Trang trại này được bao quanh bởi hàng chục nghìn pin năng lượng mặt trời sử dụng inverter (biến tần) của Huawei, vừa che nắng cho cá mà vẫn tạo ra điện năng. Cách đó 600km về phía tây, ở tỉnh Sơn Tây giàu than đá, các cảm biến và camera không dây của Huawei đặt sâu trong lòng đất có nhiệm vụ theo dõi mức oxy và lỗi máy móc trong mỏ. Tháng tới, một dòng xe điện mới được trang bị cảm biến Lidar (cảm biến độ sâu và khoảng cách) của Huawei sẽ ra mắt tại triển lãm ôtô lớn nhất Trung Quốc.
Từng là hãng smartphone lớn nhất thế giới, tập đoàn Trung Quốc vài năm gần đây hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm vào mảng kinh doanh tiêu dùng. Với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn duy trì sức ép lên Huawei, tỷ phú sáng lập Nhậm Chính Phi đã chỉ đạo công ty này tập trung vào khách hàng doanh nghiệp trong ngành giao thông, sản xuất, nông nghiệp và các ngành khác. Huawei hiện là hãng cung cấp hàng đầu thế giới về inverter, với kỳ vọng mảng này, cùng điện toán đám mây và phân tích dữ liệu, có thể giúp đế chế 190.000 nhân viên tồn tại.
Hình ảnh trên camera giám sát tại mỏ than ở Sơn Tây, sử dụng công nghệ của Huawei. Ảnh: Bloomberg
"Mỹ khó có thể gỡ chúng tôi ra khỏi Danh sách Thực thể", ông Nhậm cho biết trong buổi khai trương một phòng thí nghiệm về khai mỏ, được tài trợ một phần bởi Huawei tháng trước, "Hiện tại, chúng tôi chỉ muốn làm việc chăm chỉ hơn nữa và tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới để tồn tại".
Ông nói rằng các sáng kiến mới có thể giúp bù đắp mức giảm trong mảng thiết bị cầm tay năm nay. Dù vậy, ông từ chối cung cấp số liệu chi tiết. Mảng tiêu dùng của Huawei đóng góp 256 tỷ nhân dân tệ (39 tỷ USD) doanh thu trong nửa đầu năm ngoái, tương đương hơn nửa tổng doanh thu của công ty. Năm ngoái, mảng này tăng trưởng nhẹ cả về doanh thu và lợi nhuận, nhờ số đơn hàng trạm BTS 5G kỷ lục và doanh số smartphone mạnh nửa đầu năm.
Từ nhiều năm nay, Huawei đã tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, ngoài thiết bị viễn thông và smartphone. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ trở nên khẩn cấp khi số điện thoại bán ra giảm 42% trong 3 tháng cuối năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump, ngăn Huawei tiếp cận sản phẩm bán dẫn tiên tiến nhất. Chính quyền Biden cũng đã thông báo cho các nhà cung cấp về siết điều kiện với các giấy phép xuất khẩu đã được phê duyệt trước đó. Một nguồn tin thân cận cho biết trên Bloomberg rằng việc này sẽ nhằm vào các sản phẩm sử dụng trong công nghệ 5G hoặc thiết bị 5G.
Lệnh cấm của Mỹ không có nhiều ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh mới của Huawei, do phần lớn linh kiện nằm trong khả năng sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu từ các công ty như Huawei, các hãng địa phương đang tích cực sử dụng các công nghệ mà Washington vẫn chưa cấm vận, một nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Mỗi inverter của Huawei có thể được bán với giá hơn 20.000 nhân dân tệ, cao hơn mẫu điện thoại gập cao cấp mới ra mắt của hãng Mate X2. Công ty này lên kế hoạch ra mắt nhiều inverter điện mặt trời hơn nữa, trong bối cảnh Bắc Kinh khuyến khích năng lượng tái tạo.
Loại chip Huawei sử dụng trong các hệ thống ôtô cũng không phức tạp như trong điện thoại và có thể lấy từ nhà cung cấp châu Âu. Việc này giúp họ tích cực mở rộng sang ngành ôtô, chuyển các kỹ sư từ mảng khác sang mảng cảm biến cho xe tự lái và điện năng cho xe điện.
Dù từ chối ra mắt xe điện thương hiệu riêng, Huawei đang làm việc với một số hãng xe để thử nghiệm công nghệ tự lái và tương tác người - xe của hãng. Tính năng này có thể được đưa vào xe của Mercedes-Benz. Huawei cũng đang hợp tác với các hãng xe điện trong nước như BAIC BluePark New Energy Technology để phát triển hệ thống xe thông minh. Mẫu xe đầu tiên của sự hợp tác này - Arcfox αS HBT - sẽ ra mắt tại Triển lãm Xe Thượng Hải tháng tới.
Một sáng kiến khác của hãng có tên 5GtoB triển khai công nghệ 5G tại các lĩnh vực từ chăm sóc y tế đến sản xuất máy bay. Hãng đã giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới 5G lớn nhất thế giới, cung cấp hơn nửa trạm BTS trên khắp nước này. Hiện tại, họ muốn dùng 5G để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch.
Huawei đã ký hơn 1.000 hợp đồng 5GtoB trong hơn 20 lĩnh vực, Chủ tịch luân phiên Ken Hu cho biết. Giáo dục trực tuyến, giải trí và giao thông là ba trong các lĩnh vực họ có kế hoạch thâm nhập. "Việc áp dụng 5G trong khai mỏ, y tế và sản xuất đang ngày càng rõ ràng hơn. Một số ứng dụng có thể được triển khai trên toàn quốc", Liu Liehong - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết tháng trước.
Ông Nhậm thì đang đích thân giám sát việc mở rộng sang ngành khai mỏ. "Phần lớn các hãng công nghệ thông tin không nghĩ rằng khai mỏ cũng là lĩnh vực họ có thể tạo ra đột phá", ông cho biết, "Trung Quốc có khoảng 5.300 mỏ than và 2.700 mỏ quặng. Nếu có thể phục vụ hơn 8.000 mỏ này, chúng tôi sẽ có cơ hội mở rộng dịch vụ ra quốc tế".
Dù Huawei đặt cược vào các inverter, giải pháp khai mỏ điện tử và phần mềm xe thông minh để bù đắp sự sụt giảm trong mảng smartphone, tương lai dài hạn của họ vẫn chưa chắc chắn. HiSilicon - công ty con của Huawei - từng là thương hiệu thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc trước khi Washington cắt đứt khả năng tiếp cận của Huawei với phần mềm thiết kế chip tiên tiến và các hãng sản xuất theo hợp đồng như TSMC (Đài Loan).
Huawei cho biết họ còn đủ chip cho các BTS mới năm 2021. Tuy nhiên, số hàng dự trữ này không rõ sẽ trụ được bao lâu và dự định của Huawei sau khi hết hàng ra sao. "Căng thẳng chính trị vẫn đang phủ bóng lên hoạt động của Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Đầu tư chiến lược vào các công nghệ mới đang là chìa khóa với tăng trưởng bền vững của họ", Charlie Dai - nhà phân tích tại Forrester Research kết luận.
-
Huawei muốn dẫn đầu công nghệ 6G
15/09/2021 3:10 PMNhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi hối thúc nhân viên nỗ lực làm việc để vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ, thiết lập tiêu chuẩn 6G toàn cầu.
-
Huawei chuyển hướng kinh doanh để tồn tại sau lệnh cấm của Mỹ
16/03/2021 10:34 AMMột trong những khách hàng mới nhất của Huawei là trại cá ở phía đông Trung Quốc, có diện tích gấp đôi Central Park ở New York.
-
Vượt qua Huawei, Apple trở lại vị thế nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới
23/02/2021 5:11 PMVới gần 80 triệu điện thoại iPhones được bán ra trong quý 4 năm 2020, Apple lần đầu tiên trở lại vị thế nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới tính theo quý kể từ cuối năm 2016.
-
'Huawei chỉ cần đi trước đối thủ nửa bước'
02/02/2021 10:11 AMMỗi năm Huawei chi hàng chục triệu USD cho khâu R&D nhưng nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chưa bao thay đổi mù quáng, xa rời nhu cầu thực tế của khách hàng.
-
Trung Quốc: “Toàn dân làm chip” và hậu quả nặng nề
27/01/2021 5:35 PMĐể thống lĩnh ngành công nghiệp chip toàn cầu, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp huy động đầu tư quy mô lớn để sản xuất theo kiểu "toàn dân làm chip" nhưng kết quả đã không đạt được như ý muốn.
-
Các nhà lập pháp Mỹ quay trở lại kế hoạch thay thế Huawei trị giá 1,9 tỉ USD
22/12/2020 9:05 PMĐầu tháng này, Huawei đã rất thất vọng trước quyết định của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ buộc loại bỏ các sản phẩm của họ khỏi mạng viễn thông. Ảnh: Reuters.