Hội Luật gia VN yêu cầu TQ dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của VN.

Chiều 9/5, Hội Luật gia VN tổ chức họp báo tại Hà Nội tuyên bố về việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN.

Chủ trì họp báo là các luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội luật gia VN, Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

Tuyên bố quan điểm của Hội Luật gia VN do ông Lê Minh Tâm nêu rõ: Ngày 2/5, TQ hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vị trí đặt sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Các tàu hộ tống giàn khoan này như tàu hải cảnh, hải giám của TQ với sự yểm trợ của máy bay, đã dùng voi rồng tấn công và đâm vào các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư VN.

Việc này khiến nhân dân VN phẫn nộ, cộng đồng quốc tế quan tâm và cực lực phản đối. Việc làm này xâm phận nghiệm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vi phạm UNCLOS và DOC cũng như các thỏa thuận giữa hai bên.

Các tàu TQ đã cố tình đâm vào các tàu chấp pháp của VN, gây thiệt hại về tài sản và đe doạ nghiêm trọng tính mạng, bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của VN, vi phạm UNCLOS mà chính TQ là thành viên, đi ngược lại DOC với cam kết kiềm chế các hoạt động gây phức tạp làm leo thang xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

TQ cho rằng đây là hoạt động tác nghiệp bình thường là điều vô lý vì các việc VN đang làm là nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và EEZ của VN, được các nước công nhận và cùng hợp tác. Trong khi TQ làm chỉ dựa trên yêu sách đơn phương, không được quốc gia nào khác công nhận.

Hội Luật gia VN cực lực phản đối việc này, yêu cầu TQ dừng ngay các hoạt động bất hợp pháp, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển này, không để tái diễn các hành động tương tự, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Không ai có quyền thăm dò và khai thác ở thềm lục địa nước khác mà không có sự thỏa thuận rõ ràng của các bên liên quan. Yêu cầu TQ thực hiện nghiêm túc DOC cũng như kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới bảo vệ công lý và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi:Hội luật gia VN có quan hệ với hội luật gia TQ và các nước khác không, có gửi tuyên bố cho các cơ quan đó không?

Ông Lê Minh Tâm: Hội có có quan hệ với Hội luật học TQ, cơ quan có tính chất, thành phần giống Hội Luật gia VN. Hai bên có các hoạt động chung hàng năm. Dựa trên tôn chỉ mục đích của Hội thì trong các hoạt động với phía bạn đều trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật.

Hội Luật gia VN sẽ có thông báo với Hội Luật học TQ về các hoạt động của mình, còn việc gửi tuyên bố trên bằng con đường chính thức thì còn phải cân nhắc.

Ông Phạm Quốc Anh: Từ trước đến nay không có thông lệ này vì đây là quan hệ giữa hai nhà nước. Nhà nước ta bằng các cuộc họp báo và làm việc với phía TQ đã thông báo đầy đủ, chúng tôi không trực tiếp gửi và không đặt ra vấn đề này.

Báo Pháp luật TP.HCM tiếp tục hỏi:TQ mới đây đã gợi ý VN rút các tàu của mình ra khỏi khu vực rồi sẽ tiến hành đàm phán, vậy ông Trần Công Trục bình luận gì?

Ông Trần Công Trục: Đề nghị này là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Vị trí giàn khoan nằm sâu trong vùng EEZ và thềm lục địa VN, không dính dáng gì đến vùng biển mà họ gọi là Tây Sa cũng như vùng họ gọi là chồng ấn tính từ các đường cơ sở đã công bố.

Vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền VN, các lực lượng VN đang làm việc bình thường, không có chuyện rút tàu rồi đàm phán.

VN sẵn sàng đàm phán hòa bình, không để xung đột ảnh hưởng đến hòa bình, ta kiên trì, kiềm chế những không phải bằng mọi giá. Thái độ của TQ khi đưa ra gợi ý đó là gây sức ép và không bình thường, chắc chắn không bao giờ VN làm việc vô lý đó.

Báo Quân đội nhân dân:Việc này theo luật pháp quốc tế sẽ xử như thế nào?

Ông Trần Công Trục: Căn cứ UNCLOS, các tiêu chuẩn cụ thể cho phép các quốc gia ven biển mở rộng phạm vi vùng biển của mình, vùng này nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa VN, việc TQ đưa giàn khoan vào sâu như vậy là vi phạm UNCLOS, là hậu quả của việc vận dụng, giải thích có ý đồ của phía TQ để lợi dụng công ước để biến thành tài sản riêng của mình, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, để đạt được mục tiêu của mình trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Công ước đã có chế tài, quy tắc, thủ tục để các bên đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về luật biển, ta hoàn toàn có thể làm điều đó. Philippines đã làm rồi với bộ hồ sơ dày và đầy đủ, kiện lên một hội đồng trọng tài quốc tế có 5 thành viên, hồ sơ đang được thụ lý, nhận được sự đồng tình ủng hộ trong nước họ, khu vực và thế giới, vụ việc đang tiến triển tốt.

VN cũng là thành viên Công ước và cũng có thể làm điều hết sức chính đáng đó như một biện pháp hòa bình. Trong nội dung đàm thoại giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với người đồng cấp TQ cũng nêu rõ: VN sẵn sàng áp dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này. Việc đưa vấn đề này lên các cơ quan tài phán quốc tế là bình thường, đúng đắn và văn minh trong một xã hội hiện đại.

Chung Hoàng - Linh Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.