Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống là nguyên nhân chính khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại, dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý và giảm năng suất làm việc, tình trạng nhảy việc cũng vì thế mà tăng lên.
Không có thời gian dành cho cuộc sống riêng
Khái niệm “cân bằng cuộc sống và công việc” (work life balance) bao gồm việc cân bằng giữa nghề nghiệp và các khía cạnh của cuộc sống như gia đình, bạn bè hoặc các sở thích cá nhân.
Theo khảo sát nói trên, không ít người lao động không có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân và các hoạt động với gia đình, bạn bè. Có đến 11% cho biết họ hầu như phải làm việc từ sáng đến lúc đi ngủ, không có thời gian cho cuộc sống riêng, 29% chỉ có 3 giờ mỗi ngày cho gia đình.
Có đến 34,4% người được khảo sát nói họ phải làm thêm từ 2 đến 5 giờ mỗi ngày. Khi được hỏi về nguyên do phải làm thêm giờ, chỉ có khoảng 20% người lao động cho biết họ tự nguyện để nâng cao trình độ, còn lại là do công việc quá tải (32,7%), để kiếm thêm thu nhập (26%) hoặc làm theo yêu cầu của sếp (20,5%).
Ngoài ra, có đến 43% người lao động cho biết họ vẫn phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ và ngày nghỉ phép. Điều này dẫn đến việc có trên 60% người lao động cảm thấy áp lực nặng nề khi phải làm việc ngoài giờ.
Khá nhiều nhân viên ở công ty truyền thông thường làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày, có người thậm chí tiếp tục làm việc sau giờ ăn tối cho đến 1-2 giờ khuya.
Một chuyên viên truyền thông chia sẻ: “Tôi hiếm khi từ chối làm thêm giờ, thậm chí tự nguyện làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật vì không muốn bị đánh giá thấp về năng lực hoặc để công việc rơi vào tay người khác”.
Trong khi đó, một cô kế toán trưởng là mẹ đơn thân thường phải làm việc đến 9 giờ tối, cậu con trai hiện đang học tiểu học phải theo chân mẹ đến cơ quan và ngồi một chỗ chơi game.
Thực tế, một ngày làm việc kéo dài sẽ giảm hiệu quả làm việc và năng suất công việc một cách đáng kể. Sự cạnh tranh trong nội bộ để được thăng tiến là nguyên nhân gây mất cân bằng trong công việc lẫn cuộc sống, cũng là nguyên nhân khiến nhân viên đó căng thẳng về mặt tâm lý.
Người lao động được yêu cầu lựa chọn giữa công việc và cuộc sống hay chấp nhận làm thêm giờ để “rộng đường” phát triển sự nghiệp cũng như tăng thêm thu nhập. Có đến gần 50% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập, 24% chọn làm thêm giờ để có cơ hội thăng tiến trong tương lai và 23% cho biết sẽ không làm việc thêm giờ vì cần dành thời gian cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, một con số đáng lưu ý khi gần 65% người lao động chấp nhận làm ngoài giờ chỉ được công ty trả thêm dưới 1 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy việc làm thêm giờ thật sự chưa giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động.
Cách "giải thoát" cho nhân viên
Trong khi đó, doanh nghiệp hiện vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ nhân viên để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chỉ 12% người lao động cho biết văn hóa của công ty khuyến khích họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, 24% cho rằng công ty có chính sách nhưng chưa thực hiện tốt và có đến 59% nhận định công ty chỉ chú trọng đến kết quả công việc và không có chính sách hỗ trợ nhân viên.
Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có gần 47% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu. Có 30% người lao động cho biết công ty luôn trả lương khi yêu cầu làm thêm ngoài giờ, 22% cho biết chỉ được trả lương ngoài giờ khi sếp có yêu cầu hoàn thành công việc.
Cũng trong khảo sát của JobStreet.com Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang phải đối phó với tỷ lệ nhảy việc rất cao của nhân viên. Người lao động đang không hài lòng với công việc hiện tại và sẵn sàng chuyển việc khi tìm được cơ hội tốt hơn.
Đối phó với tình trạng quá tải công việc là một thách thức mới cho cả chủ lao động và người lao động. Tại các nước phát triển, người lãnh đạo thường đẩy mạnh chính sách cân bằng công việc – cuộc sống nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn đồng thời hưởng thụ cuộc sống. Chủ lao động không những không khuyến khích làm thêm ngoài giờ mà còn tạo thời gian làm việc linh động nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.
Thiết nghĩ, để người lao động an tâm cống hiến hết mình cho công việc, doanh nghiệp cần có những chính sách riêng rẽ dành cho từng đối tượng lao động, đảm bảo những phúc lợi khác khi làm việc ngoài giờ (nghỉ bù, cơ hội thăng tiến, lương ngoài giờ…).
Doanh nghiệp cần quản lý sắp xếp thời gian để nhân viên có thể tham gia vào các khóa tập huấn nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của họ đồng thời tạo thời gian cho nhân viên nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc với cường độ cao. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp cần cho phép nhân viên nghỉ phép từ 12-15 ngày có trả lương để họ có thời gian dành cho gia đình và những thú vui cá nhân.
Tại Nhật Bản, Chính phủ đang xem xét buộc nhà tuyển dụng cho người lao động nghỉ phép hưởng lương hằng năm nhằm giảm tình trạng quá tải cũng như giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn. Theo quy định hiện tại, những người “cày” liên tục trong ít nhất 6 tháng hoặc 80% số giờ làm việc mỗi năm sẽ được nghỉ phép hưởng lương 10-20 ngày. Nhân viên bán thời gian cũng được hưởng chế độ này nếu làm việc 5 ngày mỗi tuần.
Với mặt bằng thu nhập chung còn thấp so với khu vực và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, việc cân bằng giữa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, các yếu tố “mềm dẻo” như đảm bảo con đường sự nghiệp cũng như sự quan tâm đến đời sống tinh thần cho người lao động sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài trong thời gian tới, nhằm xây dựng một môi trường làm việc minh bạch, văn minh hơn, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập.
-
Giữ chân nhân tài bằng... "giải thoát"
11/08/2016 2:42 PMTheo một khảo sát vừa được mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam thực hiện trên 5.500 người lao động tại TP. Hồ Chí Minh thì hiện có trên 57% người không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong đó tỷ lệ ở cấp quản lý là 51%, còn ở cấp nhân viên dưới một năm kinh nghiệm là hơn 63%.