Khi nhân viên bỗng nhiên mất lửa trong công việc, làm sao để thắp lại lửa cho họ? Barry Silverstein, tác giả của quyển Best Practices: Motivating Employees (NXB HarperCollins, 2007) cho rằng người quản lý cần lưu ý rằng cả điều kiện bên ngoài lẫn bên trong doanh nghiệp đều có thể tác động khiến nhân viên mất lửa, để từ đó có cách ứng xử thích hợp.

Với những vấn đề cá nhân tác động trực tiếp đến đời sống của nhân viên, nhìn chung các nhà quản lý khó có thể kiểm soát được. Đó là những áp lực về tài chính, sức khỏe, khó khăn trong các mối quan hệ và những thách thức cá nhân khác có thể khiến nhân viên mất đi sự nhiệt tình trong công việc hằng ngày.

Còn trong doanh nghiệp, bất cứ vấn đề nào cũng có thể làm nguội lòng nhiệt thành của nhân viên, chẳng hạn đó là những thông tin bên lề về khó khăn tài chính của chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, những xung đột với đồng nghiệp, đặc biệt là với đồng nghiệp kém năng lực hơn mà quyền lợi lại cao hơn cũng có tác động mạnh đến nhân viên.

Do vậy, nhà quản lý luôn phải tạo môi trường làm việc tốt nhất để hạn chế các nhân tố tác động nói trên. Nên lắng nghe ý kiến của nhân viên và thấu hiểu họ, để sẵn sàng giúp đỡ khi họ đối diện với những khó khăn kiểu như vậy. Chính mối quan hệ gần gũi với nhân viên sẽ giúp người quản lý kịp thời giải quyết rắc rối ngay khi điều đó xảy ra. Sự “thấu hiểu” của người quản lý thể hiện trong một số việc sau:

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhân viên mất lửa

Các yếu tố là nguyên nhân chung nhất về cá nhân nhân viên là áp lực về tài chính, vấn đề sức khỏe và khó khăn trong các mối quan hệ. Còn các yếu tố là nguyên nhân chung nhất liên quan đến công việc là vấn đề tài chính của doanh nghiệp, có đợt thay đổi trong công ty như sáp nhập, tái cấu trúc đang diễn ra, có sự gia tăng khối lượng công việc cho một số nhân viên, có sự xung đột giữa các nhân viên…

Học cách giữ lửa

Người quản lý nỗ lực giữ lửa qua những việc như:

- Tạo quan hệ gần gũi với nhân viên.

- Xây dựng một văn hóa lạc quan, có khen thưởng và vui vẻ.

- Khuyến khích nhân viên chia sẻ vấn đề cá nhân của họ.

- Làm cho đội ngũ quản lý biết chăm sóc và quan tâm tới các vấn đề thuộc đời sống của nhân viên.

- Không quy hết mọi nguyên nhân đều từ nơi làm việc, mà cần hiểu về các vấn đề từ chính nhân viên.

- Nhạy bén với các yếu tố làm tắt lửa nhiệt tình như điều kiện làm việc, thời gian làm việc kéo dài và xung đột giữa nhân viên với nhau.

Trong tuyển dụng

Ngay từ khâu tuyển dụng, việc chọn người “có lửa” là cần thiết. Jim Collins (tác giả nhiều cuốn sách về doanh nghiệp, một diễn giả có tiếng về tạo động lực cho nhân viên) có một phát biểu đáng chú ý dành cho doanh nghiệp: “Con người không phải là tài sản quan trọng nhất của bạn. Mà chính là những con người được chọn đúng”.

Được chọn đúng là sao? Jack Welch, nguyên là CEO của General Electric đã gợi ý: “Mọi chiến lược thông minh và công nghệ tiên tiến trên thế giới mới chỉ tạo ra sự gần hoàn hảo mà thôi, còn cần phải có đúng những con người để làm cho những điều ấy thật sự phát huy tác dụng”. Nhiều trường hợp khi tuyển dụng, ứng viên được phỏng vấn trong dáng vẻ mất lửa và đó là những gì còn lại nói lên nguyên nhân vì sao họ đi tìm một chân trời mới ở công việc mới.

Hành động đúng không có nghĩa là từ chối họ, mà chính là tìm hiểu điều gì trong quá khứ đã làm tắt đi lòng nhiệt thành ở họ. Người quản lý không phải chỉ có khả năng thắp lại ngọn lửa cho nhân viên của mình, mà còn có thể thắp lại ngọn lửa cho những người đang còn đứng bên ngoài hàng rào của công ty mình nữa…

Theo DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.