Cứ mỗi khi một loại dược phẩm mới được vào thị trường Việt Nam là một lần bà Lê Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dược Quan Sơn lại dẫn đầu đội quân trình dược viên của Công ty TNHH Dược Quan Sơn khơi mào một cuộc chiến mới.

Chuyên gia… chiến đấu

Bà Lan gọi những quyết định nhập khẩu loại dược phẩm mới, phục vụ việc điều trị các loại bệnh nan y của mình là phát súng mào đầu cho những cuộc chiến đấu. Chỉ có điều, khác với thông lệ, người khởi xướng và những người tham chiến đều thuộc… quân mình.

“Tôi và các nhân viên đều phải hiểu rất rõ rằng, chúng tôi chiến đấu không phải để thắng, mà là để có được những quyết định thực sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn về sự có mặt của các loại dược phẩm mới, hoạt chất mới tại thị trường Việt Nam”, bà Lan kể lại chặng đường 10 năm liên tục “tham chiến” để trở thành một trong những nhà nhập khẩu biệt dược lớn của Việt Nam.

Mỗi cuộc chiến thường bắt đầu từ những thông tin về hoạt chất, sản phẩm dược mới của thế giới được công bố trên các ấn phẩm chuyên ngành. “Guồng máy bắt đầu chạy, từ nghiên cứu khả năng của hoạt chất mới vào Việt Nam, tiếp cận hội đồng khoa học để đề xuất, tiếp xúc với nhà sản xuất để lên kế hoạch sản xuất…”, bà Lan kể và cho biết, thông thường, khoảng thời gian này là 3 tháng.

Cái khó của nhà nhập khẩu là phải đủ chuyên môn, hiểu biết, để thuyết phục những nhà khoa học hàng đầu ghi nhận và chấp nhận dòng sản phẩm mới trong quá trình điều trị bệnh. Thông thường, mỗi loại bệnh đều có một phác đồ điều trị với các loại dược phẩm đi kèm khá ổn định. Có nghĩa là, sự xuất hiện của hoạt chất mới sẽ khiến các bác sỹ có thể phải thay đổi toàn bộ phác đồ quen thuộc của mình.

Có thể ngành dược vốn chứa đựng đầy yếu tố chuyên biệt, nên các hoạt động kinh doanh thương mại trong ngành này không kém phần đặc biệt. Ngay cả cách tính lỗ lãi cũng trở nên khác thường, khi mà ngay từ đầu, những người kinh doanh đều chấp nhận phần rủi ro và phần thành công ở mức ngang nhau, 50-50. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cán cân lại nghiêng nhiều về phía rủi ro, nhất là với dòng sản phẩm biệt dược.

“Tôi nhớ mãi lần đầu nhập sản phẩm thuốc đặc trị vừa được lưu hành trên thế giới cho bệnh khớp, hàng vừa về đến kho, thì lệnh cấm sản phẩm cùng loại và thu hồi trên toàn thế giới được phát ra. Mặc dù sản phẩm của chúng tôi không thuộc dòng hoạt chất đó, song cũng phải đôn đáo tìm toàn bộ hồ sơ khoa học của sản phẩm. Chúng tôi phải có cơ sở khoa học để an tâm tuyệt đối về chất lượng của sản phẩm sẽ được dùng trên những người bệnh vốn yếu ớt và không thể tự lo cho sức khoẻ, tính mạng của chính mình”, bà Lan nói.

Đây chính là lý do mà bà Lan băn khoăn trước câu hỏi về áp lực cạnh tranh mà bà phải đối mặt trong lĩnh vực kinh doanh của mình. “Đã lên thuyền thì chúng tôi phải lái sao cho con thuyền đi nhanh và chuẩn hướng nhất. Nhưng lái thế nào trong ngành đặc biệt như ngành dược thì thực sự khó, vì phải tỉnh táo giữa lợi nhuận và đạo đức vốn có ranh giới vô cùng mong manh”, bà Lan thừa nhận.

Lằn ranh đó trong ngành y dược xoay quanh những câu chuyện về giá thuốc, về tệ nạn kê đơn theo tỷ lệ hoa hồng và sự xuống cấp trong y đức của một bộ phận không nhỏ y, bác sỹ… Mặc dù không vơ đũa cả nắm, song trong những mặt trái này, không phải không có lỗi của những nhà nhập khẩu thuốc, với mục tiêu đưa được sản phẩm vào toa thuốc của người bệnh.

“Tỷ lệ hoa hồng mà các nhà thuốc bệnh viện được nhận từ các công ty dược là có thật và cũng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nhưng tỷ lệ này hoàn toàn không tác động đến đơn thuốc của bác sỹ. Nếu làm việc cùng với họ, mọi người sẽ hiểu rằng, không yêu nghề, không có tâm, thì các bác sỹ sẽ bỏ nghề ngay, bởi sự vất vả và áp lực của nghề. Tôi cũng vậy, khi muốn đưa một sản phẩm thuốc mới về, tôi nghĩ đến công dụng và công hiệu của nó với những người bệnh nan y trước khi tính toán đến lợi nhuận. Có thể nhiều người nghi ngờ điều này, nhưng đúng là trong nghề mới hiểu được người”, bà Lan tâm sự.

Quả là rất khó có thể chia sẻ hết câu chuyện này khi mà ngoài xã hội, có nhiều đồn đoán về những mặt trái của ngành y dược. Nhưng phải chứng kiến cảnh một công nhân lỡ tay đánh rơi một vài viên thuốc và âm thầm thực hiện đầy đủ quy trình huỷ, vệ sinh tại khu vực làm việc, với lý do một viên thuốc là một tính mạng, mới phần nào cảm nhận được điều mà bà Lan trăn trở về chữ tâm của nghề.

Ước mơ sáng tạo

Học ngành dược, Lê Thị Ngọc Lan đã từng ước mơ trở thành người nghiên cứu, chiết xuất, sản xuất những hoạt chất mới gây tiếng vang trong làng dược. “Nhưng sau đó, tôi mới hiểu, không phải ai cũng có đủ năng lực, điều kiện để trở thành chuyên gia sáng chế. Trong khi đó, bệnh tật thì hoành hành và không hiểu sao, bệnh nặng, bệnh nan y cứ rơi nhiều vào người nghèo khổ. Tôi muốn làm ngay được việc đưa thuốc công hiệu và phù hợp đến với người bệnh”, bà Lan nói.

Dường như mơ ước xây dựng và phát triển một hệ thống nhà máy dược vẫn rất lớn trong con người đang dành thời gian đi tới từng bệnh viện, từng địa phương ở các vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu tình hình bệnh tật và khả năng chi trả của người bệnh về các loại thuốc chữa bệnh nan y. Cách đi của bà Lan là tập trung vào mảng thuốc điều trị chuyên sâu, chưa có trên thị trường, chứ không phải các sản phẩm thông thường.

“Đã có lần nhìn thấy người bệnh khóc khi nhận được hoá đơn thuốc, chứng kiến cảnh có người không giữ được mạng sống chỉ vì thuốc chữa tiểu đường đắt quá, rồi chứng kiến cả nỗi lòng của bác sỹ ở vùng sâu, vùng xa khi biết người bệnh không đủ tiền mua thuốc, mới hiểu hết giá thuốc quan trọng thế nào với cuộc sống của người nghèo. Vì vậy, tôi luôn tự đặt yêu cầu là không chỉ tìm kiếm những sản phẩm mới, sản phẩm tốt, mà còn cả những sản phẩm cùng loại với giá cả hợp lý”, bà Lan chia sẻ con đường kinh doanh đặc biệt của mình.

Có lẽ chính quan điểm kinh doanh đó khiến bà Lan từ chối khá nhiều đơn đặt hàng có số lượng lớn ở các bệnh viện địa phương không có hệ thống bảo quản đủ tiêu chuẩn. Bà Lan lo ngại tồn kho lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, lo bác sỹ sẽ quá câu nệ vào loại thuốc sẵn có mà quên đi nỗ lực tìm kiếm các loại thuốc mới hiệu quả và rẻ hơn. Có thể đúng như bà Lan nói, phải làm nghề mới hiểu được người, cái khó của kinh doanh ngành dược là đảm bảo được sự an tâm tuyệt đối.

Cách đây gần 10 năm, vào năm 2003, khi nhận lại cơ ngơi từ người em trai đang thất bại với lĩnh vực kinh doanh ngành công nghệ - thông tin, bà Lan đã áp dụng quan điểm kinh doanh “an tâm và an toàn” cho Công ty Quan Sơn khi chuyển sang kinh doanh dược phẩm. Nhờ vậy, cuộc khủng hoảng 2008-2009 không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của Công ty. Nhân sự chủ chốt vẫn đồng lòng theo Công ty.

Đến giờ, tình hình có khó khăn hơn. Vốn ngân hàng bị giới hạn. Phần lớn vốn tự có đưa ra để nhập hàng, đảm bảo không thiếu thuốc cho người bệnh nhưng phải lựa chọn hàng nào về trước, hàng nào về sau để làm việc với các nhà sản xuất. Đội ngũ nhân viên được thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để thông cảm và đồng thuận chậm lương để dồn tiền cho hàng. Nhưng theo bà, quan điểm “an tâm và an toàn” khiến bà bình tĩnh hơn trong cơn lốc thị trường, không chịu hệ lụy của các khoản đầu tư ngoài ngành hấp dẫn.

“Tôi chẳng biết khôn hay không, nhưng hiểu nghề nào, làm nghề đấy. Việc mở rộng kinh doanh của tôi cũng đều dựa trên năng lực của chính mình và đội ngũ của mình. Có thể vì tôi là phụ nữ, thường lo lắng quá xa, ngại rủi ro, nên không quá tham vọng. Nhưng có thể cách đi của tôi sẽ không tạo nên những đột phá, những sáng tạo có ý nghĩa lớn”, bà Lan tâm sự.

Có lẽ câu chuyện về sự nghiệp khiến bà Lan nhớ nhiều hơn về ước mơ sáng tạo, sáng chế của người học nghề dược. Nhưng nếu nhìn vào công việc của bà hiện tại, mỗi đơn hàng là một cuộc chiến sáng tạo mới, thì có thể thấy, con đường sáng tạo này thực tế và có ích hơn với mọi người…

Theo Khánh An (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.