Trong 10 năm đầu tiên nắm quyền điều hành Cisco Systems, John T. Chambers đã nhanh chóng đưa công ty lên hàng tập đoàn công nghệ thông tin và đặt nó vào trung tâm kỹ nghệ Internet, trở thành một trong những khuôn mặt nổi bật trong nền kinh tế tri thức. Chambers tỏ rõ năng khiếu hiếm có trong nghệ thuật sáp nhập hàng loạt công ty để tạo nên một tập đoàn vững mạnh, thu dụng các chuyên gia có năng lực để đóng góp cho ngành công nghiệp nặng chất sáng tạo, và khôn khéo đưa tập đoàn thoát khỏi các cơ
John T. Chambers, Giám đốc điều hành Cisco Systems, Inc.

Chambers trở thành Giám đốc điều hành (CEO) Cisco từ năm 1995, chỉ năm năm sau khi gia nhập công ty. Đây là cả một nghị lực phi thường nếu xét đến hoàn cảnh khiếm khuyết của bản thân ông và cả sự chào đời èo uột của Cisco trong các năm 1980. Ông mạnh mẽ tin rằng thế giới mạng sẽ làm thay đổi phương cách chúng ta làm việc, sinh sống, vui chơi, học tập, và sứ mạng của Cisco là phải vươn lên dẫn đầu cho những thay đổi đó.


Từ câu chuyện ra đời của Cisco


Năm 1984, Bill Yeager làm việc tại khoa Y trường Đại học Stanford muốn có một thiết bị mà ông gọi là “người chỉ đường” (router) gắn vào máy tính để có thể liên lạc đến từng bác sĩ hay bệnh nhân. Ngay lập tức người đứng đầu khoa máy tính là Leonard Bosack vào cuộc, cùng với vợ là Sandra Lerner đang nghiên cứu luận án thạc sĩ tại đó chế tạo nên một router – tức bộ định tuyến – đầu tiên giúp cho các luồng thông tin trên mạng Internet không tuôn chảy tràn lan mà qua lại trong các kênh nhất định nối giữa những nơi có nhu cầu. Sau những thử nghiệm thành công giữa các ban phòng đại học, Bosack và Lerner đã tính đến chuyện đem bán phát minh sáng chế. Nhưng lúc bấy giờ không ai quan tâm và họ đành phải mở công ty cho riêng mình đặt tên là Cisco Systems, Inc. trong điều kiện thiếu thốn cả vật chất lẫn tiền bạc phải nhờ đến sự tài trợ của trường đại học và sự cộng tác của các bạn bè đồng nghiệp.


John T. Chambers – Đặt Cisco vào trung tâm Internet
Bên trong một phòng họp Teleconference của Cisco.

Năm 1986, bộ định tuyến đầu tiên dành để chuyển đổi TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol) được đưa ra thị trường. Với chỉ tám nhân sự làm việc, doanh số trong tháng đầu đạt đến 250.000 đô la Mỹ và kết thúc năm 1987 giá trị bán hàng của Cisco lên đến 1,5 triệu đô la. Nhưng càng nhận nhiều đơn đặt hàng, công ty càng trở nên thiếu vốn và đến năm 1988 hai người đã phải tìm đến quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital của Donald T. Valentine. Với 2,5 triệu đô la bỏ vào, Valentine nắm quyền điều khiển Cisco Systems và đứng ra thuê John Morgridge, một chuyên gia máy tính đang làm Giám đốc tác vụ (COO) tại hãng sản xuất máy tính xách tay GRiD Systems Corp., về làm Giám đốc điều hành (CEO). Morgridge bắt tay ngay vào việc lựa chọn nhân sự và tổ chức bộ máy doanh nghiệp để đón đầu trào lưu khai thác Internet từ đầu các năm 1990.


Năm 1990, Cisco đạt doanh thu 68,8 triệu đô la, mang về 13,9 triệu đô la lợi nhuận sau khi đem bán cổ phần ra công chúng kể từ ngày 16-2-1990. Sau những tháng ngày đeo đuổi mệt mỏi, hai nhà đồng sáng lập Leonard Bosack và Sandra Lerner đem bán hết cổ phần của mình được 170 triệu đô la để sử dụng cho các hoạt động từ thiện và quay về nghiên cứu trong môi trường đại học. Cùng lúc này, tốc độ tăng trưởng của Internet trên toàn cầu lên đến mức kinh khủng, các công ty lớn nhỏ thi nhau lắp đặt hệ thống mạng nội bộ LAN (local area networks). Doanh số của Cisco vì vậy tăng đến chóng mặt lên 183,2 triệu đô la vào năm 1991 rồi 339,6 triệu đô la trong năm 1992. Lợi nhuận doanh nghiệp cũng tăng theo, lần lượt đạt 43,2 triệu đô la và 84,4 triệu đô la. Từ năm 1993, Morgridge đã khôn khéo mua lại một loạt công ty vừa để bổ sung và đa dạng hóa các gói sản phẩm vừa để loại bỏ các đối thủ. Kết quả là doanh thu của Cisco Systems bắt đầu vượt quá 1 tỉ đô la kể từ 1994.


Đến chuyện đời Chambers


Chứng khó đọc ngôn ngữ (dyslexia) không được xem là mối tai họa trong xã hội phương Tây. Trên thực tế, nhiều thiên tài trong các lĩnh vực nghệ thuật cũng mắc phải hội chứng này. Hội chứng dyslexia bắt đầu lộ rõ từ năm lên chín làm cho cậu bé Chambers hết sức khó khăn trong việc đọc và nói. Việc học trở nên vất vả và cả cha lẫn mẹ đều dành cho cậu con trai nhiều thời gian quý nhất. Thực ra John đã rất chăm chỉ vì biết rõ căn bệnh của mình. Lorene Anderson-Walters, người chuyên dạy đọc cho John, đã rất ấn tượng với tính lạc quan yêu đời của cậu. Sau này khi Chambers chọn cho mình con đường kinh doanh thì người ta mới nhận ra năng khiếu thiên bẩm đã ẩn chứa đâu đó trong cậu.


Chambers đã nhận cùng một lúc hai bằng cử nhân kinh doanh của trường Đại học West Virginia năm 1971 lúc 22 tuổi, rồi bằng tiến sĩ luật tại trường College of Law năm 1974 và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 1975 tại Đại học Indiana.


Năm 1976, John tìm được một chân bán hàng cho tập đoàn Big Blue (IBM) và kịp chen chân vào ban giám đốc bộ phận myCFO trước khi đầu quân cho Wang Laboratories trong năm 1982. Ông chủ An Wang đã để lại trong John nhiều kỷ niệm đẹp, và khi biết mình không thể qua khỏi căn bệnh ung thư đã đề nghị Chambers đảm nhận chức Phó chủ tịch. Nhưng khi An Wang qua đời, người con trưởng kế vị theo tục người Hoa đã có những quyết định sai lầm đưa công ty đến bờ phá sản. Chambers đau lòng khi phải sa thải một lúc 5.000 nhân viên ngay trước kỳ lễ Giáng sinh và rồi chính ông viết đơn từ chức.


Khó khăn vẫn tiếp tục đeo đuổi Chambers sau đó, trong 11 lá đơn tìm việc gửi đi, Chambers chỉ nhận được một thư trả lời miễn cưỡng từ Cisco. Nhưng có vẻ như số phận đã sắp đặt khi chính con người được đón nhận miễn cưỡng đó đã có khả năng biến một Cisco vốn cũng được thành lập một cách miễn cưỡng trở thành tập đoàn công nghiệp nổi tiếng.


Vào thời điểm đó, một phó chủ tịch bị mang tiếng đã để công ty từ chỗ có lợi nhuận 2 tỉ đô la mỗi năm xuống đến mức thua lỗ hiển nhiên không được sự chú ý của nhà tuyển dụng, ngoại trừ CEO của Cisco là Morgridge – một người được đánh giá là sành sỏi trong việc lựa chọn nhân tài. Ngay trong buổi hội kiến đầu tiên vào mùa thu năm 1990, Morgridge đã chủ động đề nghị trao chức Phó chủ tịch bộ phận tác vụ bán hàng toàn cầu cho Chambers. Chính sự đồng cảm và khả năng dùng người của vị CEO này đã đem họ đến gần nhau và chung vai sát cánh trong mục tiêu đặt Cisco vào trung tâm kỹ nghệ Internet qua một loạt thương vụ sáp nhập công ty và đa dạng hóa sản phẩm.


Và những mục tiêu mới của Cisco


Trong sự chuyển động không ngừng của thế giới công nghệ, thật khó để lập được một danh sách đầy đủ các trang thiết bị sử dụng cho việc điều tiết và vận hành mạng Internet bởi nó sẽ luôn được bổ sung và cập nhật. Nhưng kể từ năm 2004, Cisco đã là nhà cung cấp lớn nhất và góp phần nhiều nhất cho việc cải tiến tiện nghi cũng như hiệu quả của hệ thống mạng. Thành quả này có được là nhờ vào sáng kiến của Morgridge sáp nhập các nhà sản xuất trang bị khác nhau và các nhà vận hành hệ thống vào tập đoàn, và nhờ vào khả năng lượng giá cũng như tài thương thảo khôn khéo của Chambers.


Đợt sáp nhập đầu tiên được thực hiện trong năm 1993 dẫn đến việc doanh thu tăng vọt lên hơn 1 tỉ đô la kể từ năm 1994. Con số doanh nghiệp được sáp nhập trong thời gian 1995-1996 là 11 và 1997-1998 là 15, đưa giá trị vốn hóa của Cisco vào tháng 7-1998 lên đến 100 tỉ đô la. Lợi nhuận của năm 1999 lên mức 12,15 tỉ đô la, cao gấp sáu lần so với năm 1995. Con số doanh nghiệp đồng ý sáp nhập trong năm 1999 là 17 nghiêng về hệ thống cáp quang học, và năm sau con số này lên trên 25. Bộ máy Cisco vận hành suôn sẻ song song với luồng chảy Internet trơn tru, Morgridge tuyên bố từ chức để sau này nhận chiếc ghế Chủ tịch và tiến cử John T. Chambers vào vị trí CEO kể từ năm 1995.


Trong thời điểm châu Âu đóng cửa bầu trời do ảnh hưởng của tro bụi núi lửa ở Iceland vào tháng 4-2010, dịch vụ hội họp trực tuyến (telepresence hay teleconference) đã phát huy tính tiện ích và hiệu quả của nó. Telepresence đã trở thành một dịch vụ mới của Cisco, được khai trương kể từ lúc Chambers đảm nhận thêm chức Chủ tịch thay thế Morgridge trong năm 2006. Trước đó hai năm, Cisco đã chuẩn bị bằng việc mua lại Latitude Communications chuyên ngành lắp đặt các hệ thống hội thảo. Giới quan sát nói rằng cứ sau một đợt sáp nhập là một lần Cisco lớn lên. Cisco ngày nay tiếp tục chiếm vị trí hàng đầu trong việc cung cấp các trang thiết bị vận hành các cấp độ mạng từ Internet đến Intranet và các máy tính cá nhân, đồng thời đảm nhận việc cung cấp phương tiện và dịch vụ truyền tải thông tin cả vô tuyến (wireless) lẫn hữu tuyến bằng đường cáp quang xuyên qua đại dương.

Theo Hoàng Xuân Phương (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.