Eastman Kodak vừa được tòa án Manhattan chấp nhận kế hoạch thoát phá sản, sau khi cam kết thu hẹp lĩnh vực hoạt động, bỏ hoàn toàn mảng máy ảnh, phim cuộn và dịch vụ in ấn cho người tiêu dùng.

Kế hoạch trên đã được thông qua bởi thẩm phán chuyên lĩnh vực phá sản - Allan Gropper ở Manhattan (New York, Mỹ), Bloomberg cho biết. Theo đó, Kodak sẽ bỏ hoàn toàn mảng máy ảnh, phim cuộn và dịch vụ ảnh cho người tiêu dùng để tập trung vào công nghệ in ấn cho khách hàng doanh nghiệp.

Kodak sẽ giảm được 4,1 tỷ USD nợ theo kế hoạch này. Chủ các khoản vay thế chấp của Kodak sẽ được hoàn trả đầy đủ. Các chủ nợ cho vay nhưng không lấy tài sản đảm bảo sẽ chỉ được trả 4% - 5% số tiền. Trong khi đó, cổ đông không nhận được một đồng nào. Kodak cho biết kế hoạch này là "sự nhượng bộ toàn diện" giữa công ty và các chủ nợ. Hãng hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng phá sản vào ngày 3/9 tới, theo AP.

Kodak có thể chấm dứt tình trạng phá sản vào đầu tháng 9. Ảnh: AFP

Thẩm phán Gropper đã bác bỏ đề nghị hoàn tiền của một số nhóm cổ đông khi họ cho rằng các chuyên gia phá sản và Kodak đang cố tình giấu giá trị thật. Ông lý giải kể cả nếu Kodak có đáng giá hơn như thế, số tiền đó cũng sẽ được dùng để trả cho các chủ nợ không lấy tài sản thế chấp.

Tháng 1/2012, Kodak nộp đơn phá sản sau khi đã tiêu tốn 3,4 tỷ USD để cố lật ngược tình thế. Trong 10 năm trước đó, Kodak đã sa thải tới 47.000 nhân viên, đóng cửa 13 nhà máy làm phim cuộn, giấy, hóa chất, đồng thời đóng cửa 130 phòng thí nghiệm. Khi nộp đơn phá sản, Kodak có 17.000 nhân viên và sẽ cắt giảm một nửa theo kế hoạch mới, do phải từ bỏ nhiều mảng kinh doanh.

Các mảng sản phẩm in ấn và nhiếp ảnh cho người tiêu dùng gắn liền với thương hiệu Kodak qua nhiều thế hệ đã bị bán đi, hoặc tách riêng từ năm ngoái để lấy tiền trả lương hưu cho nhân viên. Trong khi đó, mảng in ấn thương mại của hãng vẫn tiếp tục hoạt động với công nghệ in, xuất bản và đóng gói sản phẩm.

Chủ tịch kiêm CEO Kodak - Antonio M. Perez cho biết công ty sẽ sớm trở thành "người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ để đáp ứng thị trường ảnh thương mại lớn và tăng trưởng nhanh, với cấu trúc gọn gàng hơn và bảng cân đối kế toán vững mạnh hơn".

Tập đoàn Eastman Kodak thành lập vào năm 1880. Vài năm sau, Kodak đã nhanh chóng trở thành một trong những gã khổng lồ trong lĩnh vực phim ảnh. Tuy nhiên, việc ra đời hàng loạt công ty đối thủ trong vài thập niên gần đây đã đẩy Kodak vào thế khó khăn. Doanh số bán hàng liên tục giảm và dần dần tuột dốc không phanh, từ thua lỗ dẫn đến phá sản.

Thùy Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.