Mặc dù bị chặn ở Trung Quốc, nhưng lãnh đạo các tập đoàn internet hàng đầu của Mỹ như Google, Facebook hiện vẫn miệt mài sang thăm Trung Quốc, hòng tìm cơ hội làm ăn từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Lãnh đạo của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ như Google, Facebook đang cố tìm cách quay trở lại làm ăn tại Trung Quốc mặc dù các dịch vụ của họ hiện vẫn đang bị chặn tại đây - Ảnh: Reuters
AFP cho biết Google đã phải rút gần như toàn bộ hoạt động của mình tại Trung Quốc hồi năm 2010 sau khi phát sinh tranh cãi về chính sách kiểm duyệt internet của nước này và sau một vụ tấn công mạng nhằm vào người dùng Gmail.
Thế nhưng, có mặt ở Bắc Kinh hồi tuần trước, Eric Schmidt, cựu Tổng giám đốc Google và hiện đang là giám đốc của công ty mẹ Alphabet, tuyên bố: “Chúng tôi chưa từng rời bỏ Trung Quốc”.
“Chúng tôi rất muốn được phục vụ toàn thể người dân Trung Quốc. Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với chính quyền tại đây”, ông Schmidt cho hay.
Google vẫn giữ khoảng 500 nhân viên tại Bắc Kinh và Thượng Hải, chủ yếu là để chào bán quảng cáo cho các công ty Trung Quốc.
Bắc Kinh đã ban hành những chính sách hạn chế quy mô lớn đối với việc sử dụng internet, được ví là Vạn Lý Hỏa Thành Trung Hoa (Great Firewall of China), đồng thời đã tiến hành kiểm duyệt gắt gao nội dung mạng trong nước, theo AFP.
Tương tự, Facebook cũng đã bị chặn kể từ năm 2009. Trang chia sẻ ảnh trực tuyến Instagram của tập đoàn Mỹ cũng không thể truy cập được kể từ sau khi làn sóng biểu tình đòi tự bầu lãnh đạo nổ ra ở Hồng Kông hồi năm ngoái. Twitter cũng như YouTube đều không vào được tại Trung Quốc.
Dẫu vậy, CEO của nhiều tập đoàn công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) vẫn xếp hàng chờ được chụp ảnh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Mỹ của ông này hồi tháng 9.
Rồi khi đến thăm trụ sở Facebook hồi năm 2014, Lỗ Vĩ, Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin mạng quốc gia Trung Quốc, đã chụp ảnh cùng CEO Mark Zuckerberg ngay tại bàn làm việc của anh này. Bức ảnh cho thấy trên bàn làm việc của nhà sáng lập Facebook có quyển The Governance of China (tạm dịch: Chính quyền Trung Quốc) của ông Tập.
Trong bài phát biểu bằng tiếng Hoa tại một trường đại học công nghệ ở Bắc Kinh hồi tháng trước, Zuckerberg thậm chí đã dẫn một câu tục ngữ Trung Quốc với các sinh viên.
Ông Alan Lan, người đứng đầu bộ phận bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc của Twitter cho biết “Twitter chưa có mặt tại đây”, nhưng đã có khách hàng tại đại lục.
“Chúng tôi có rất nhiều công ty địa phương dùng ngôn ngữ Trung Quốc nhưng cần phải có tư duy toàn cầu. Đó là lúc Twitter xuất hiện để hỗ trợ”, ông này cho hay.
Jeremy Goldkorn, nhà sáng lập Danwei, công ty chuyên theo dõi các hoạt động của truyền thông và internet tại Trung Quốc, nói với AFP rằng các tập đoàn mạng xã hội hàng đầu của phương Tây không nên mong chờ “được hoạt động tại Trung Quốc như đang làm ở Mỹ và châu Âu”.
“Chỉ có một cách duy nhất để họ làm ăn ở Trung Quốc là phải thật nhượng bộ chính quyền nước này… Tôi không nghĩ họ sẵn sàng cho chuyện đó”, Goldkorn nói.
Hoàng Uy (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.