Trong khi quỹ bình ổn dần cạn kiệt, giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường và một số loại thuế phí khác được xem là hữu hiệu để kìm đà tăng của giá xăng dầu.

Ngày 24/2, sau khi Nga tấn công Ukraine, lần đầu tiên kể từ năm 2014 giá dầu thô Brent xuyên thủng ngưỡng 100 USD/thùng lên 102,15 USD/thùng. Với việc giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3 tới đây, giá xăng sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới.

Trả lời báo chí ngày 16/2, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cũng thừa nhận nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá, cần tính đến công cụ khác là thuế phí.

“Việc giá xăng dầu cao quá sẽ vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách đang được triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%”, ông Đông nói.



Thủ tướng đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trước 28/2. Ảnh: Duy Hiệu.

Một lít xăng phải “cõng” hơn 11.000 đồng thuế phí

Xăng là một trong những mặt hàng đang phải gánh nhiều loại thuế, phí nhất hiện nay. Một lít xăng RON 95 có giá là 26.287 đồng/lít, nhưng số thuế phí phải gánh chiếm đến gần một nửa.

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng RON 95 thương phẩm bình quân trên thế giới 10 ngày gần nhất lên tới 110,648 USD/thùng (tăng 6,044 USD/thùng, tương đương tăng 5,78% so với kỳ trước). Một thùng xăng 158,97 lít, như vậy, một lít xăng RON 95 nhập về cảng có giá khoảng 14.936 đồng.

Trước Nghị định 95, cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 8%, thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%), không thu thuế với các loại dầu; thuế VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.628 đồng) và thuế bảo vệ môi trường (3.800-4.000 đồng/lít với xăng; 2.000 đồng/lít với dầu).

Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, trung bình mỗi lít xăng, thuế và phí hiện chiếm khoảng 42-43%, còn dầu 21-27%. Điều này đồng nghĩa với 1 lít xăng RON 95 giá 26.287 đồng thì chịu tới 11.168 đồng thuế phí.

Tuy nhiên trả lời đề xuất của đoàn đại biểu Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung.

Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, giá xăng của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít.

Có thể giảm tới 4.000 đồng/lít xăng

Hiện, quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện còn gần 900 tỷ đồng, nhưng có hơn 10 doanh nghiệp âm quỹ. Thậm chí, một số doanh nghiệp âm quỹ lớn. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 815,33 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 110 tỷ đồng.

Nếu giá xăng dầu còn tăng tiếp trong thời gian tới, sẽ không thể dựa vào Quỹ bình ổn giá để kiềm chế đà tăng trong nước.

Giải pháp hợp lý nhất mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất là giảm thuế bảo vệ môi trường và một số thuế, phí khác. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.

Trao đổi với Zing, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cũng nhận định trong 4 loại thuế đối với xăng, dầu thì loại thuế có thể cân nhắc giảm hiện nay là thuế bảo vệ môi trường.

Trong cơ cấu giá bán lẻ nếu thuế bảo vệ môi trường giảm chắc chắn giá xăng sẽ giảm mạnh. Bởi mức thuế này đang ở mức quá cao và nặng nhất trong các loại thuế, phí, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít và dầu từ 1.500-2.000 đồng/lít.

Theo ông, loại thuế bảo vệ môi trường này nếu giảm càng nhiều càng tốt. "Tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc, xem xét tùy vào khả năng chịu đựng của ngân sách quốc gia. Bởi, cơ quan nhà nước đã chi 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đã có chính sách giảm thuế tới 64.000 tỷ đồng", ông nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cũng cho rằng trên thị trường hiện nay đang có 2 loại xăng cụ thể là xăng E5 RON 92 là xăng sinh học và xăng RON 95. Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 thì phải có biên độ giá chênh lệch cao để người dân lựa chọn.

"Bản thân xăng E5 là xăng môi trường, vậy tại sao lại thu thuế bảo vệ môi trường loại xăng này? Chính vì thế cần phải miễn hoặc tạm dừng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng E5, như vậy mới có thể ổn định được giá cước vận tải", lãnh đạo taxi Mai Linh đề xuất.

Bản thân xăng E5 là xăng môi trường, vậy tại sao lại thu thuế bảo vệ môi trường loại xăng này? - Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng trong bối cảnh quỹ bình ổn xăng dầu không còn dư địa để hỗ trợ, việc các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đề nghị Bộ Tài chính có động thái cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng dầu cũng là hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng.

Ví dụ về thuế VAT, hiện có nhiều ý kiến cho rằng không chỉ nên giảm đối với nguyên liệu mà nên có phương án giảm ở một số lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh để hỗ trợ phục hồi sản xuất và kích cầu trong nước.

Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng việc giảm các khoản thuế, phí đóng góp cố định cũng có thể ảnh hướng đến nguồn thu ngân sách. "Đồng thời ảnh hưởng khả năng cân đối các gói hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội sau dịch Covid-19 hay kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do vậy cũng cần có sự tính toán phù hợp", ông Việt nhìn nhận.

Ngày 25/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ông yêu cầu các Bộ ngành cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.