Theo lộ trình sáp nhập hai doanh nghiệp sản xuất xi măng Lafarge và Holcim, đến tháng 12-2015 việc sáp nhập sẽ hoàn tất. Sự kết hợp giữa thế mạnh về nghiên cứu công nghệ của Lafarge với lợi thế về làm thương hiệu của Holcim khiến các đối thủ của họ ở Việt Nam không thể không tự củng cố năng lực cạnh tranh…

Trạm nghiền Hiệp Phước của Công ty Xi măng Holcim.Ảnh: BÍCH PHƯỢNG

Hùm thêm vây

Gần đây, trong một cuộc trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc phát triển bền vững của Holcim Việt Nam, đã không ngần ngại tuyên bố: Holcim và Lafarge sáp nhập hướng đến tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. Đặt trong bối cảnh toàn ngành xi măng Việt Nam cung đang vượt cầu, việc sáp nhập này giúp LafargeHolcim tối ưu hóa sản xuất.

Theo lộ trình sáp nhập được công bố, từ tháng 10-2015, Công ty TNHH Lafarge Việt Nam trở thành công ty con của Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam và việc sáp nhập hai doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12-2015. LafargeHolcim (sau sáp nhập) sẽ có tổng cộng năm nhà máy, trạm nghiền (ở Hòn Chông, Cát Lái, Hiệp Phước, Thị Vải, Nhơn Trạch) và tám trạm trộn bê tông với công suất 5,2 triệu tấn xi măng và 1 triệu mét khối bê tông mỗi năm. Lâu nay, Holcim Việt Nam chiếm thị phần khoảng 26% còn Lafarge Việt Nam chiếm 12% (tại Việt Nam) với các sản phẩm chính là xi măng, bê tông và cốt liệu.

Hồi giữa tháng 7-2015, trên quy mô toàn cầu, tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ) và tập đoàn Lafarge (Pháp) đã chính thức công bố hoàn tất sáp nhập, trở thành tập đoàn LafargeHolcim, có mặt tại hơn 90 quốc gia với khoảng 2.500 nhà máy. Chiến lược chung được LafargeHolcim nhắm đến là giá thành xây dựng rẻ hơn, thi công nhanh hơn và chất lượng công trình bền vững hơn.

Chưa biết sự “kết duyên” giữa Lafarge và Holcim sẽ cho ra đời thương hiệu xi măng mới nào tại thị trường Việt Nam hay không, nhưng theo giới chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, một khi các thế mạnh về nghiên cứu phát triển công nghệ bê tông tươi và ưu thế thương hiệu của Lafarge và Holcim được kết hợp lại, LafargeHolcim sẽ như “hùm thêm vây”. Các thương hiệu xi măng khác không thể không tự củng cố năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh công suất ngành xi măng ngày càng tăng trong thời gian tới, còn sức tiêu thụ xi măng thì có hạn.

Cần “tái cơ cấu” ngành xi măng

Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhận định công suất của Lafarge ở Việt Nam chỉ khoảng 500.000 tấn/năm nhưng Lafarge sáp nhập với Holcim là sự “kết hợp” hợp lý trong bối cảnh ngành xi măng cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Hơn thế, khi sáp nhập, nhà sản xuất này sẽ giảm được chi phí, người tiêu dùng sản phẩm cũng sẽ được hưởng lợi.

Theo ông Thiện, tình hình sản xuất xi măng trong nước vẫn lụn vụn, phân tán. Ông nói: “Cần khuyến khích sáp nhập để giảm bớt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Thử nhìn sang Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, người ta chỉ có khoảng 10 “đầu mối” sản xuất xi măng lớn, còn Việt Nam ta hiện có tới gần 60 nhà sản xuất xi măng lớn, nhỏ, cạnh tranh rất khốc liệt”.

Năm 2014, do thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, cung xi măng vượt cầu, các nhà sản xuất xi măng đã cật lực đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm hàng tồn kho. Sản lượng xi măng năm ngoái đạt trên dưới 71 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ ở trong nước chỉ khoảng 51 triệu tấn. Những doanh nghiệp có lượng xi măng xuất khẩu lớn là Vicem, Nghi Sơn, Chinfon, Thăng Long Vina, Vissai, Thăng Long… Cho đến nay, gánh nặng về mất cân đối cung - cầu và tồn kho xi măng vẫn luôn chực chờ. Ngành xi măng chỉ dám kỳ vọng tổng lượng tiêu thụ xi măng cả năm 2015 vào khoảng 71-73 triệu tấn, với mức tăng khá khiêm tốn 4-7% so với năm 2014.

Hiện ở thị trường phía Nam có xi măng Hà Tiên, phía Bắc có xi măng Hoàng Thạch, là những nhà sản xuất có công suất lớn và thương hiệu gắn với đông đảo người tiêu dùng. Còn lại, các nhà sản xuất ở quy mô vừa vẫn đang tiếp tục cuộc chạy đua nâng công suất để mở rộng thị trường.

Chẳng hạn xi măng Xuân Thành đang có nhà máy ở Quảng Nam (công suất 3.300 tấn clinker/ngày) và nhà máy ở Hà Nam, doanh nghiệp này vẫn lên kế hoạch “Nam tiến” với việc đầu tư một nhà máy nữa tại Bình Phước có công suất khoảng 3,5 triệu tấn clinker/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau hai năm nữa. Theo đại diện xi măng Xuân Thành, lâu nay sản phẩm xi măng Xuân Thành đã có mặt tại hầu hết các tỉnh phía Bắc, thương hiệu này đang muốn mở rộng thị trường đến miền Trung và Tây Nguyên, sau đó là các tỉnh phía Nam.

Trong khi đó, các nhà sản xuất xi măng khác như Công Thanh, Thăng Long cũng quyết liệt tăng cường đầu tư và dự báo sẽ có công suất vượt qua cả LafargeHolcim trong vài năm tới.

Cùng nhận định với ông Nguyễn Văn Thiện, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho rằng đang có nhiều doanh nghiệp nhỏ trong thế cạnh tranh ác liệt với nhau. Theo ông Cung, ngành xi măng cần được “tái cơ cấu” theo khuynh hướng sáp nhập các doanh nghiệp. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xi măng đã tham gia quá trình sáp nhập vào Vicem (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) để tăng sức mạnh, như xi măng Hạ Long, Sông Đà, Sông Thao…

Có thể thấy, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng thời gian qua đã tạo sự kích thích khiến các doanh nghiệp trong ngành tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao với giá cạnh tranh. Một số đối thủ trên thị trường đang làm mọi cách để trở nên mạnh hơn buộc các doanh nghiệp khác phải hành động để không bị lấn lướt. Trong chừng mực nào đó, việc mua bán - sáp nhập cũng là dấu hiệu tích cực, giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hợp lực cùng nhau tránh… phá sản!

Văn Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.