Nhà sáng lập B Coaching Lâm Bình Bảo
Khởi nghiệp B Coaching với mục đích mang một doanh nghiệp từ vị thế hiện tại đến vị thế mà doanh nghiệp mong muốn bằng những liều vacxin cực mạnh, giúp doanh nghiệp phòng bệnh và chữa bệnh hữu hiệu, có những bước chuyển hóa không ngừng trong tư duy và hành động giữa trận đồ bát quái của kinh doanh.
- Lý do gì khiến anh quyết định từ bỏ vai trò CEO cho một công ty nước ngoài, để bước vào cuộc chơi mới đầy thách thức với B Coaching?
Business coaching là hành trình đầy thú vị cho cả người coach và người được coach. Đó là lý do tôi bước chân vào hành trình này. Quyết định này với một số người có thể là hơi liều lĩnh, mạo hiểm, nhưng nó có nguồn gốc sâu xa từ thời thơ ấu.
Ngay từ nhỏ tôi đã là cậu bé rất thích thú học hỏi để rèn luyện bản thân, và tôi hiểu sự tự học và chia sẻ là hai giá trị quan trọng. Trong quá trình làm CEO, công việc tôi thích nhất là phát triển bản thân cho nhân viên của mình.
Với B Coaching, tôi có thể giúp cho nhiều người hơn, được làm công việc mà mình thích thú, cảm nhận nhiều niềm vui hơn khi thấy người khác thay đổi. Tới một lúc nào đó chín mùi, tôi quyết định toàn tâm toàn ý với công việc này.
B Coaching với tôi là được sống trong công việc, chứ không phải làm việc. Đặc biệt khi mình lớn tuổi rồi, thời gian còn ít, làm việc mình yêu thích, vừa phát triển bản thân vừa kiếm được tiền, dù không nhiều, đó là cách tận hưởng cuộc sống của tôi.
- Hiện nay trường doanh nhân mọc ra như nấm, nhiều khóa học làm giàu với những quảng cáo… không tưởng, làm thế nào để giới doanh nhân có thể chọn cho mình môi trường học tập hữu ích?
Người Việt và doanh nhân Việt rất ham học, có điều thị trường bát nháo, phần lớn học lý thuyết, không sư dụng được. Khi thị trường đi lên, họ chăm chú kiếm tiền, chỉ có số ít người thấy cần phải đi học để bổ sung kiến thức. Khi thị trường đi xuống họ lại đổ xô đi học, tìm tư vấn, dù vẫn chật vật kiếm tiền.
Thị trường Việt Nam cách đây 20 năm không có gì để học, đến khi các cơ sở đổ xô mở ra, nhưng học không giúp ích gì, vì bản thân học và hành rất khó. Doanh nhân rất cần có người huấn luyện, vừa cung cấp kiến thức, vừa tư vấn, truyền kinh nghiệm như một mentor…
Nhưng coaching không truyền kinh nghiệm, mà giúp cho doanh nhân tự khám phá bản thân, để tự giải quyết vấn đề của họ, giúp cho mỗi người trở thành một chuyên gia. Bản chất trong mỗi doanh nhân đều có khả năng tiềm ẩn, coaching là quá trình kích thích tư duy để họ phát triển. Đó là một lộ trình dài giúp doanh nhân trang bị tư duy bài bản, hệ thống.
“Khi chúng ta lắng nghe kỹ trải nghiệm của người khác, ta luôn thấy mình đang đứng trước gương soi”- Esthel Perel, một chuyên gia thương hiệu từng nói như thế.
Mọi người đều gặp những vấn đề giống nhau về chiến lược, tài chính, nhân sự,... bệnh nặng hay nhẹ, ưu tiên chữa bệnh nào trước thôi.
Điều doanh nghiệp cần là hành động, vì từ lý thuyết tới thực hành là khoảng cách dài. Hiểu, thấm, tự mình hành động là ba phương châm chúng tôi coi trọng nhất. Sau mỗi buổi coaching doanh nghiệp có thể khai mở tư duy, rút tỉa cho mình cách thức hành động ngay lập tức.
- Trên thế giới, thị trường coaching khoảng 2 tỷ USD, trở thành nghề phát triển nhanh thứ hai thế giới sau IT, thù lao cho mỗi giờ coaching cũng khá cao, tuy nhiên nó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của người coach?
Người coach cần có nhiều trải nghiệm, nhưng không đem trải nghiệm đó áp vô thân chủ như 1 nhà tư vấn, mà phải biết dùng trải nghiệm đó giúp cho thân chủ có con đường đúng. Giỏi kỹ thuật chưa đủ, nhiều trải nghiệm cũng chưa đủ, cần giỏi lắng nghe, không phán xét.
Thường những người giỏi hay phán xét, hướng thân chủ nghĩ theo cách họ cho là đúng. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, phải có câu hỏi sắc sảo giúp cho thân chủ chuyển hóa, đó mới thực sự là một coaching giỏi.
Trên thế giới có coaching về cuộc sống, sự nghiệp, tôi chọn coaching cho doanh nghiệp, vì tôi cho rằng người chủ có ảnh hướng rất lớn đến toàn xã hội cả khi thành công và thất bại. Tôi muốn tạo ra những tác động tích cực hơn cho xã hội.
Nhiều chủ doanh nghiệp rất giỏi kỹ năng, kỹ thuật, nhưng có khi họ mất phương hướng, không biết sứ mệnh đời mình. Kiếm tiền có ý nghĩa gì? Làm thế nào để đừng bị quay cuồng vì kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp đến mức mất cân bằng, mất định hướng? Nếu thước đo thành công chỉ là thăng tiến sự nghiệp, kiếm nhiều tiền đến lúc nào đó bạn sẽ mất phương hướng.
Coaching cũng là cách để bạn biết đo lường hạnh phúc trùng với thành công, sống cuộc sống ý nghĩa nhất.
Lâm Bình Bảo và một số học viên
- Phải chăng đó cũng là “gót chân Achilles” của rất nhiều doanh nhân thành đạt hiện nay?
Đúng. Mọi người đang chăm chăm vào kết quả đạt được, bằng tiền, chức vụ, nhà cao cửa rộng… Điều đó không sai, nhưng họ sẽ thất vọng khi đạt được kết quả. Làm cái gì, bằng cách nào mới quan trọng. Phải có năng lực mới biết mình làm đúng hay sai.
Bắt đầu gieo trồng sự chia sẻ với doanh nghiệp từ 15 năm nay, may mắn làm công ty lớn, học bài bản nước ngoài, được va chạm, tôi thấy doanh nhân Việt rất thiệt thòi.
Thiệt lớn nhất là không có nền tảng vững chắc, không có được công thức thành công, không có được sự hỗ trợ, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ
Nếu ví môi trường kinh doanh như một con đường, thì trên đó có những xe buýt cồng kềnh, chiếm diện tích, chạy chậm là doanh nghiệp nhà nước. Những xe hơi hiện đại chạy rất nhanh, được tạo mọi điều kiện là doanh nghiệp FDI. Còn rất đông xe máy phải luồn lách, thậm chí phải lấn đường lấn tuyến để chạy, về cơ chế chính sách cũng không được thuận lợi, ưu đãi gì, đó là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa.
Còn nhóm startup chính là đội ngũ đi xe đạp, chạy rất nhanh, len lỏi mọi ngõ ngách. Rất tiếc, công an chỉ thổi phạt mấy anh xe đạp, xe máy, có ai thổi xe buýt đâu…
Chính vì vậy, tôi không gọi B Coaching là cái trường, chỉ nói đó là một dịch vụ cho doanh nghiệp. Trong quá trình làm, chia sẻ, thấy nhiều doanh nghiệp bị thiệt thòi, nhận được sự khích lệ của người học, chúng tôi tìm cách giúp họ thực hành. Coaching là phương tiện tốt giúp doanh nghiệp biến tri thức thành hành động, đi cùng họ trong quá trình đó để biến hành động thành thành quả, lúc đó mới ý nghĩa, chứ không phải con mọt sách chỉ biết lý thuyết suông.
Tôi đang tìm những cộng sự cùng triết lý với mình, cùng nhau phát triển. Rất vui là có nhiều bạn bè cũng muốn theo con đường của mình.
- Trong cuộc đời mình, anh đã từng có nhiều lần bước ra khỏi vùng an toàn chưa?
Muốn bước ra khỏi vùng an toàn, trước hết phải vượt qua nỗi sợ, có niềm tin là mình sẽ “được” nhiều hơn cái mình đang có. Tôi từng là người rất sợ độ cao, và đã tham gia trò chơi Bungee, nhảy từ 50 mét xuống chỉ để thử thách bản thân. Trèo lên chênh vênh, cột hai sợi dây vào chân, bị đẩy xuống, hồn bay phách lạc, trong người không còn chút cảm giác nào… sau vài giây cảm giác trở lại thú vị vô cùng. Mặc dù chỉ là trò chơi nhưng đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ.
Và lần khởi nghiệp này cũng thế. Đang làm việc lương rất tốt, vị trí tốt, ra ngoài mất tất cả, nhưng tôi lại nghĩ được nhiều hơn mất. Sau này nghĩ lại, thực ra nỗi sợ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó đâu có thật! Nhưng cần phải biết rủi ro lớn hay nhỏ, và đánh giá được điều đó.
- Lần khởi nghiệp đầu tiên năm 2005 với Trung tâm giáo dục giải trí Funbrains Family Edutainment cho trẻ được chơi những trò chơi sáng tạo cũng là lần bước ra khỏi vùng an toàn mà… thất bại?
Đó là bài học rất lớn, đốt rất nhiều tiền, chỉ nghĩ sản phẩm mà không nghĩ đến khách hàng, cứ cho rằng sản phẩm tốt sẽ có khách hàng. Nhưng khách hàng chỉ nghĩ sản phẩm giúp họ giải quyết vấn đề của họ. Không lắng nghe khách hàng là chắc chắn chết luôn, dù có bao nhiêu tiền, bao nhiều nguồn lực. Thứ hai là bài học về độ lớn khách hàng, thị trường.
Hiện rất nhiều startup đi vào “ vết xe đổ” mà tôi đã từng trải qua. Phải vượt qua cái tôi, đứng về phía khách hàng để nhìn lại vấn đề
Xuất thân dân kỹ thuật, làm về ngành điện, liên quan kỹ thuật đo lường trong phòng thí nghiệm, đo lường môi trường… nhờ ở những ngành nghề khác nhau, có trải nghiệm phong phú cộng thêm kinh nghiệm quản lý giúp mình nhiều góc nhìn, thông cảm hơn với thân chủ của mình, giúp mình không áp đặt góc nhìn của mình vào thân chủ…
Quay lại câu chuyện khỏi nghiệp, cần phải chuẩn bị tốt, nhất là tâm thế và mối quan hệ, kiến thức, nếu không sẽ rơi vào thất bại.
- Từng là người thực hành thiền định mỗi ngày, anh nghĩ gì về một nhà lãnh đạo thiền?
Khi hài lòng với kinh nghiệm đã có, bạn sẽ không có được cái mới. Thế giới biến đổi rất nhanh, chỉ có người biết giữ cho tâm mình như một đứa trẻ lúc nào cũng háo hức, sẵn sàng mở với cái đầu rỗng mới khám phá được những ý tưởng mới, lúc đó, kinh nghiệm trở thành vô chiêu. Thiền giúp cho tôi điều đó, không bám víu vào kinh nghiệm.
Lãnh đạo thiền là tỉnh thức với những gì xảy ra xung quanh. Môi trường, con người, chiến lược có thể thay đổi, nhưng cái không thay đổi là tư duy, tỉnh thức với những gì xảy ra bên trong, giúp cho mình nhận ra thế giới thay đổi thế nào, mình mạnh yếu thế nào, sẵn sàng mở lòng để thay đổi, vì mình chỉ là một phần trong thế giới đó.
Biết lắng nghe cũng là thiền. Thiền là lối sống, không phải là tư tưởng. Trở thành nhà lãnh đạo hạnh phúc quan trọng hơn nhà lãnh đạo thành công. Đo lường thành công là bên ngoài, còn đo lường hạnh phúc là bên trong.
- Anh có băn khoăn nhiều không khi nhìn vào đời sống của những người giàu Việt Nam?
Một lần qua Đức, tôi được ở trong khách sạn tư nhân có lịch sử 150 năm trải qua 4 đời, nằm trong danh sách khách sạn nhỏ 5 sao nổi tiếng nhất thế giới, tôi tò mò hỏi vì sao họ có thể xây dựng doanh nghiệp tồn tại 150 năm? Họ nói về giá trị của họ, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, đó là sự lựa chọn của họ, và mình tôn trọng sự lựa chọn đó.
Tôi không muốn đụng chạm đến những người giàu nhất Việt Nam, liệu chúng ta muốn một phút huy hoàng rồi chợt tắt hay trường tồn 150 năm? Đó là sự lựa chọn của mỗi người.
Tôi may mắn gặp rất nhiều bạn trẻ, mặc dù chưa thành công nhưng họ luôn đau đáu làm gì cho xã hội. Tôi tin nếu họ luôn nghĩ mang lại giá trị gì cho xã hội sẽ thành công và bền vững. Có thể họ không quá to lớn, không trở thành đại gia, khi va chạm cuộc sống gặp rất nhiều trở ngại, nhưng hoàn thành sứ mệnh ngay trong lúc kiếm tiền là cách sống hạnh phúc. Ngay cả thế hệ chuyển giao cũng nhiều người nghĩ nhiều đến sứ mệnh, đi tìm lẽ sống. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Một người sống bằng sự cho đi có ba niềm vui, lúc chuẩn bị cho, trong khi cho và sau khi cho, còn người nhận chỉ có một niềm vui lúc nhận thôi. Tôi chọn cách sống bằng sự cho đi.
-
Lâm Bình Bảo, nhà sáng lập B Coaching: Tôi chọn cách sống bằng sự cho đi
26/11/2018 7:59 AMTừng du học ở nước ngoài, trải qua 30 năm kinh nghiệm quản lý và điều hành tại những tập đoàn đa quốc gia như ABB, Tetra Pak, Mettler Toledo, ETC, đang là CEO của ProMinent Dosiertechnik với mức lương và cuộc sống ổn định… Lâm Bình Bảo lại quyết định ra khỏi “vùng an toàn”.
-
Câu chuyện anh chàng "quên kéo khoá quần": Bài học quản trị doanh nhân nào cũng cần học thuộc
18/10/2016 2:32 PMTrong chuỗi bài viết với chủ để "Thư gửi Mr. Manager", ông Lâm Bình Bảo, Tổng giám đốc công ty Prominent Dosiertechnik Việt Nam (ngành xử lý môi trường) đã có những bài viết về chiến lược quản trị.