Xuất thân từ một gia đình Do Thái nhập cư, Michael Bloomberg đã vượt qua mọi trở ngại và trở thành người đàn ông nổi tiếng trên đất Mỹ với gần 90% cổ phần sở hữu ở Tập đoàn Bloomberg và lần thứ ba đắc cử Thị trưởng New York.

Michael Bloomberg – Người Do Thái đặc biệt trên đất Mỹ


Từ Đại học Johns Hopkins tới… Havard


Người Do Thái xưa nay luôn được coi là có chỉ số thông minh cao nhất thế giới và dường như điều đó hoàn toàn chính xác khi nói về Michael Bloomberg. Ông có quãng tuổi thơ may mắn, vì được gia đình giáo dục hết sức chu đáo về những giá trị lao động và trách nhiệm của một công dân với xã hội. Đó là những kiến thức khởi đầu giúp Bloomberg vượt qua rất nhiều chông gai để giành được tấm bằng tốt nghiệp của Đại học Johns Hopkins. Và để làm được điều đó, cậu thanh niên Bloomberg đã phải nhờ đến những khoản vay, nhưng mỗi dịp nghỉ hè, trong lúc chúng bạn được thư giãn để chuẩn bị bước vào học kỳ mới thì Bloomberg không có lấy một mẩu thời gian nào cho riêng mình. Ông phải làm việc chăm chỉ hàng ngày để có đủ tiền trả cho khoản vay trước đó – điều ấy khiến Bloomberg cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa, nhất là khi mồ hôi, công sức của mình được đền đáp xứng đáng. Những ngày tháng vất vả ấy như đã tiếp thêm sức mạnh ý chí cho Bloomberg và thôi thúc ông phải tiếp tục vươn tới những cái đích xa hơn trên con đường học vấn – đó chính là tấm bằng MBA tại trường kinh doanh Havard sau đúng hai năm kể từ khi tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins.


Michael Bloomberg – Người Do Thái đặc biệt trên đất Mỹ


Lúc này, Bloomberg dĩ nhiên trở thành đích ngắm của nhiều công ty và ông nhanh chóng quyết định sẽ thử sức ở Salomon Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư có tiếng trên đất Mỹ thời bấy giờ. Chẳng bao lâu, Bloomberg được đề bạt lên những vị trí lãnh đạo quan trọng tại Salomon Brothers. Ông từng kinh qua nhiều vị trí như phụ trách mảng chứng khoán và sau này là phát triển hệ thống. Điều quan trọng đã làm thay đổi cuộc đời Bloomberg không phải là mức lương cao chót vót mà là vô số kiến thức thú vị và hữu ích về tầm quan trọng của sự đổi mới công nghệ đối với thành công của doanh nghiệp. Kể từ lúc này, Bloomberg cũng đã có những ý nghĩ táo bạo về việc thành lập một doanh nghiệp có khả năng mang lại cho nhà đầu tư những thông tin hữu ích, nhanh và chính xác, góp phần làm minh bạch hóa thị trường – điều mà rất nhiều thị trường chứng khoán ở các quốc gia khác đều phải học tập nước Mỹ.


Năm 1981, Salomon bị thôn tính và Bloomberg tất nhiên trở thành người thừa trong bộ máy mới. Ông bán hết số cổ phiếu của Salomon, rồi lập ra Bloomberg LP (năm 1982) – một công ty chuyên áp dụng những công nghệ hiện đại nhất để làm minh bạch hóa thông tin trên thị trường tài chính – chứng khoán, hỗ trợ cho cả người bán lẫn người mua.


Bước đi trên một con đường mới, hoàn toàn khác lạ với những gì trước đây và phải đối diện với vô khối khó khăn, nhưng nếu không có sự quyết đoán ấy, không có ước mơ ấy, không có tầm nhìn ấy, nước Mỹ sẽ không thể có Bloomgerg LP và không thể có một chính trị gia đầy quyền lực dang mang lại những cải cách mang tính đột phá cho New York. Mặc dù không phải là người tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng Bloomberg lại biết cách loại bỏ những khó khăn mà các đối thủ khác đã trải qua, lần lượt vượt qua những ông trùm truyền thông khác như như Thomson Corporation, FactSet Research System hay Capital IQ.


Giờ đây, Bloomberg đã có chi nhánh ở hơn 130 quốc gia với khoảng 9.500 nhân viên, có tới hơn 250 ngàn thành viên đăng ký sử dụng các bản tin tài chính và dịch vụ thông tin. Gần ba mươi năm trước, Bloomberg đã nghĩ tới việc cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính dưới dạng dữ liệu được cập cập nhật liên tục trong ngày, các bài nghiên cứu, phân tích, các bản tin, báo cáo được chuyển trực tiếp đến khách hàng khi có nhu cầu. Cho tới giờ, ý tưởng ấy của Bloomberg vẫn tiếp tục được phát triển và còn lấn sân sang các lĩnh vực khác như truyền hình, internet, xuất bản… trở thành điểm sáng trong ngành truyền thông của nước Mỹ. Năm 2006, Bloomberg LP đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất với 14,6% (tương đương 4,7 tỷ USD) - con số đáng mơ ước của bất kỳ tỷ phú nào trên thế giới.


Hiện tại, các dịch vụ do Bloomberg cung cấp đang chiếm khoảng 35% thị phần và đang có tốc độ tăng chóng mặt. Tại Bloomberg LP thì hệ thống Bloomberg Terminal được coi là một vũ khí bí mật. Đây là một hệ thống máy tính rất mạnh cho phép chuyên gia tài chính cũng như người dùng tiếp cận các thông tin nóng hổi nhất trên thị trường, để đưa ra những quyết định chính xác trong từng thời điểm. Nó cũng là nền tảng thông tin và hỗ trợ việc truyền đạt thông tin thông qua hệ thống mạng lưới được bảo mật rất cao. Rất nhiều công ty tài chính lớn trên thế giới hiện đang sử dụng hệ thống này và phải trả cho Bloomberg 1.500USD mỗi tháng, chưa tính đến các loại phí phải trả thêm khi cập nhật thông tin và trao đổi trực tiếp.


Ba lần đắc cử Thị trưởng New York


Có lẽ so sánh về quyền lực, Michael loomberg cũng chỉ đứng sau vị trí của Tổng thống mà thôi, nhưng nếu nói tới tài sản thì không một chính trị gia nào của Mỹ có thể sánh kịp. Năm 2008, Bloomberg đã có khối tài sản trị giá 20 tỷ USD và sau đó một năm, do chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên ông bị mất đi 4 tỷ USD. Vậy nhưng Bloomberg vẫn là tỷ phú xếp thứ 8 ở Mỹ và quan trọng hơn, ông là chính trị gia giàu có nhất của nền kinh tế số một thế giới.


Michael Bloomberg – Người Do Thái đặc biệt trên đất Mỹ


Thực tế, trên thế giới đã có những chính khách thành công trên chính trường có xuất phát điểm từ kinh doanh như Belusconi – Thủ tướng Italia, đồng thời là tỷ phú trong ngành truyền thông, ngân hàng; Saad Hariri, Thủ tướng Lebanon và cũng là đại gia viễn thông và xây dựng; Sebastian Piñera – Tổng thống Chile, đang sở hữu 27% cổ phần tại Hãng hàng không LAN Airlines của nước này và 13% cổ phần tại CLB bóng đá Chile Colo-Colo, cùng kênh truyền hình Chilevision.


Michael Bloomberg cũng đi trên con đường gần như thế. Khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, Bloomberg dành nhiều thời gian và tiền bạc cho hoạt động xã hội. Là thành viên của nhiều tổ chức giáo dục, văn hóa và các đơn vị từ thiện, ông đã cấp rất nhiều học bổng, tham gia gây quỹ, tặng quà cho những đối tượng khó khăn trong xã hội; thành lập Bloomberg School of Public Health, biến nơi này thành một cơ quan nghiên cứu và đào tạo về sức khỏe cộng đồng hàng đầu trên thế giới. Tất cả những việc làm ấy đã tạo tiền đề thuận lợi để Bloomberg tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Thị trưởng New York năm 2001.


Bloomberg đắc cử trước cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 không lâu. Lúc ấy, dư luận đang hết sức hoang mang, lo sợ bọn tội phạm sẽ được dịp hoành hành, thành phố không thể khôi phục khả năng phát triển. Nhưng với tài năng tuyệt vời của một doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng, Bloomberg đã củng cố lại niềm tin và tinh thần đoàn kết của người dân, đưa thành phố đã phục hồi nhanh chóng và vươn lên mạnh mẽ, vượt xa kỳ vọng của những người lạc quan nhất.


Michael Bloomberg – Người Do Thái đặc biệt trên đất Mỹ


Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Bloomberg đã khiến số tội ác giảm tới 20%, tạo ra việc làm bằng cách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng mở mang thêm nhiều công viên, đem lại sức sống mới cho các khu vực của thành phố và thiết lập chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đầy tham vọng. Ông còn thành công và giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong việc ban hành lệnh cấm thuốc lá tại các nhà hàng, quán bar. Chính vì vậy, Bloomberg bị những người không ưa đặt cho biệt danh là "kẻ giết chết niềm vui".


Sở dĩ Michael Bloomberg thành công ở vai trò của Thị trưởng New York là vì ông đã coi thành phố như chính doanh nghiệp của mình, mà muốn phát triển được thì người đứng đầu phải tuyệt đối giữ chữ tín với dân chúng. Với suy nghĩ ấy, ông đã khiến New York có nhiều thay đổi mạnh mẽ, nổi bật nhất là cải cách giáo dục bằng việc đưa ra áp dụng tiêu chuẩn mới. Bloomberg đã giải quyết triệt để vấn đề này – đó cũng là lời hứa của ông khi tranh cử chức Thị trưởng New York.


Năm 2005, Bloomberg tái đắc cử Thị trưởng New York nhờ số phiếu áp đảo của các liên minh – điều chưa từng diễn ra với những người tiền nhiệm. Michael Bloomberg đã chứng tỏ rằng, ông không chỉ xuất sắc trong kinh doanh, mà còn đủ khả năng đưa New York lên một tầm cao mới, giống như những gì đã làm với đế chế truyền thông của mình. Ngài Thị trưởng New York đã phát động một chiến dịch chống lại đói nghèo và mở rộng thành phố tới trước năm 2030.


Michael Bloomberg cũng là người đồng sáng lập một liên minh của hơn 200 thị trưởng trên toàn nước Mỹ và là hình mẫu lý tưởng của các chính trị gia trên khắp thế giới. Niềm tin của người dân New York dành cho ông lớn tới mức, giới phân tích từng nhận định – Michael Bloomberg là ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 43 vừa qua. Tuy nhiên, ông đã khéo léo phủ nhận thông tin này. Ở tuổi 68, dù sự nghiệp chính trị và kinh doanh đều rất thành công, Bloomberg vẫn chưa một giây phút nào hài lòng với bản thân và nguyện sẽ cống hiến cả quãng đời còn lại cho thành phố New York – nơi ông khởi nghiệp và đã xây nên một đế chế truyền thông.

Theo Diệu Linh (NCV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.