Nhiều đại gia không chỉ sành điệu lúc sống mà còn muốn thể hiện "đẳng cấp" của mình khi chết. Họ sẵn sàng chi hàng tỷ đồng lo cho hậu sự của mình. Mốt chơi quan tài độc, lạ đang được nhiều gia đình đại gia nhắm tới.

Chơi trội với quan tài bạc tỷ

Biệt thự, siêu xe, quần áo hàng hiệu... là thước đo của những người lắm tiền nhiều của. Nhưng đó chỉ là những thứ dành cho người còn sống. Còn đối với nhiều người giàu có, có địa vị trong xã hội hiện nay, để khẳng định “cái giá” khi chết (hoặc con cháu họ muốn khẳng định “đẳng cấp” thông qua cái chết của một người thân), họ sẽ “chơi” quan tài.

Hiện có nhiều loại quan tài và giá cả cũng khác nhau. Quan tài bình thường làm bằng gỗ tạp, giá chỉ vài triệu đồng. Làm bằng gỗ giáng hương có giá từ 15 đến 20 triệu đồng, nhưng nếu chạm rồng khắc phượng, thêm trang trí hoa văn, dát vàng trên nắp (loại vàng cực mỏng, đơn giản, không quá cầu kỳ) thì giá sẽ đắt thêm khoảng 500-1.000 USD, tuỳ đơn hàng. Ngoài ra, người mua có thể đặt đóng quan tài theo ý muốn. Giá của từng chiếc quan tài sẽ dựa vào độ khó trong bản vẽ, vào loại gỗ mà người mua yêu cầu và những trang trí đi kèm. Thông thường, giá 1 chiếc quan tài loại này rơi vào khoảng 3.000-6.000 USD.

Quan tài dát vàng

Còn các loại quan tài dành cho tầng lớp thượng lưu, quan chức, đại gia thì có sự khác biệt hoàn toàn. Chúng thường làm bằng gỗ pơmu hoặc gỗ sưa, giá ít nhất cũng phải 400.000 đến 600.000 USD/cỗ.

60 tỷ đóng quan tài gỗ sưa

Gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát lại không bay mùi hương, đặt ngoài nắng cũng không hề co nứt. Bởi thế từ xưa, gỗ sưa đã được ưa chuộng. Người ta còn quan niệm rằng, gia đình dù giàu có đến mấy, cuộc sống có vương giả đến mấy mà trong nhà không có vật dụng làm bằng gỗ sưa thì cũng chưa đạt đến đẳng cấp thượng lưu.

Chi hàng chục tỷ mua gỗ sưa đóng quan tài

Các đại gia người Việt hiện nay thích chơi gỗ sưa làm vật dụng trong nhà cũng không thiếu. Người ta kháo nhau một đại gia Hà Nội thuê thợ chế tác một quan tài gỗ sưa. Qua mô tả hình hài, kích thước, nhiều người nhẩm tính giá chiếc quan tài khoảng 60 tỷ đồng.

Báo hiếu bố bằng quan tài “đẳng cấp”

Thiếu gia P. (Hà Nội) cho biết, anh đã có kế hoạch báo hiếu bố đặc biệt qua việc chuẩn bị một chiếc "áo" thật "đẳng cấp" và đặc biệt là không đụng hàng. Và anh đã bỏ hàng chục tỷ đồng để làm cỗ quan tài.

P. phân trần: "Đại gia ‘xịn’ thì sống hay chết đều có đẳng cấp riêng biệt, kể cả cỗ quan tài. Nếu chết đột tử, chưa kịp đặt thì ít nhất cũng phải là gỗ trắc, hoàng đàn (hay còn gọi là ngọc am) giá khoảng 3 tỷ đồng còn bình thường giá không thể dưới 5 tỷ”. P. tiết lộ: "Cả gỗ và vàng. Nếu vàng dát xung quanh cùng hoa văn độc, có thể lên tới 10 tỷ đồng".

Đây là những hoa văn, hình ảnh mà các đại gia ưa chuộng chạm trổ trên thân quan tài của mình.

Để có được cỗ quan tài như ý, P. thuê hẳn một chuyên gia đồ họa giỏi để thiết kế kiểu dáng. Chuyên gia đồ họa này phải ngồi vẽ theo lời mô tả của P. gần một tuần mới xong. P. khoe rằng sau khi quan tài được chế tác xong sẽ được đem đi Singapore dát vàng.

Săn quan tài huỳnh đàn

Dân buôn, cánh đầu nậu hễ nghe ai hoặc nơi đâu có huỳnh đàn là đổ đến "thỉnh" về. Những người buôn đồ độc thường săn những cỗ quan tài bằng gỗ huỳnh đàn.

Ông S., một trùm buôn đồ cổ có tiếng ở TP.HCM cho hay: "Không như các loại áo quan khác, gỗ huỳnh đàn để hàng trăm năm dưới lòng đất chẳng bị hư hại gì. Và có một điều lạ là xác người khi được an táng trong quan tài bằng gỗ huỳnh đàn sẽ không bị tan rã mà khô quắt lại. Càng lạ hơn là khi hút tử khí người chết, gỗ huỳnh đàn phát mùi thơm dễ chịu, gỗ có màu đỏ như máu bầm. Đây là lý do giúp người ta không bị nhầm lẫn gỗ từ quan tài huỳnh đàn với các loại danh mộc khác”.

Một góc phố cổ Lê Công Kiều - nơi theo ông S. từng diễn ra những cuộc mua bán cổ vật tùy táng và cả quan tài huỳnh đàn.

Theo ông S., chẳng phải đợi đến khi người Trung Quốc sang tổ chức thu mua với giá trên trời, từ nhiều năm trước, gỗ huỳnh đàn đã được nhiều người săn lùng với giá trên trời. Có điều thứ gỗ huỳnh đàn đó không phải là gỗ nguyên khối, cũng không phải là thứ đã được đẽo đục làm bàn ghế giường tủ mà là gỗ đã được sử dụng làm áo quan cho người chết. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người lắm tiền tin rằng những phiến gỗ từ quan tài huỳnh đàn rất linh, đặc biệt là với dân khoái cầu cơ, có thời điểm họ không tiếc tiền, sẵn sàng trả đến mấy cây vàng cho phiến gỗ huỳnh đàn mang hơi hướm người chết vì tin rằng gỗ hòm như thế khi tạc hình con cơ dùng để cầu cơ rất thần hiệu.

Đóng quan tài cầu phát lộc

Trong làng đại gia, ai cũng từng biết đến câu chuyện quan tài của ông P., một người chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý ở Chợ Lớn (TP.HCM). Đại gia này chi 500 triệu tiền cọc cho một cơ sở để làm một cỗ quan tài theo yêu cầu. Ngoài tiền công, nếu làm đẹp, người thợ sẽ được nhận thêm 1,5 tỷ đồng tiền thưởng.

Quan tài giá hơn 7 tỷ đồng của một đại gia Sài Gòn được lấy mẫu từ trang web nước ngoài.

Ông P. vốn là người làm kinh doanh nên rất mê tín. Khi ông đi xem bói thì được thầy phán, nếu chết xuống cõi âm mà muốn gia đình tiếp tục ăn nên làm ra thì phải chạm trên quan tài một đôi cá chép, thỏi vàng và 2 chữ Tài - Lộc. Khi cỗ quan tài của ông P. làm xong, rất nhiều người kéo đến xem, vì trong đời họ chưa bao giờ thấy một cỗ quan tài nào chạm trổ kỳ công, lại dát vàng, đá quý bóng loáng như thế.

Hạnh Nguyên (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.