Báo DĐDN Online ngày 18/10/2012 có bài viết “HĐQT thay giám đốc – dễ hay khó” phản ánh phần nào những quy định cứng nhắc về người đại diện theo pháp luật của DN. Số báo này, chúng tôi xin đưa ra câu hỏi mà tưởng như đương nhiên: giám đốc có quyền ký hợp đồng không?

Các hợp đồng được kí kết bởi GĐ sẽ đối mặt với khả năng bị vô hiệu
nếu không phải là người đại diện theo pháp luật
.

Một câu chuyện xảy ra trên thực tế, GĐ A thay mặt Cty kí hợp đồng với đối tác. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu câu chuyện dừng lại ở đó. Vấn đề là điều lệ của Cty quy định, chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật chứ không phải GĐ A.

Từ câu chuyện này, vấn đề đặt ra là liệu GĐ Cty có quyền thay mặt Cty giao kết hợp đồng hay không ?

Chức năng của GĐ

Các thành viên, cổ đông cùng nhau bỏ tiền thành lập Cty. Về mặt luật pháp gọi là sở hữu chung theo cổ phần. Một cách công bằng, ai bỏ vào nhiều hơn thì quyền hành nhiều hơn tương ứng với phần vốn mà họ bỏ ra. Vì thuộc quyền sở hữu của nhiều người nên vấn đề rắc rối là quản lí Cty này như thế nào? Do vậy, giao cho một người quản lí. Người này có thể là thành viên Cty hoặc không – đó là GĐ.

Hơn nữa, để bảo đảm vai trò của người bỏ vốn thành lập Cty, các thành viên chỉ thực hiện chức năng quyết định cao nhất, thường những vấn đề mang tính chiến lược hoặc mang tính định hướng, còn công việc hàng ngày thì giao cho người quản lí lo liệu. Đó là Hội đồng thành viên.

Để có thể điều hành hoạt động hàng ngày, các ông chủ thừa nhận GĐ là người có quyền thay mặt cho mình, nói theo ngôn ngữ của luật là đại diện cho Cty. Việc thay mặt này trước hết là trong nội bộ Cty. Bởi vì anh ta đang nhân danh Cty, người đã bỏ tiền ra để thuê nhân viên theo hợp đồng lao động.

Mục đích mở Cty là để mua bán với các Cty, cá nhân khác để kiếm lời. Do vậy, vai trò thay mặt của GĐ còn được nhìn nhận trong mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức khác (tạm gọi là người ngoài). Trong mối quan hệ với các đối tác, vấn đề hơi khác một chút so với trong nội bộ Cty. Sự khác biệt đó là người trong Cty thì biết ông GĐ, quyền hành ông này thế nào. Còn người ngoài thì họ không biết điều đó. Do vậy, các ông chủ (Cty) phải giới thiệu ông GĐ A là người có quyền thay mặt Cty, vì thế, vai trò của ông GĐ được mở rộng trong quan hệ bên ngoài.

Tư cách pháp lý của GĐ

Các ông chủ thành lập ra Cty, một pháp nhân độc lập với các ông chủ. Các hoạt động của nó phải thông qua người đại diện và phải thông báo rộng rãi. Mục đích của việc thông báo rộng rãi này trước hết là nhằm để các bên liên quan biết, tiện cho việc giao dịch và mục đích quan trọng nhất là Cty không chối bỏ nghĩa vụ khi xảy ra tranh chấp. Nhưng Cty có quan hệ với nhiều cá nhân, tổ chức sao mà thông báo cho đến từng cá nhân, tổ chức được. Do vậy việc “thông báo” này Cty ghi nhận vào trong điều lệ. Điều lệ này có sự giám sát của Nhà nước.

Mỗi Cty, chỉ có một người đại diện theo pháp luật tại một thời điểm đối với mỗi quan hệ. Điều này cũng tương tự như một chiếc áo. Cty là chiếc áo. Chiếc áo thì chỉ có một người mặc. Đó là người đại diện theo pháp luật. Nhưng người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho người khác, thay mình đại diện cho Cty. Chuyện này cũng giống như chủ nhân chiếc áo có quyền cho người khác mượn cái áo của mình mặc vài hôm, đi ăn tiệc xong rồi trả lại. Một chiếc áo mà cả hai người cũng chen nhau mặc cùng một lúc thì chiếc áo sẽ rách. Chưa kể người lạ nhìn cái việc hai người mặc chung một chiếc áo sẽ chẳng coi đó là việc ăn mặc bình thường.

Luật DN, điều 55 về vai trò thay mặt Cty giao kết hợp đồng quy định GĐ có quyền “Ký kết hợp đồng nhân danh Cty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên”. Xuất phát từ chức năng của GĐ là người có quyền điều hành hoạt động hàng ngày, luật quy định cho GĐ quyền giao kết hợp đồng. Cần lưu ý, bản chất của quy định này nhằm tạo sự thuận tiện. GĐ là người điều hành, biết rõ ràng quan hệ hợp đồng đó. Giao cho GĐ kí kết hợp đồng là tiện nhất! Nhưng cũng phải cần thể hiện một cách minh thị chứ. Nếu không thể hiện ý chí của Cty trong việc giao cho GĐ kí hợp đồng, sau này Cty sẽ từ chối trách nhiệm.

Dưới góc độ luật học, người ta thừa nhận có đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật được hiểu là đương nhiên được đại diện mà không cần làm thêm bất kì thủ tục nào. Trong trường hợp của Cty này, người đại diện được xác định là Chủ tịch hội đồng thành viên rồi. Ông GĐ A không phải là người đại diện theo pháp luật. Còn đại diện theo ủy quyền cần phải được người đại diện theo pháp luật của Cty ủy quyền. Chỉ trên cơ sở ủy quyền đó, GĐ A mới có quyền thay mặt Cty để giao kết hợp đồng.

Nếu Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật, ông ấy sẽ là người có quyền kí kết, GĐ không có quyền kí kết hợp đồng.

Như vậy, vấn đề là chỉ riêng điều 55 của Luật DN, chưa đủ cơ sở để GĐ thay mặt Cty giao kết hợp đồng và càng thiếu cơ sở ràng buộc trách nhiệm Cty do A làm GĐ kí kết hợp đồng, trong trường hợp xảy ra vấn đề bồi thường các tổn thất. Vì đọc trong các quy định của Luật DN (cụ thể điều 49) có thấy chỗ nào nói về thẩm quyền kí kết hợp đồng của Chủ tịch hội đồng thành viên đâu? Thật ra là có. Vì Luật DN quy định, trong Cty TNHH, Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc GĐ sẽ là người đại diện theo pháp luật của Cty. Nghĩa vụ Cty phải lựa chọn và ghi vào trong điều lệ. Logic của vấn đề là:

Nếu Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật, ông ấy sẽ là người có quyền kí kết, GĐ không có quyền kí kết hợp đồng. Còn trong trường hợp GĐ là người đại diện, thì GĐ kí là hợp lẽ.

Bởi vậy, giải pháp đặt ra trong trường hợp giải quyết vấn đề về thẩm quyền của GĐ trong việc kí kết hợp đồng được nhìn từ góc độ của điều lệ Cty và quyết định bổ nhiệm GĐ hoặc hợp đồng thuê lao động. Theo đó, mặc dù điều lệ Cty quy định Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật, nhưng cũng có thể ghi nhận trong những trường hợp nhất định hoặc đối với những giao dịch có giá trị đến bao nhiêu phần trăm tài sản của Cty thì GĐ có quyền giao kết. Đó được coi là những ủy quyền thường xuyên mang tính dài hạn. Tương tự, có thể ghi nhận điều này trong quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê GĐ. Chỉ khi có ủy quyền như vậy thì GĐ mới có quyền thay mặt Cty kí kết hợp đồng. Còn trong trường hợp không có những ủy quyền tương tự, các hợp đồng được kí kết bởi GĐ sẽ đối mặt với khả năng bị vô hiệu bởi lí do hợp đồng được kí kết bởi người không có thẩm quyền.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.