Thị trường chứng khoán Trung Quốc tạm thời ngừng giảm điểm trong phiên cuối tuần nhưng tác động của nó là rất lớn và hậu quả chưa dừng lại: không ít người đã tán gia bại sản, phải bán nhà để bù đắp thua lỗ chứng khoán, thậm chí tự tử vì thua lỗ quá lớn.

Bán nhà, tự tử vì chứng khoán

Hãng tin CNBC của Mỹ dẫn lời truyền thông Trung Quốc cho biết, sự sụp đổ của TTCK nước này trong tháng qua đang lan truyền sang thị trường bất động sản (BĐS) nơi mà rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang bán tháo nhà cửa hoặc hủy các kế hoạch mua BĐS mới vì thua lỗ chứng khoán. Làn sóng này được cho là sẽ còn kéo dài.

Nhiều nhà môi giới BĐS ở Thượng Hải chia sẻ trên China Daily rằng, ngày càng xuất hiện thêm nhiều căn hộ và biệt thự được rao bán do các NĐT xoay tiền để bù lại khoản thua lỗ khổng lồ trên TTCK.

Một nhân viên môi giới của Công ty Shanghai Junda Property Services cho biết, 4 khách hàng của ông đang rao bán gấp nhà do cháy tài khoản trên TTCK trong bối cảnh chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải và Shenzhen Composite của sàn Thâm Quyến giảm trên dưới 30%.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, gần 100 triệu NĐT chứng khoán trên TTCK Trung Quốc đã mất tổng cộng 3.500 tỷ USD, một số tiền lớn tương đương tổng giá trị sản xuất hàng năm của nước Đức.

Tờ Asiaone cho biết, ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc Triệu Vy (Zhao Wei) đã mất 4 tỷ NDT (hơn 640 triệu USD) trong cơn địa trấn nói trên. “Nữ Warren Buffett” của Trung Quốc này đã đánh mất gần 1.500 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn là do giá cổ phiếu Alibaba Pictures và một số cổ phiếu khác mà vợ chồng nữ minh tinh này sở hữu sụt giảm mất 3/4.

Hàng loạt các ngôi sao hạng A của Trung Quốc cũng chứng kiến tài sản bốc hơi do chứng khoán tuột dốc. Chương Tử Di (Zhang Ziyi) sở hữu 9 triệu cổ phiếu công ty BĐS Dalian Wanda Commercial Properties đã bốc hơi trên 60 triệu USD. Phạm Băng Băng (Fan Bingbing) mất 18 triệu USD, Trương Quốc Lập (Zhang Guoli) mất gần 20 triệu USD do cổ phiếu Huayi Brothers Media Corp rớt giá…

Các tỷ phú Trung Quốc cũng mất hàng tỷ USD. Theo Forbes, hơn 200 tỷ phú nước này đã mất gần 200 tỷ đồng trong vòng chưa tới một tháng tính từ ngày 12/6. Tỷ phú giàu nhất Wang Jianlin đã mất 6,5 tỷ USD và tính chỉ trong ngày 8/7 doanh nhân này đã mất 1,2 tỷ USD do cổ phiếu giảm 13%. Ông trùm thương mại điện tử Jack Ma - Chủ tịch Alibaba ất 3,7 tỷ USD…

Làn sóng bán tháo khiến TTCK Trung Quốc bốc hơi hơn 30% đã khiến không ít NĐT tán gia bại sản. Một số người thậm chí còn được cho là đã tự tử vì thua lỗ quá sức chịu đựng. Thông tin trên hàng loạt các trang mạng cho thấy, hôm 2/7, tại Trung tâm thương mại IAPM Mall Thượng Hải, một nữ đại gia đã nhảy lầu tự tử vì chứng khoán lao dốc, mất hàng chục phần trăm trước đó và mất thêm 5% chỉ trong một giờ đồng hồ vào hôm đó.

Hậu quả lâu dài

Rất nhiều các bức ảnh về các vụ việc như vậy đã được đăng trên các mạng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các tờ báo chính thống nước này đều không đưa tin.

Theo tờ ThePochTimes, hôm 8/7, một người đàn ông tên Lưu (Liu) tại tỉnh Giang Tây (Jiangxi) Trung Quốc đã giết vợ vì người vợ đã vay tiền từ bà con, họ hàng, bạn bè, trên thị trường tín dụng đen và thế chấp nhà cửa để đầu cơ trên TTCK nhưng đã thua lỗ nặng nề. Theo lời khai, người vợ đã ép ông Lưu tiếp tục vay tiền để đổ vào chảo lửa chứng khoán.

Hiện tượng các NĐT mất tiền, thua lỗ nặng nề, tán gia bại sản, phải bán nhà để bù đắp những khoản lỗ trên TTCK, thậm chí là tự tử không phải hiếm trên thế giới. Nhiều TTCK, bao gồm cả những thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu đều đã chứng kiến những cơn hoảng loạn cao độ như hồi 2008. Tuy nhiên, cơn địa chấn tại Trung Quốc được xem là nặng nề và có hậu quả lâu dài và âm ỉ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã tung ra hàng chục biện pháp mạnh. Chính quyền nước này đã bơm hơn 60 tỷ USD, trực tiếp và gián tiếp thông qua các CTCK để giảm đà lao dốc của cổ phiếu.

Có thể thấy, cơn địa chấn trên TTCK Trung Quốc không còn đơn thuần là một cuộc khủng hoảng tài chính. Nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại và TTCK tăng trưởng bùng nổ thêm 2,5 lần trong vòng một năm qua là cứu cánh cho các nhà lãnh đạo nước này. Người dân bỗng chốc giàu lên trông thấy. Về phương diện kinh tế, tiềm lực kinh tế của quốc gia và người dân nước này mạnh mẽ lên rõ ràng.

Cơn địa chấn từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2015 trên TTCK là một cú sốc thực sự đối với nhiều người dân nước này. Đây có lẽ là lý do khiến chính phủ Trung Quốc tung ra mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng nhuốm máu trên kênh hút vốn cho nền kinh tế này. Bên cạnh các giải pháp thuần chứng khoán trên, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp “sâu” hơn như: hạ giá đồng NDT, tăng chi tiêu chính phủ, tung gói kích thích 40 tỷ USD… nhằm thúc đầy tăng trưởng trong một số lĩnh vực kinh tế.

Mặc dù vậy, không ít các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, vấn đề của Trung Quốc là động lực để duy trì tăng trưởng kinh tế cao, bao gồm xuất khẩu và đầu tư đã không còn. Xuất khẩu của Trung Quốc không còn được chấp nhận dễ dàng như trước đây, trong khi đầu tư cũng đã lạm dụng. TTCK tăng gấp vài lần trong thời gian qua, trái ngược với sự chững lại của nền kinh tế, cũng nhờ vào dòng tiền quá đà đã được bơm vào.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phục hồi của TTCK Trung Quốc vài phiên qua là tạm thời, bởi các giải pháp không phải là lâu dài cho nền kinh tế. Và dợt sụt giảm của TTCK Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lâu dài tới thị trường BĐS nước này. Sự mất niềm tin là cái mà nhiều người đang nghĩ tới.

V.Minh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.