Các nhà quan sát nhận định, nguy cơ suy thoái kéo dài, bất ổn chính trị và tổn thất tài chính ở nhiều quốc gia bắt nguồn từ sự chững lại về kinh tế của Trung Quốc.
Một người đàn ông đang theo dõi giá cổ phiếu tại sàn giao dịch ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc vào hôm 11/1. Ảnh: AP
Nền kinh tế suy thoái và tình trạng bất ổn về tài chính của Trung Quốc đang thúc đẩy một chu kỳ suy giảm và hỗn loạn tại nhiều khu vực trên thế giới.
Hôm 11/1, tiền của Nam Phi, đồng rand, mất giá sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc một lần nữa lao dốc. Theo The Washington Post, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi, cũng như nhiều quốc gia khác trên lục địa đen phát triển nhờ "cơn đói" tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đó đang giảm dần, đe doạ đến nhiều vấn đề phức tạp khác và khiến cuộc khủng hoảng lương thực trở nên làm trầm trọng hơn.
Tại Nam Mỹ, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hoá trong khu vực này giảm dẫn đến sự suy thoái và cuộc thảo luận về “thập kỷ mất mát”. Hiện tại, Venezuela phải đối mặt với lạm phát tăng 2 hoặc 3 con số. Brazil trải qua tình trạng thất nghiệp tăng cao. Cả 2 nước này đều đang đối mặt với những biến động chính trị khi các nhà lãnh đạo cố gắng bảo toàn lợi ích cộng đồng.
Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc giảm giá dầu thô xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua, xấp xỉ 30 USD/thùng. Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá dầu có thể xuống ngưỡng 20 USD/thùng.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi Arabia và Nga chịu tác động lớn từ việc giá dầu giảm và phải đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng. Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng, 2 quốc gia này xuất khẩu khoảng 14% sản lượng dầu của họ sang Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ được cho là có khả năng "cách nhiệt" tốt. Một số ngành công nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc như đồ ăn nhanh và bán lẻ dự kiến không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sàn chứng khoán Mỹ bắt đầu lao dốc trong năm nay. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo tình trạng mất việc có thể bắt đầu xuất hiện trong ngành công nghiệp khai thác mỏ và năng lượng nếu nền kinh tế Trung Quốc chững lại.
Caterpillar, nhà sản xuất máy móc khai khoáng và xây dựng hàng đầu thế giới từng lên như diều gặp gió trong suốt thời kỳ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao, cho biết, doanh số bán hàng của họ giảm. Giá cổ phiếu của tập đoàn này lao xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Hôm 11/1, tập đoàn nhôm Sherwin Alumina đệ đơn xin phá sản.
“Suy thoái 0,5% hay 1% của Trung Quốc sẽ không tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Nam Phi, Peru, Chile, Colombia, Malaysia hay Thái Lan thì khác”, Paul Sheard, chuyên gia kinh tế của Standard & Poor’s Ratings Services, nhận định.
Sàn Thượng Hải tiếp tục giao động. Giá cổ phiếu giảm 15% trong 6 ngày qua. Các nhà phân tích không đặc biệt chú ý tới vấn đề thăng trầm của thị trường cổ phiếu bởi vì nó chỉ là vòng ngoài của nền kinh tế. Tuy nhiên, họ cho biết, sự biến động khiến các nhà đầu tư e ngại về việc liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có tồi tệ hơn so với số liệu thống kê chính thức hay không.
Sau nhiều năm phi mã, hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ chậm lại như thế nào, từ tăng trưởng 2 con số về mức 6% đến 7% để ổn định hay tụt xuống còn 3% đến 4%, thậm chí thấp hơn.
Tác động trên toàn thế giới
Đa số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là những nước đạt được thịnh vượng nhờ nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc.
Tình trạng này diễn ra ở mọi lục địa. Cả nước phát triển và đang phát triển đều phải đối mặt với hậu quả.
Khi Trung Quốc phát triển và trở thành công xưởng của thế giới với việc sản xuất pin mặt trời, máy tính xách tay và Iphone, nó cần một lượng lớn nguyên liệu thô và máy móc khiến chúng tăng giá. "Vì vậy, kết thúc sự bùng nổ về đầu tư của Trung Quốc, tình trạng sẽ diễn ra theo chiều ngược lại", Patrick Chovanec, giám đốc chiến lược của Silvercrest Asset Management, nhận định.
Tại châu Á, xuất khẩu than của Indonesia giảm sau khi những thách thức kinh tế của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào năm ngoái. Tại Brazil, Peru và Venezuela, các mặt hàng xuất khẩu sụt giá.
"Những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất của Trung Quốc sẽ lao đao khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại kéo theo giá cả hàng hoá giao thương giảm", Neil Shearing, chuyên gia về kinh tế tại Capital Economics, nói.
Sự ảnh hưởng này không chỉ dừng lại ở các nước đang phát triển. Tại Australia, kim ngạch xuất khẩu quặng sắt và các khoáng sản khác tới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, giảm khiến giới quan sát tăng thêm e ngại về một cuộc suy thoái. Hàn Quốc cũng là những quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương.
Tăng trưởng Trung Quốc giảm có tác động lan toả đến toàn cầu, thông qua giảm nhập khẩu và nhu cầu đối với hàng hoá, lớn hơn nhiều so với những gì mà chúng ta dự đoán”, Maury Obstfeld, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Thế giới, nói.
Obstfeld cảnh báo rằng suy thoái và biến động không thể kiểm soát của Trung Quốc tại các thị trường mới nổi là một trong những đe doạ lớn nhất tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016.
Nam Phi
Nam Phi là một trường hợp quá phụ thuộc vào Trung Quốc và hiện tại đang gánh chịu nhiều hậu quả.
Hôm 11/1, đồng rank của Nam Phi giảm 10% so với USD, mức thấp nhất trước đến nay. Trung Quốc là đối tác giao thương lớn nhất của Nam Phi, kim ngạch thương mại mỗi năm đạt khoảng 20 tỷ USD.
“Cơn khát” của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nam Phi giúp họ phát triển kinh tế. Quặng sắt, than đá, vàng và những khoáng sản khác là những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của quốc gia ở lục địa đen này.
Đồng rand giảm giá khiến người dân của vương quốc kim cương tốn kém hơn trong việc mua đồ và sử dụng dịch vụ cũng như gặp khó khăn hơn trong vấn đề trả nợ.
Hàng loạt vấn đề chính trị, kinh tế và cấu trúc trở nên tồi tệ hơn do kinh tế Trung Quốc chững lại. Thực tế đó khiến đồng rand rơi vào tình trạng bấp bênh.
Thời gian suy thoái kinh tế và tiền mất giá kéo dài có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực ở Nam Phi. Đất nước này đã đối mặt với một đợt hạn hán gần đây và sẽ phải nhập khẩu lương thực nhiều hơn thường lệ. Tuy nhiên, đồng rand với giá trị thấp hơn sẽ khiến họ phải tiêu tốn nhiều hơn trong một số trường hợp, các nhà phân tích nhận xét.
Một số người lập luận rằng Nam Phi và các quốc gia khác trên lục địa đen đang phải trả giá cho sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế, một số nhà phân tích cho biết, các nước xuất khẩu hàng hoá có ít lựa chọn khi thị trường nhập khẩu Trung Quốc mở rộng.
“Điều này không thể tránh được bằng cách đa dạng hoá vì Trung Quốc thực sự là một thị trường lớn”, Dennis Dykes, chuyên gia kinh tế của ngân hàng NedBank (Nam Phi), nói.
Ảnh hưởng từ những bất ổn của Trung Quốc đến khi Nam Phi đang quay cuồng với những vấn đề nội bộ.
Tháng trước, Tổng thống Jacob Zuma sa thải Bộ trưởng Tài chính Nhlanhla Nene, nhưng sau đó ông gặp khó khăn trong việc chọn người thay thế. David van Rooyen, người giữ chức bộ trưởng tài chính sau Nene, bị sa thải sau đó vài ngày khi đồng rand mất giá. Cuối cùng, Tổng thống Zuma bổ nhiệm Pravin Gordhan, cựu Bộ trưởng Tài chính. Động thái này khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ xếp hạng của Nam Phi xuống BBB-. Họ cho biết, đảng Đại hội Dân tộc Phi, đảng cầm quyền, không tính đến việc quản lý nền kinh tế như hạn chế nhập siêu, khắc phục tình trạng thiếu điện và nâng cao chi tiêu vào giao thông và giáo dục.
Đồng rand trải qua 2 đợt sụt giá đáng kể trong 2 thập kỷ qua, vào năm 2001 và 2008. Tuy nhiên sau đó, kinh tế đều phục hồi nhanh chóng do nhu cầu của Trung Quốc và giá các mặt hàng xuất khẩu tăng. Lần này, các nhà phân tích nhận định, kỳ tích này không thể xảy ra.
Kim Ngân (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.