Dù vẫn còn nhiều thách thức cho sự ổn định của nền kinh tế nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là một nền kinh tế quan trọng với những tiềm năng to lớn. Năm 2014, với những thời cơ mới sẽ giúp Việt Nam có thể xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và bền bỉ hơn.

Năm 2013 không phải là một năm dễ dàng đối với Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng đã rất khó khăn khi nhiều công ty không sẵn sàng mở rộng hay đầu tư mà thay vào đó chờ đợi và xem xét tình hình cho tới khi có một vài dấu hiệu khởi sắc. Sức cầu nội địa chậm lại và nhiều người Việt mang tâm lý tích lũy hơn là tiêu thụ hay đầu tư cho tương lai. Hệ thống ngân hàng tiếp tục đối mặt với nợ xấu và nhiều ngân hàng cùng theo đuổi một số ít khách hàng có năng lực tín dụng tốt. Lợi nhuận biên từ cho vay và do đó lợi nhuận nói chung của lĩnh vực ngân hàng giảm xuống rất nhiều.

Tuy nhiên những vấn đề này là hậu quả lâu dài của lạm phát và lãi suất cao trong những năm 2009-2011 khi tín dụng tràn trề và các công ty đôi lúc vay ở mức lãi suất hơn 20% để tài trợ cho việc mua bất động sản và đầu tư với mục đích đầu cơ. Nhiều công ty trong đó có các công ty nhà nước đã đi xa khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để kinh doanh các lĩnh vực khác. Đồng tiền Việt Nam (VND) giảm giá liên tục trước đồng Đôla Mỹ và dự trữ ngoại hối trở nên eo hẹp.

Tuy nhiên sau thời kỳ đó chúng ta đã thấy một khúc quanh trong bức tranh kinh tế vĩ mô. Lạm phát giảm xuống một con số vào cuối năm 2012 và ngạc nhiên hơn là tiếp tục thấp trong suốt năm 2013 ở mức giữa 6-7%. Chi phí vay đã giảm mạnh và nhiều công ty hiện tại có thể tiếp cận các khoản vốn ở mức lãi suất 8-9%. VND rất ổn định. Dự trữ ngoại hối cũng tăng đáng kể, hơn 200% trong vòng vài năm qua.

Trong năm 2013, xuất khẩu được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam, tăng từ 96,9 tỷ USD năm 2011 lên 114 tỷ USD năm 2012 và dự kiến đạt 134 tỷ USD năm 2013.

Khi nhìn tổng thể, lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng mạnh trong quý cuối cùng của năm 2013 và điều này sẽ tiếp tục góp phần vào ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014. Nhà kinh tế học tại HSBC Trinh Nguyễn nhận định mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang dần tăng lên, mặc dù vẫn còn chậm. Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cải thiện nhẹ nhưng nhu cầu ở nước ngoài vẫn còn yếu kém. Sự tăng trưởng của nhu cầu về việc làm và số lượng đơn hàng mới cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ rất khả quan.

Nhìn nhận một cách thực tế, các công ty nhà nước sẽ tiếp tục là nguyên nhân của tăng trưởng trì trệ và vấn đề nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết. Tuy nhiên, nền móng thì đã có sẵn để các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hôm nay và Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI vào năm 2014. Xuất khẩu sẽ tiếp tục có kết quả tốt và tôi kỳ vọng VND sẽ ổn định trong năm 2014 mặc dù sẽ giảm giá nhẹ.

Những gì cần thay đổi là niềm tin của người tiêu dùng và mức cầu nội địa. Một khi người tiêu dùng Việt Nam quay trở lại chi tiêu và tiêu thụ, các công ty sẽ có thể đẩy mạnh sản xuất và nền kinh tế sẽ quay lại đà của mình. Các điều kiện kinh tế vĩ mô – lãi suất thấp, lạm phát thấp, đồng tiền nội địa ổn định – tất cả đều sẵn sàng và bây giờ là lúc chúng ta cần khu vực kinh tế quay trở lại đà đầu tư.

Trong điều kiện thị trường hiện tại, thanh khoản là yếu tố then chốt – có nhiều cơ hội để các công ty với lượng tiền mặt dồi dào có thể đầu tư trong trung và dài hạn. Tôi sẽ khuyên các công ty sử dụng thời gian nghỉ hiện tại như một cơ hội để cấu trúc lại và tăng cường các nền móng hoạt động để chuẩn bị sẵn sàng khi tăng trưởng quay lại.

Các điều kiện ở Việt Nam có thể thay đổi rất nhanh và “con hổ” cuối cùng sẽ xuất hiện, các doanh nghiệp cần sẵn sàng. Tôi cũng khuyến khích các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư xem xét lại mô hình kinh doanh với sự linh hoạt để có thể sẵn sàng thay đổi.

Còn rất nhiều việc phải làm và có nhiều thách thức ở trước mặt, nhưng điều này luôn xảy ra tại các thị trường mới nổi có tăng trưởng cao. Tôi đã sống ở Việt Nam đủ lâu và đã nghiên cứu đủ lịch sử để biết rằng đất nước Việt Nam và con người Việt Nam sẽ luôn sản sinh ra sức mạnh trong các điều kiện khó khăn. Việt Nam là một đất nước giàu có với những con người tài giỏi và chăm chỉ, với nguồn tài nguyên to lớn, vấn đề chỉ là thời gian trước khi tất cả có thể cùng với nhau hợp lại để tỏa sáng.

Tôi hy vọng năm mới sẽ đem tới bình minh cho nền kinh tế Việt Nam và khiến cho Việt Nam có thể xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và bền bỉ hơn, giúp Việt Nam hiện thực hóa các tiềm năng của một nền kinh tế tài chính mạnh ở châu Á.

Theo VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.