Đây là sự điều chỉnh linh hoạt nhằm giảm áp lực không đáng có trong sản xuất, kinh doanh.

Trong 5 năm tới, Hugaco sẽ đầu tư thêm từ 5 đến 8 nhà máy, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD. Ảnh: S.T

Kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất tại Xí nghiệp May Gunyong mà Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) mua lại của một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hưng Yên sẽ được dời sang năm 2013, thay vì cuối năm 2012 như đã công bố. Theo đại diện Hugaco, không phải Hugaco chưa huy động được vốn, mà trong bối cảnh thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới vẫn trên đà suy giảm, động thái này là sự điều chỉnh linh hoạt nhằm giảm áp lực không đáng có trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Hugaco, năm 2013, Tổng công ty sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư thêm máy móc, thiết bị chuyên dùng, nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu cho Xí nghiệp May Gunyong. Dự kiến, tổng vốn đầu tư mở rộng Xí nghiệp vào khoảng 40-50 tỷ đồng, với 24 dây chuyền may, quy mô 1.500 lao động.

Ông Dương cho biết thêm, trong 5 năm tới, Hugaco sẽ đầu tư thêm từ 5 đến 8 nhà máy, tăng thêm 60 dây chuyền sản xuất, đưa kim ngạch xuất khẩu chạm ngưỡng 300 triệu USD. Cùng với xây mới nhà máy, Hugaco sẽ tiếp tục để mắt tới những doanh nghiệp trong ngành có nhu cầu bán lại, nhằm nhanh chóng hoàn thiện chuỗi sản xuất và cung ứng của mình.

Một năm trước, Hugaco đã bỏ ra hơn 1 triệu USD, tương đương 20,6 tỷ đồng mua lại Công ty cổ phần May Gunyong (Hàn Quốc). Đây là một trong số ít các thương vụ doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư trong ngành dệt may, hơn 20 tỷ đồng để có ngay một doanh nghiệp được trang bị thiết bị, máy móc hiện đại, 8 dây chuyền sản xuất, tổng diện tích mặt bằng 15.000 m2 và 4.000 m2 nhà xưởng… là mức giá khá hời so với việc tự bỏ vốn đầu tư từ đầu.

Việc có thêm Xí nghiệp May Gunyong đã góp phần nâng số công ty, xí nghiệp thành viên của Hugaco từ 8 lên 9 đơn vị. Ngay sau khi tiếp nhận, chỉ với 75 lao động còn lại từ chủ cũ, Hugaco đã lập tức kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, tăng cường cán bộ quản lý, kỹ thuật để nhà máy đi vào hoạt động với 150 lao động. Hiện tại, Xí nghiệp May Gunyong đã được Hugaco kiện toàn với 6 dây chuyền may jacket, quần âu, nâng quy mô lao động lên 350 người.

Đặc biệt, dù mới ổn định sản xuất, nhưng các sản phẩm từ Xí nghiệp May Gunyong đã trở thành một trong những mắt xích quan trọng giúp Hugaco đẩy nhanh các hợp đồng xuất khẩu. Thu nhập bình quân mỗi công nhân của Xí nghiệp đã đạt trên 3 triệu đồng/tháng, tăng hơn 2,5 lần so với thời điểm thuộc sở hữu của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trong thương vụ trên, Hugaco đã nhận được sự ủng hộ lớn từ công ty mẹ là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), bởi điều này phù hợp với xu hướng phát triển của ngành. Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu Vụ Công nghiệp nhẹ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất với Ngân hàng Nhà nước tìm kiếm nguồn tài trợ trung và dài hạn cho một số doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ để mua lại máy móc, thiết bị tiên tiến của một số nước.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex, thực hiện chủ trương trên, thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục xem xét một số nhà máy có nhu cầu bán lại và cân đối tình hình tài chính để có những quyết định phù hợp và nhanh chóng nhất cho việc sở hữu thêm nhà máy mới, có thể đưa ngay vào sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ nội địa.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.