Trước tình hình giá xăng dầu thế giới giảm mạnh do tình trạng thừa cung thiếu cầu trầm trọng, nhiều kỳ vọng giá xăng dầu sẽ giảm mạnh trong lần điều chỉnh giá vào ngày mai (19/8).
Giá dầu thế giới thấp nhất kể từ hơn 6 năm qua
Giá dầu đã tiếp tục giảm thêm 1% trong phiên ngày 7/8 và rớt xuống mức thấp nhất kể từ 6 năm rưỡi qua, sau khi "khách hàng" tiêu thụ dầu nhiều thứ 3 thế giới là Nhật Bản vừa công bố nền kinh tế của mình đang bị co lại trong quý II, cùng với đó là sự suy thoái của Trung Quốc đang tiếp tục gây áp lực đè nặng lên giá dầu.
Ngoài ra, việc đồng USD đang mạnh lên cũng gây khó khăn cho các quốc gia sử dụng đồng tiền khác đồng USD như đồng yên Nhật, đồng euro... trong việc nhập khẩu dầu do giá mua dầu trên thị trường thế giới đều được tính theo trị giá đồng bạc xanh.
Dầu thô ngọt nhẹ đã giảm 63 cent, tương đương 1,5% xuống còn 41,87 USD/thùng. Dầu Brent đã giảm thêm 45 cent, tương đương gần 1% xuống còn 48,74 USD/thùng. Đã có phiên dầu Brent xuống còn 48,35 USD/thùng, hơn khoảng 3 USD so với mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm đã được thiết lập vào tháng 1 vừa qua.
Giá xăng sắp giảm mạnh khi giá dầu thế giới giảm khoảng 1/3 giá trị chỉ trong vòng từ tháng 6 cho tới nay?
Giá dầu thế giới đã giảm khoảng 1/3 giá trị kể từ tháng 6 cho tới nay, tức giảm trong vòng bảy tuần liên tiếp, đặc biệt là sau khi Mỹ đang thể hiện việc bổ sung thêm giàn khoan khai thác dầu, ám chỉ cho việc sản lượng dầu đang ngày càng tăng.
Theo các số liệt thống kê đã được công bố, hiện tại thế giới đang thừa dầu nhiều nhất trong vòng 17 năm qua. Chỉ tính riêng Mỹ, trung bình mỗi ngày nước này có thể cung ra thị trường khoảng 9,7 triệu thùng dầu, mức cao nhất trong 8 năm qua.
Chưa kể, ông Gary Shilling, Chủ tịch của Công ty tư vấn A. Gary Shilling còn đánh giá rằng giá dầu sẽ có thể giảm về mức 10 USD/thùng nếu OPEC vẫn tiếp tục cuộc chiến giành thị phần trên thị trường dầu mỏ với các đối thủ.
Trong khi đó, một thương nhân về dầu mỏ cho biết, nhu cầu về dầu thô Mỹ và dầu Brent có thể giảm hơn nữa trong vài tuần tới, khi các nhà máy lọc dầu ở Mỹ và châu Âu bắt đầu bước vào thời kỳ bảo dưỡng cho mùa thu.
Nhiều khả năng giá xăng giảm
Ngày 4/8 vừa qua, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm đến 816 đồng/lít đưa giá xăng RON 92 về mức 19.304 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 819 đồng/lít còn 13.862 đồng/lít; dầu hỏa giảm 638 đồng/lít xuống 13.112 đồng/lít; dầu madut giảm 562 đồng/kg còn 10.872 đồng/kg.
Nguyên nhân của việc điều chỉnh giá xăng dầu như trên được Liên Bộ Công thương – Tài chính lý giải do giá xăng dầu thế giới đã điều chỉnh giảm.
Nhiều khả năng giá xăng giảm nhưng không giảm mạnh trong lần điều chỉnh 19/8 tới
Kể từ đầu năm đến nay giá xăng đã được điều chỉnh 9 lần trong đó có 4 lần tăng giá và 5 lần giảm giá. Trong 4 lần tăng, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 5.040 đồng/lít so với lần tăng cuối cùng trong năm 2014. Lần tăng giá mạnh nhất là vào ngày 5/5/2015 với mức tăng 1.950 đồng/lít.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tại TP.HCM cho biết, tính đến ngày 14/8, mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán đã ở mức 300 đồng/lít. Do đó nếu giá dầu cuối kỳ điều chỉnh không tăng thì khả năng giảm giá xăng dầu trong lần điều chỉnh tới là rất lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia xăng dầu trong nước cũng cho rằng, để giá xăng giảm mạnh như trong kỳ điều hành mới nhất (4/8) là hơn 800 đồng/lít, hoặc như lần điều chỉnh vào cuối tháng 1 năm nay giảm lên tới 1.900 đồng/lít là điều khó có thể xảy ra.
Lý do là bởi giá xăng vẫn tiếp tục phải gánh quá nhiều thuế, phí, các loại chi phí khác mà đặc biệt là thuế nhập khẩu xăng dầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng biên độ tỷ giá lên +/-2% vào ngày 12/8 vừa qua.
Về mặt lý thuyết, với động thái nới biên độ tỷ giá, giá nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng theo đà yếu đi của đồng tiền nội địa. Nhưng trên thực tế, hoạt động giao dịch mua bán xăng dầu trước nay hoàn toàn dựa vào giá USD ngoài thị trường nên có khả năng xăng dầu được mua vào với giá USD không tăng hết biên độ cho phép.
Mặc dù vậy, ở kỳ điều hành này, các doanh nghiệp xăng dầu đánh giá mức ảnh hưởng không quá lớn bởi biên độ tỷ giá được nới vào giữa chu kỳ tính giá, trong khi giá cơ sở được tính trung bình 15 ngày.
“Phần xăng dầu chịu giá thành đắt chỉ rơi vào vài ngày cuối chu kỳ. Chưa kể do yêu cầu bảo đảm dự trữ nên lượng xăng dầu bán ra thực tế đã được nhập từ trước. Nếu tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến giá xăng thì sẽ tác động trực tiếp đến kỳ điều hành giá sau”, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu phân tích.
Do vậy mà nhiều kỳ vọng được đưa ra là giá xăng dầu sẽ giảm, dù không giảm mạnh nhưng vẫn ở một mức phù hợp với biến động giảm của thị trường dầu mỏ trên thế giới, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của cả doanh nghiệp xăng dầu lẫn người tiêu dùng.
Huyền Trân (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.