Bướu xương được xem là ngành "nhọc nhằn" nhất trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình vì điều trị khó khăn và rất dễ gây tử vong. GS Hoàng Tiến Bảo, Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình của trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh từ năm 1976 được xem là người đặt nền móng cho ngành Cột sống và Bướu xương - Phần mềm Việt Nam. PGS-BS Lê Chí Dũng là học trò của GS Hoàng Tiến Bảo đã chọn ngành Bướu xương để theo đuổi suốt cuộc đời.

PGS-BS Lê Chí Dũng - Tranh: Hoàng Tường

Ông quyết tâm xây dựng khoa Bệnh học Cơ - xương - khớp đầu tiên ở Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm cách tái tạo chi cho bệnh nhân bị bướu lành và cứu sống bệnh nhân bị bướu ác.

Ngoài ra, quỹ từ thiện dành cho người bị ung thư do ông phát động cũng hoạt động rất mạnh mẽ trong những năm qua, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nghèo.

* Nay không còn làm ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mà trông ông vẫn bận rộn không kém thời gian chưa nghỉ hưu…

- Tôi định nghỉ hưu để dành thời gian biên soạn sách chuyên đề về bướu xương, bướu phần mềm cũng như cho đam mê âm nhạc và viết lách nhưng chỉ mới hoàn thành đĩa nhạc, các bài viết dạng hồi ký, còn tập truyện ngắn thì tôi còn chưa viết được chữ nào.

Những tưởng về “ở ẩn” thì thảnh thơi hơn nhưng công việc ở phòng mạch và Hội Nội soi Cơ - xương - khớp thành phố cũng khiến tôi không còn chút thời gian nào cho bản thân.

* Nhiều người có chức vụ thường không muốn về hưu. Ông có chút tiếc nuối nào khi nhường lại vị trí Trưởng khoa Bệnh học Cơ - xương - khớp ở tuổi mới ngoài sáu mươi?

- Người ta không muốn về hưu vì sợ mất đi bổng lộc, danh tiếng và các mối quan hệ thân hữu. Tôi khi làm ở vị trí trưởng khoa vốn đã không có nhiều bổng lộc thì sao phải tiếc. Nay về hưu nhưng tôi vẫn được anh em đồng nghiệp quý mến, học trò kính trọng nên tôi cứ bình thản chấp nhận chuyện “về vườn” thôi.

Thực tế, dù người đi trước có giỏi đến đâu, có ở chức vụ nào đi nữa thì khi đến tuổi cũng nên nhường lại cơ hội nghề nghiệp cho người đi sau. Nếu lúc trẻ chúng ta có ý thức dưỡng tâm dưỡng thân, nuôi dưỡng những đam mê khác ngoài tiền bạc thì về hưu sẽ không ngậm ngùi nuối tiếc mà biết trân trọng mọi khoảnh khắc đang sống.

* Là học sinh xuất sắc về lĩnh vực toán học, từng đoạt giải thưởng quốc gia về toán và thi đậu thủ khoa vào Trường Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn nhưng ông lại quyết tâm theo đuổi ngành y…

- Quảng Trị quê tôi là mảnh đất nghèo với gió Lào và những trận bão lụt, lại bị dày xéo bởi hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Thời đi học, ngày ngày tôi đều nhìn thấy xác người vì bom đạn và nghèo đói. Những điều đó khiến tôi luôn khát khao, trăn trở với y nghiệp để mong xoa dịu nỗi đau và làm lành các vết thương của người dân quê mình.

Ngay từ hồi còn ngồi ở giảng đường đại học y khoa tôi đã cùng các đồng đội trong Đoàn công tác y tế Y - Nha - Dược đi khám bệnh, giúp đỡ người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa…

Đến khi ra trường năm 1978, tôi đã ghi trong cả ba nguyện vọng về nhiệm sở là “quân y” với ước mong được cùng chia sẻ, chăm sóc và bảo vệ sinh mạng cho các chiến sĩ xả thân vì đất nước, nhưng lại được phân công làm cán bộ giảng dạy vì Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đang cần giảng viên trẻ. Chỉ đến lúc làm bác sĩ, tôi mới có điều kiện xoa dịu nỗi đau tâm lý và điều trị bệnh tật cho mọi người.

Hằng năm, tôi và anh em vận động các mạnh thường quân, qua báo đài, cũng như trích tiền lương của bản thân mình giúp đỡ trên trăm triệu đồng cho các bệnh nhân bị ung thư cơ - xương - khớp hay thành lập tủ sách giúp bệnh nhân tìm hiểu về bệnh tật cũng như giải trí, tạo niềm vui…

* Nhiều người cho rằng việc chủ động làm từ thiện thì dễ, xin tiền từ thiện thì khó, ông có thấy đúng không?

- Nói vậy chưa hẳn là đúng. Mình xin tiền cho mình mới khó chứ xin cho người khác thì không có gì là khó khăn cả.

Có thể nhiều người ngại đi xin tiền giúp cho người nghèo còn riêng tôi thì không. Người tốt trong xã hội này nhiều lắm, chỉ cần khơi đúng mạch và có đủ uy tín thì các mạnh thường quân sẵn sàng bỏ tiền cho bệnh nhân bị ung thư xương, một căn bệnh “độc ác”.

Có người làm từ thiện một cách vô tư, có người thì không vô tư lắm, nhưng với tôi, dù với mục đích gì thì việc mang lại điều kiện chữa bệnh cho người nghèo đều là tốt cả.

* Bệnh ung thư nào cũng dễ cướp đi mạng sống của bệnh nhân, đâu chỉ riêng ung thư xương là “độc ác”…

- Cái “độc ác” của ung thư xương là thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 10 đến 20 tuổi và gây chết người rất nhanh. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ mới hơn mười tuổi, xinh xắn và thơ ngây, hầu như chưa nhuốm “bụi trần” và chỉ sống được khoảng một, hai năm sau khi phát bệnh!

Tôi nhớ mãi hình ảnh của Lê Thanh Thúy, niềm cảm hứng của chương trình “Ước mơ của Thúy” phát động năm 2007. Một cô bé 16 tuổi với nụ cười sáng, được tôi mổ đến năm lần trong đó có lần vào đêm 30 tết nhưng không thể cứu được em.

Những ngày đầu, em hay cười hay nói như con chim sơn ca. Nhìn nụ cười của em rồi nhìn phác đồ điều trị, tôi và các bác sĩ khác không khỏi xót xa.

Bình thường, em hay nghe nhạc trẻ sôi động. Thế mà một buổi trưa, tôi tình cờ thấy em đang mơ màng theo những giai điệu buồn về thân phận con người của nhạc Trịnh Công Sơn.

Dù là một cô bé yêu đời, lạc quan, em cũng khó tránh khỏi những giây phút đau lòng khi biết về căn bệnh quái ác của mình…

* Bên cạnh những thời khắc rơi nước mắt, hẳn ông cũng có những giây phút hạnh phúc với nghề?

- Hạnh phúc với nghề thì nhiều lắm. Hạnh phúc là khi phát hiện ra một bệnh nhân chỉ bị bướu lành, không bị ung thư như những chẩn đoán trước đó. Tôi mừng đến nỗi chạy ngay ra khỏi phòng mổ để báo tin cho người thân của bệnh nhân ấy, không kịp cởi áo, tháo găng tay.

Hạnh phúc là khi được tham dự các buổi tiệc cưới của bệnh nhân bị ung thư đã được mình chữa khỏi, không thấy tái phát sau đó. Nhiều bệnh nhân từ miền Bắc, miền Trung bồng bế theo con nhỏ tìm đến tận nhà tôi để cảm ơn.

Hạnh phúc là khi nhận được thư của một bệnh nhân bị ung thư xương sau 25 năm lành bệnh, có đoạn viết: “Hôm nhập viện biết mình bị ung thư, cả bầu trời như sụp đổ, chồng biết tin thì bỏ đi theo vợ nhỏ, tôi chẳng thiết sống nữa nhưng nghĩ đến ba đứa con còn nhỏ mà nuốt giọt lệ vào trong… may mà có bác sĩ và anh chị em trong khoa đã tận tình cưu mang, cứu chữa nên tôi mới khỏi bệnh. Hai mươi lăm năm đã trôi qua, nay tôi sống hạnh phúc bên các con và cháu ngoại, lòng luôn nghĩ đến anh chị em trong khoa như một gia đình thứ hai”.

* Có thể nói ông đã cống hiến rất nhiều trong ngành bướu xương, nhất là nghiên cứu “Điều trị bảo tồn chi các ung thư xương và phần mềm”. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh và bảo toàn tay chân…

- “Điều trị bảo tồn chi các ung thư xương và phần mềm” là công trình mà tôi ấp ủ suốt đời nhằm thay đổi số phận cho các bệnh nhân ung thư xương. Thật may, cuối cùng tôi đã hoàn thành được công trình này với sự giúp sức rất nhiều của các anh em đồng nghiệp. Còn gì vui hơn là khi công việc khô khan của mình lại có ích cho xã hội.

* Phụ trách một khoa chuyên điều trị về bướu xương - bướu phần mềm duy nhất của Việt Nam, hẳn ông đã gặp những thử thách rất lớn về nhân sự?

- Đúng vậy. Rất ít bác sĩ trẻ muốn theo một chuyên ngành nặng nhọc, thu nhập kém hơn các khoa khác, luôn chịu áp lực tâm lý lớn khi phải tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư và thân nhân của họ, thường xuyên thấy những dòng nước mắt, nghe những lời thở than, cảm nhận những nỗi đau mất mát đến tận cùng…

Nhưng từ các bài học của bản thân, tôi đã tìm kiếm được một tập thể ít người nhưng hầu hết đều là tiến sĩ, thạc sĩ, trong đó có hai phó giáo sư. Đó là một tập thể gắn bó, đoàn kết, có trình độ chuyên môn cao, có tấm lòng thương yêu người bệnh và được các thầy, các bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao.

* Bướu xương là một ngành nặng nhọc, thu nhập kém. Sao ông không chuyển sang một chuyên ngành khác cho nhẹ nhàng và có thu nhập tốt hơn?

- Đó cũng là thắc mắc của nhiều bạn bè, đồng môn khi thấy tôi làm bác sĩ lâu năm mà vẫn đi chiếc xe máy cọc cạch. Có bạn khuyên tôi nên chuyển sang ngành thẩm mỹ để dễ có nhà lầu, xe hơi. Nhưng từ trước đến nay, tôi đâu có nhu cầu làm giàu với nghề của mình.

Bệnh ung thư giống như một bản án tử treo lơ lửng, không biết sẽ rơi xuống đầu người bệnh lúc nào. Vì vậy, khi bệnh nhân muốn tặng món quà thì bác sĩ cũng không dám nhận. Biết có điều trị được không và liệu sau điều trị có tái phát không mà nhận quà?

Hơn nữa bệnh nhân ung thư thường nghèo khó, lại còn chịu nhiều đau đớn về thể xác. Bác sĩ đâu nỡ lòng nào mà lấy quà.

Chính vì vậy mà bác sĩ ung bướu khó giàu. Trong giai đoạn còn làm việc ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, vị giám đốc bệnh viện cũng từng đề nghị tôi làm trưởng khoa chi trên. So với bướu xương, đây là một chuyên ngành nhẹ nhàng và thu nhập cao, nhưng tôi đã từ chối và đến lúc này vẫn không cảm thấy hối tiếc về sự lựa chọn của mình.

* Hẳn phải có lý do gì đó để ông quyết tâm theo đuổi một ngành vừa khó vừa cực như vậy?

- Vì hai lý do. Thứ nhất là tôi muốn giữ gìn và phát huy di sản mà thầy Hoàng Tiến Bảo để lại. Thứ hai là tôi muốn giữ lại cơ thể toàn vẹn cho bệnh nhân bị bướu xương.

Bác sĩ Lê Kính, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, và tôi vốn là các “truyền nhân” của GS Hoàng Tiến Bảo về lĩnh vực bướu xương và bướu phần mềm.

Sau này, BS Lê Kính đảm trách nhiều công tác khác và có lý do về sức khỏe nên khó theo đuổi ngành bướu xương, nếu tôi cũng từ bỏ thì e là có lỗi với người thầy tài đức.

Những câu hỏi luôn ám ảnh tôi là bệnh nhân bị bướu lành sau khi nạo bướu hoặc cắt đoạn xương thì lấy xương đâu để ghép lại, còn bướu ác thì đành để bệnh nhân chờ chết sao, kể cả sau khi đã chịu một cuộc mổ tàn phá về cả thể xác lẫn tinh thần là đoạn chi, tháo khớp.

Nhìn những bệnh nhân trẻ tuổi hồn nhiên, trong sáng rồi nghĩ đến cảnh các cháu sẽ chết với thân xác gầy nhom, lòng tôi xót xa, không sao chịu nổi.

* Bài hát Áo trắng và tôi phải chăng được lấy cảm hứng sáng tác từ những tình cảm chân thành ấy?

- Đó không phải là bài hát do tôi sáng tác đâu, tôi chỉ hát thu ở đài truyền hình thôi. Một nhạc sĩ, cũng là nhân viên ngành y, sáng tác tặng tôi cách đây cũng khá lâu rồi.

Cảm hứng có lẽ bắt nguồn từ những lời cảm ơn mộc mạc mà bệnh nhân gởi đến cho tôi trong một lá thư viết tay nhân dịp tết đến.

* Người bác sĩ chữa bệnh mà có sự đồng cảm với bệnh nhân như ông quả là may mắn lớn cho người bệnh...

- Vì tôi thấm rất nhuần lời dạy: “Không phải điều trị bệnh mà phải điều trị bệnh nhân mang bệnh”. Người thầy thuốc giỏi phải vừa là nhà khoa học vừa là người nghệ sĩ.

Tính nhạy bén, tinh tế và trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ giúp cảm nhận sâu sắc nỗi đau và nỗi lòng của bệnh nhân, của thân nhân. Nếu xem bệnh nhân ai cũng giống ai thì việc chữa lành bệnh chỉ là “hên xui”.

“Mười hai điều y đức” vốn chỉ lý thuyết suông, rất khó đi vào đầu sinh viên. Cách dạy về y đức thời tôi có hiệu quả hơn nhiều. Ngày xưa, chúng tôi được dạy rất nhiều về cách làm việc khoa học qua tấm gương của biết bao danh nhân y học và tấm lòng bao dung, quảng đại của người thầy.

Bác sĩ Alexandre Yersin đã từ chối chức danh Giáo sư tại Paris, một mình sang Đông Dương và Hongkong để tìm căn nguyên bệnh dịch hạch. Ông làm việc ngày đêm không nghỉ, thậm chí nhiều lần đưa tiền cho nhân viên nhà xác để được vào khám nghiệm tử thi. Một người không màng danh lợi, làm việc quên nghỉ ngơi như thế mới là bài học về y đức dễ nhớ nhất.

Rồi có cả những bài học y đức tôi được học bằng chính mắt mình. Tôi còn nhớ vào những ngày tháng 4 năm 1975, Bệnh viện Bình Dân tràn ngập bệnh nhân và người bị thương. Mọi người thì lo di tản còn thầy Hoàng Tiến Bảo đã dọn vào ở luôn trong bệnh viện, tập hợp mọi người kể cả sinh viên để cứu chữa người bệnh.

Lại nhớ có những buổi sáng cầm hơi bằng một củ khoai lang hoặc gói xôi nhỏ, thầy đứng mổ cột sống suốt tám tiếng đồng hồ. Đến tối, thầy lại lọc cọc đạp xe vào thăm bệnh nhân. Có thể nói, thầy là hiện thân của hàng trăm bài giảng về y đức mà sinh viên y khoa nào được ở bên cạnh thầy đều dễ dàng ghi nhớ.

* Yêu thương con người và đồng cảm với bệnh nhân đều là những điều anh học được từ thầy?

- Yêu thương con người và cả yêu nhạc, yêu thơ có lẽ do “máu” nghệ sĩ tôi bị ảnh hưởng bởi cha tôi. Ông là nhà giáo nhưng cũng là một nhà thơ, từng đoạt giải thơ toàn quốc.

Cha tôi cùng nhóm bạn yêu thơ hay tập trung uống rượu, ngâm thơ, đàn ca dưới trăng hoặc bên ngọn đèn “măng sông”. Quanh nhà tôi ngày trước là những dòng sông dài, hầu như đêm nào cũng có người chèo đò trên sông, ngâm thơ, hát đối…

Tôi mê nhạc, thơ từ đó. Nhưng lớn lên, tôi phải tự học nhạc, học đàn vì cha tôi không muốn con trai theo đường nghệ thuật.

Có lẽ cũng vì có máu nghệ sĩ nên với tôi, thông tin y học không hề khô khan. Chẳng hạn như khi dạy về ung thư, tôi thường ví von ung thư như tệ tham nhũng và hệ thống quản lý như hệ miễn dịch.

Tế bào ung thư xuất hiện ít thì hệ miễn dịch không phát hiện ra được. Đôi khi, hệ miễn dịch còn không nhận diện được tế bào ung thư vì thấy giống các tế bào bình thường khác.

Đến khi tế bào này sinh sôi nảy nở thành hàng tỉ thì không thể diệt hết được, cứ để chúng mặc sức tung hoành giết chết con người. Một số tế bào ung thư còn có thể tiết ra chất làm mê hoặc cả hệ thống miễn dịch.

Tham nhũng cũng vậy, khi ít thì khó nhận biết, đến khi nhiều quá thì không sao xử lý kịp. Việc xử lý tham nhũng khó là vì khi phát hiện ra thì thấy toàn là “con cháu ta cả”. Và chiếc phong bì “bôi trơn” cũng giống như chất mê hoặc vậy, khó lòng cưỡng lại được.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị.„

Xuân Lộc (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.