Với tài sản 23 tỉ USD, tỉ phú 78 tuổi người Hồng Kông (Lý Gia Thành) đang là người giàu nhất châu Á và là 1 trong 10 người giàu nhất thế giới. Ông cũng là một trong những người được kính trọng nhất ở châu Á vì lối sống giản dị và tấm lòng nhân ái.
Li Ka-shing - Tỉ phú số một châu ÁTuổi thơ vất vả

Li Ka-shing sinh năm 1928 ở thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1940, gia đình ông chuyển đến Hồng Kông tị nạn. Phải sống nhờ gia đình một người chú giàu có, hàng ngày nhìn thấy sự kiêu ngạo của họ, trong lòng cậu bé Li đã bừng lên một quyết tâm tạo chỗ đứng cho mình trên thế giới.

Cha của Li, một thầy giáo nghèo, mắc bệnh lao và qua đời ở Hồng Kông. Từ đó, gánh nặng trách nhiệm mưu sinh cho cả gia đình đặt lên vai Li. Cậu buộc phải thôi học trung học giữa chừng khi chưa đầy 15 tuổi để tìm việc làm ở một công ty nhựa. Ở đây, Li đã phải làm việc đến 16 tiếng một ngày.

Nhưng nhờ đức tính chăm chỉ, cẩn thận và cầu tiến, đến năm 1950, ông đã học hỏi được nhiều điều để có thể thành lập công ty riêng của mình lấy tên là Cheung Kong Industries. Mặt hàng đầu tiên ông kinh doanh chính là hoa và đồ chơi nhựa. Dần dà, Cheung Kong ngày càng phát triển và trở thành nhà đầu tư bất động sản hàng đầu ở Hong Kong, đến năm 1972 thì góp mặt trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.


Bí quyết: Kinh doanh dũng cảm

Trường Kinh doanh Harvard của Mỹ đã tóm tắt sự nghiệp của Li Ka-Shing như sau: "Xuất thân nghèo hèn, con một ông giáo, là dân tị nạn rồi trở thành người bán hàng, Li đã cho chúng ta thấy một bài học về sự hòa nhập và thích nghi. Bằng sự chăm chỉ và luôn tuân theo những nguyên tắc đạo đức của bản thân, ông đã xây dựng cả một đế chế kinh doanh bao gồm: ngân hàng, xây dựng, bất động sản, nhựa, điện thoại di động, truyền hình vệ tinh, sản xuất xi măng, bán lẻ, khách sạn, vận tải nội địa, hàng không, điện, thép, cảng và tàu biển".

Quả thật, từ việc kinh doanh nhựa khiêm tốn ban đầu, giờ đây ông đã vươn cánh tay ra mọi lĩnh vực, bao trùm mọi mặt đời sống ở xứ cảng thơm. Người ta nói Li Ka-Shing thu lợi nhuận từ mỗi đồng đô la được tiêu ở Hồng Kông cũng chẳng phải quá lời.

Báo chí Hồng Kông gọi ông là "Siêu nhân" chính là vì phương châm kinh doanh rất dũng cảm của ông. Năm 1979, ông đã gây tiếng vang lớn trong công luận khi đạt được thoả thuận tiếp quản một tổ hợp thuộc sở hữu của người Anh đang trên bờ vực phá sản có tên Hutchison Whampoa.

Tận dụng những nền tảng có sẵn, ông nhanh chóng mở rộng kinh doanh sang cảng biển, bán lẻ, rồi viễn thông, năng lượng và nhiều hơn nữa. Giờ đây, Hutchison Whampoa là một trong những nguồn quan trọng đóng góp vào số tài sản kếch xù của ông.

Năm 1991, ai cũng tỏ ra hoài nghi khi ông mua lại công ty dầu mỏ HuNsky Oil của Canada để rồi hàng năm trời sau đó lợi nhuận thu về đều rất nghèo nàn. Nhưng đến nay công ty này đang là một trong những viên ngọc quý, đóng góp cho ông đến 10 tỉ USD giá trị cổ phần.

Năm 1999, ông bán mạng lưới điện thoại Orange ở Anh cho công ty Mannesmann của Đức để thu về 14,6 tỉ USD. Cùng năm đó, ngành công nghệ lao đao khiến giá trị của những công ty điện thoại như Orange tụt xuống nhanh chóng. Từ đó, nhiều người nhận định ông không chỉ có con mắt tinh tường nhìn ra mọi cơ hội mà còn biết rõ lúc nào cần mua, lúc nào cần bán.

Sự dũng cảm còn thể hiện ở việc ông đi tiên phong đầu tư về đại lục trước cả khi Hồng Kông được trả về với Trung Quốc. Công ty Hutchison Whampoa của ông đã tham gia vào lĩnh vực Internet, nhà ở cho người thu nhập thấp và các dự án thương mại trên khắp đất nước Trung Quốc. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông luôn được Chủ tịch Giang Trạch Dân trân trọng lắng nghe.

Còn Cheung Kong từ công ty nhựa ngày nào giờ đã trở thành một tập đoàn đa ngành khổng lồ, có mặt ở 54 nước, thuê 220.000 nhân công trên toàn thế giới, với giá trị trên thị trường là 766 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 100 tỉ USD) năm 2005. Hiện con trai cả Victor đang giúp ông điều hành việc kinh doanh, còn con trai thứ Richard thì đã tách ra kinh doanh riêng từ đầu thập niên 1990.

Giản dị và nhân ái

Năm 2001, ông được tạp chí Asiaweek bầu chọn danh hiệu "Người đàn ông quyền lực nhất châu Á", nhưng con người quyền lực này chỉ là một ông già hiền hậu và giản dị với đôi kính gọng sừng. Ông chỉ đi những đôi giày đen đơn giản và đeo một chiếc đồng hồ Seiko rẻ tiền.

Tỉ phú Li cũng là một người thích làm từ thiện. Tính đến nay ông đã đóng góp khoảng 1 tỉ USD cho mục đích nhân đạo thông qua Tổ chức Li Ka-Shing và một số tổ chức khác.

Mới đây ông vừa công bố kế hoạch hiến tặng 1/3 tài sản cho các hoạt động từ thiện mà ông gọi là "đứa con thứ 3" của mình, đưa ông trở thành nhà từ thiện có lẽ là lớn nhất ở châu Á, làm gương cho rất nhiều thương nhân giàu có khác trong khu vực.

Những người đã từng làm ăn với ông đều nhận định ông là người đã nói là giữ lời và kinh doanh có đạo đức. Ngay khi sự nghiệp mới bước đầu vững vàng, ông đã bắt đầu giúp đỡ những nhà đầu tư nhỏ ở Hồng Kông. Và họ rất yêu quý ông, không phải chỉ vì chuyện tiền bạc mà còn vì họ thấy ông cũng giống họ - một người nhỏ bé đã đánh bại những ông lớn ngay trong trò chơi của họ.

Không chỉ cộng đồng người Hoa tự hào về ông, mà cả châu Á đều coi ông là một anh hùng, là thương nhân thành công nhất trong thế hệ của mình. Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ đã bình chọn ông là một trong những anh hùng của thế giới trong 60 năm sau Thế chiến thứ II. Còn hồi đầu năm nay, tạp chí World Business "đặt" tên ông vào danh sách 20 nhà cải cách hàng đầu của châu Á.

Theo Thủy Chung (VNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.