Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mới mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group (Đức). BJC là ai, lớn mạnh như thế nào mà bỏ ra 879 triệu đô la Mỹ để sở hữu 19 trung tâm Metro trên cả nước?

Nhiều người biết tới tập đoàn BJC thuộc sở hữu của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi hơn là một tập đoàn phân phối của Thái Lan. Và cho đến nay, BJC cũng chưa xây dựng được cho mình một thương hiệu phân phối mang tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh về tài chính, tập đoàn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Thái Lan có giá trị vốn hóa trên thị trường khoảng 88 tỉ baht (khoảng 2 tỉ euro) này đang có một chiến lược đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phân phối.

Mảng bán sỉ của Metro Việt Nam đã chính thức chuyển giao cho BJC (Thái Lan) từ ngày 7-8-2014.

Thâu tóm chuỗi bán lẻ FamilyMart

Còn nhớ hồi nửa đầu năm ngoái, nhiều người tiêu dùng trong nước đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart quen thuộc được đổi tên thành B’s mart với một diện mạo hoàn toàn mới. Khi đó, dù chủ của hệ thống FamilyMart là Phú Thái (Việt Nam) và hai đối tác FamilyMart và Itochu (Nhật bản) chưa công bố thông tin nào về việc thay đổi này, nhưng BJC đã công bố với báo chí Thái Lan việc chính thức gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Tại lễ ra mắt thương hiệu B’s mart hồi tháng 6-2013, Tổng giám đốc người Thái, ông Phidsanu Pongwatana, cho biết B’s mart có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng ở TPHCM và đầu tư ra Hà Nội. Bên cạnh đó, B’s mart còn ấp ủ kế hoạch mở thêm siêu thị, đại siêu thị, nhà sách và nhà thuốc.

Tại hệ thống cửa hàng B’s mart, người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan hoặc do các doanh nghiệp Thái sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng trong cơ cấu hàng hóa bày bán trong khi các sản phẩm của Nhật Bản và Việt Nam thì bị thu hẹp dần.

Đánh bại đối thủ đồng hương

Được mệnh danh là nhà bán sỉ hàng hóa với giá rẻ và chất lượng đồng thời với cách tổ chức bán hàng như mô hình siêu thị bán lẻ, Metro nhanh chóng thu hút được các nhà cung cấp cũng như các đối tượng tiêu dùng trong nước. Có mặt ở Việt Nam từ năm 2002 với kế hoạch ban đầu chỉ mở tám trung tâm, nhưng đến nay, Metro đã phát triển đến 19 trung tâm trên cả nước với hàng ngàn nhà cung cấp. Hầu hết các trung tâm phân phối của Metro có vị trí ở các cửa ngõ ra vào các thành phố lớn, có quy mô lớn, hiện đại và đồng nhất. Đó là niềm ao ước của bất kỳ một nhà phân phối nào. Chính vì vậy, Metro luôn được các nhà kinh doanh nước ngoài dòm ngó mua lại.

Hồi cuối năm ngoái, ông chủ tập đoàn chế biến thực phẩm Charoen Pokphand (CP) Group của Thái Lan là tỉ phú Dhanin Chearavanont đã có vụ đàm phán mua lại Cash & Carry Việt Nam với giá 500 triệu đô la Mỹ nhưng đã bị “đại gia bán lẻ Đức” từ chối. Có lẽ vào thời điểm đó, Metro Group chưa muốn rời khỏi Việt Nam.

Người phát ngôn của tập đoàn này đã khẳng định mảng kinh doanh ở Việt Nam không phải nhằm mục tiêu bán lại, đồng thời cho biết Metro đã từ chối nhiều lời đề nghị mua lại Cash & Carry trước đó. Sau đó, Dow Jones trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết ông Chearavanont vẫn rất quan tâm đến mảng bán lẻ của Metro và có thể sẽ quay lại đàm phán.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 8-2014, The Wall Street Journal đã tiết lộ chuyện một tỉ phú khác của Thái Lan là ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã đạt được những bước tiến trong đàm phán mua lại Cash & Carry. Ngày 7-8, Metro Việt Nam chính thức công bố mảng bán sỉ sẽ được chuyển giao cho BJC của Thái Lan, sau khi tập đoàn mẹ Metro ở Đức ký thỏa thuận chuyển nhượng lĩnh vực kinh doanh sỉ tại Việt Nam cho BJC. BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, trị giá 655 triệu euro (khoảng 879 triệu đô la Mỹ) - một khoản chênh lệch khá lớn so với mức mà CP đề nghị. Giới phân tích cho rằng, việc bán lại Metro Cash & Carry Việt Nam cho nhà đầu tư Thái Lan sẽ giúp công ty này thu về hàng triệu euro lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Theo báo cáo của Metro, hiện nay, 19 trung tâm Cash & Carry trên cả nước có 3.600 nhân viên. Trong năm tài khóa 2012-2013, doanh thu của Metro tại Việt Nam đạt 516 triệu euro. Theo kế hoạch, thương vụ chuyển nhượng này sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.

Đưa hàng Thái vào Việt Nam

Dù ở mảng phân phối, BJC vẫn còn xa lạ với các nhà bán lẻ trong nước nhưng đối với các hãng sản xuất bia và nước giải khát, đây là một tập đoàn đóng vỏ lon và chai thủy tinh lớn hàng đầu ở Việt Nam với hai nhà máy liên doanh đặt ở Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo ông Aswin Techajareonvikul trong Ban giám đốc tập đoàn BJC, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, hai nhà máy này không chỉ là nền tảng để tăng trưởng tại thị trường Việt Nam mà còn để mở rộng sang các thị trường xung quanh.

Vài năm gần đây, BJC không bỏ qua các cơ hội tham gia thị trường bán lẻ quốc tế cũng như mở rộng hoạt động bán lẻ tại Thái Lan, dù họ từng nếm mùi thất bại trong việc thâu tóm hệ thống đại siêu thị Carrefour Hypermarket và Family Mart tại thị trường nội địa.

Tháng 3 năm ngoái, trả lời tờ Bangkok Post, ông Aswin Techajareonvikul cho biết BJC đang hoàn thiện ý tưởng kinh doanh và thương hiệu tại Việt Nam: “Ở Việt Nam, chúng tôi là người chơi mới trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, cạnh tranh ở Việt Nam không đến mức khắc nghiệt như ở Thái Lan”.

Cơ sở để ông Techajareonvikul tự tin trong lĩnh vực phân phối ở Việt Nam là vì BJC đang nắm 65% cổ phần của Công ty Thái An JSC, một công ty chuyên phân phối và vận chuyển thực phẩm tại miền Bắc. Công ty này có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố và có quan hệ thương mại với 200 nhà phân phối phụ, khoảng 2.500 nhà bán buôn và hàng chục ngàn nhà bán lẻ tại các chợ truyền thống.

Ngoài ra, Thai Corp International (Vietnam) Co. Ltd. (TCI) - công ty phân phối hàng tiêu dùng với 19 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam cũng đã sáp nhập vào tập đoàn BJC, theo trang web của TCI. Hiện tại, TCI có mạng lưới phân phối tại 63 tỉnh thành với hơn 300 đại diện kinh doanh, 1.000 đại lý cho hơn 50.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Đây được xem là một kênh phân phối đầy tiềm năng để BJC nhảy vào lĩnh vực phân phối ở Việt Nam. Việc TCI tham gia đầu tư vào hệ thống B’s mart cũng được xem là một hướng đưa hàng Thái vào đến tay người tiêu dùng Việt Nam của BJC.

Theo ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc TCI, chiến lược hợp tác với BJC của TCI là nhằm nâng cao năng lực phân phối hàng hóa, sẵn sàng cho Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Trong khi TCI kỳ vọng có thể tăng doanh số tại thị trường Việt Nam từ 1.200 tỉ đồng năm 2011 lên 3.000 tỉ đồng vào năm 2015 thì lãnh đạo BJC kỳ vọng với hệ thống phân phối mạnh, BJC sẽ trở thành một trong những nhà phân phối lớn tại Việt Nam cũng như trong khu vực.

Giới phân tích cho rằng mục tiêu của câu chuyện B’s mart cũng như của việc mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam của BJC là tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa Thái Lan sẽ được phân phối rộng khắp tại Đông Dương và Myanmar, sẵn sàng cho quá trình hội nhập AEC.

Đường đi của Metro Cash & Carry

Metro bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.
Đến Việt Nam, Metro xin phép kinh doanh bán buôn cùng nhiều cam kết như hàng hóa kinh doanh chủ yếu là hàng trong nước sản xuất; sẽ hỗ trợ nhà cung cấp địa phương, nông dân, ngư dân cải tiến phương pháp canh tác, kỹ thuật sau thu hoạch, đóng gói và bảo quản, cải tiến chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhằm giúp họ nâng cao sức cạnh tranh để thâm nhập các thị
trường xuất khẩu...

Có luồng ý kiến cho rằng chính những cam kết không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương mà ngay từ những ngày đầu, Metro đã được phép mở đến tám trung tâm ở các thành phố lớn. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ.

Việc kinh doanh thuận lợi, Metro tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và tới nay đã có 19 trung tâm phân phối trên cả nước, hai trung tâm trung chuyển hàng rau quả và cá tươi, tất cả đều dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài - điều mà chưa có nhà phân phối nước ngoài nào khác làm được, nhất là các nhà bán lẻ bị “vướng” quy định về thẩm định nhu cầu kinh tế khu vực (ENT) đối với việc mở trung tâm bán lẻ thứ hai.

Để phát triển mạng lưới, các nhà phân phối nước ngoài thường phải đi theo nhiều cách khác như hợp tác liên doanh với doanh nghiệp trong nước, nhượng quyền thương mại hoặc mua lại vốn đối tác trong nước...

Quốc Hùng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.