn khiến người ta có cảm giác “nghìn cân treo sợi tóc” nhất. Từ Nga cho đến Argentina, hầu hết đều tìm cách đáp trả các thông tin rò rỉ, cho dù là với thái độ phẫn nộ, phủ nhận hay bàng quan.
Nhưng, dường như không có chiến thuật nào phát huy hiệu quả đối với vị Thủ tướng Iceland. Hành động gây sự chú ý nhất của ông là bỏ ngang một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình SVT của Thụy Điển khi bị đặt câu hỏi về mối liên hệ với công ty Wintris.
Bộ trưởng Tài chính Iceland, ông Bjarni Benediktsson, người đồng thời là lãnh đạo của đảng Độc lập, cho biết sẽ cân nhắc xem có tiếp tục duy trì liên minh giữa đảng mình với đảng Tiến bộ của ông Gunnlaugsson hay không. Giả sử Iceland có tổ chức bầu cử vào thời điểm này, thì liên minh hai đảng gần như chắc chắn thua cuộc. Bởi theo kết quả một cuộc thăm dò, liên minh cầm quyền chỉ nhận được có 36,2% số phiếu ủng hộ, trong khi tỷ lệ này của đảng đối lập là 37%.
Bản thân ông Benediktsson và Bộ trưởng Nội vụ Olof Nordal cũng có tên trong Hồ sơ Panama, với những mối liên hệ với các công ty nước ngoài. Phát ngôn viên của Bộ trưởng Tài chính xác nhận ông có sở hữu 1/3 số cổ phần tại một công ty có trụ sở ở Seychelles cùng với hai nhà đầu tư khác, để đầu tư dự án bất động sản ở Dubai, nhưng đổ bể năm 2008.
Hùng Anh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.