Với triết lý kinh doanh đón đầu cơ hội để duy trì sự phát triển, tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) đã quyết định đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất nước giải khát để có thể gia tăng thị phần khi cuộc khủng hoảng kinh tế đi qua. TBKTSG đã trò chuyện với ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc THP, về chiến lược phát triển này.

TBKTSG: Chọn thời điểm này để mở rộng đầu tư trong lúc nhiều doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất, ông nhìn thấy cơ hội nào trên thị trường?

- Ông Trần Quí Thanh: Thị trường nước giải khát còn nhiều tiềm năng. Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trung bình mỗi người Việt chỉ uống khoảng 3 lít nước giải khát đóng chai không cồn/năm, trong khi mức bình quân của người Philippines là 50 lít/năm. Theo quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát đến năm 2025 do Bộ Công Thương xây dựng, mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 2 tỉ lít nước giải khát. Cùng với đó, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập của người dân đã tăng bình quân 18,1%/năm trong thời kỳ 2008-2010. Phần lớn chi tiêu là cho việc ăn uống và thị trường nước giải khát đã có mức tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Những số liệu trên cho thấy thị trường nước giải khát Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Đó là lý do mà THP tiếp tục đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng để xây thêm hai nhà máy mới.

Chúng tôi tin rằng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc đón đầu cơ hội thỏa mãn người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển.

TBKTSG: Làm thế nào các sản phẩm của ông có thể cạnh tranh với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trên thị trường nước giải khát?

- Khi đưa sản phẩm ra thị trường, chúng tôi luôn hướng đến những phân khúc riêng, đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, các nhãn hiệu của THP như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, Trà thảo mộc Dr. Thanh, sữa đậu nành Number 1 Soya, nước tăng lực Number 1 chanh... đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường nước giải khát trong nước. Trà xanh Không Độ đang dẫn dầu ngành hàng trà xanh trên toàn quốc với thị phần 53%, Trà thảo mộc Dr. Thanh đứng đầu ngành hàng trà thảo mộc với thị phần 57,9%.
Một thế mạnh khác của THP là chúng tôi đã xây dựng được hệ thống phân phối hoàn chỉnh, đảm bảo 90% độ phủ ở 63 tỉnh thành với khoảng 300.000 cửa hàng với đội ngũ hơn 1.800 nhân viên. Tôi tin THP đã chuẩn bị đầy đủ những yếu tố cần thiết để tiếp tục duy trì thị phần hiện tại và giành thêm thị phần khi hai nhà máy mới đưa sản phẩm ra thị trường.

TBKTSG: Ông đeo đuổi triết lý kinh doanh gì trong suốt 18 năm qua?

- Thời gian qua, tôi nghiệm ra “trong khủng hoảng luôn có cơ hội”. Điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế đón cơ hội đến với mình như thế nào. Tôi thường nhắn nhủ nhân viên dù khó khăn vẫn phải liên tục sáng tạo và tìm ra hướng đi riêng.

Sáng tạo đã trở thành triết lý của những doanh nghiệp năng động muốn khẳng định và vươn xa. Cùng với triết lý sáng tạo, chúng tôi tự tin, không rụt rè, không ngập ngừng. Điều này giải thích vì sao chúng tôi mở rộng đầu tư thêm nhà máy trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Bề dày kinh nghiệm 18 năm “nằm gai nếm mật” giúp chúng tôi có tầm nhìn xa hơn.

TBKTSG: Ông có cho rằng trong ngành nước giải khát, muốn làm thương hiệu thành công phải có nhiều tiền?

- Kinh nghiệm của tôi là phải nỗ lực “thổi hồn” vào các tên gọi của sản phẩm, không để nó đơn thuần như một logo, một ký hiệu hay một cái tên dễ đọc, dễ nhớ mà phải tìm mọi cách nâng nó lên thành một thương hiệu thực sự có sức sống, có giá trị. Có bốn yếu tố để các sản phẩm của THP được biết và được nhớ, đó là chất lượng, sự khác biệt, hiệu quả tiếp thị và tổ chức hệ thống phân phối.

TBKTSG: Tầm nhìn mà ông vạch ra cho chiến lược phát triển của THP trong tương lai là gì?

- Bên cạnh việc mở rộng sản xuất ở Hà Nam và Chu Lai, THP đang ấp ủ nhiều dự án cải tiến trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng lại hệ thống bán hàng, cải tiến bộ máy kinh doanh, củng cố phương pháp làm việc cũng như định hướng làm việc theo chính sách mới của công ty, tái cấu trúc nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh. Trong thời gian tới, công ty sẽ có nhiều sự đổi mới, tập trung phục vụ khách hàng những sản phẩm phù hợp nhu cầu, có chất lượng với dịch vụ tốt. THP luôn lấy lợi ích của khách hàng và cộng đồng làm nền tảng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hai nhà máy nước giải khát Number One Chu Lai (công suất 600 triệu lít/năm) và Number One Hà Nam (công suất 950 triệu lít/năm) đều được đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại từ châu Âu, có quy trình sản xuất khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh. Dự kiến những sản phẩm đầu tiên của hai nhà máy này sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2013.
Nguồn Trần Sơn (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.