Nhà đầu tư nổi tiếng cho rằng thị trường toàn cầu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng, và nhà đầu tư cần rất thận trọng.

Việc Trung Quốc đang chật vật tìm mô hình tăng trưởng mới và động thái hạ giá nội tệ đang lan truyền rủi ro ra toàn thế giới, Soros nhận xét tại diễn đàn kinh tế Sri Lanka hôm nay. Ông cho rằng lãi suất tại Mỹ tăng là thách thức với các nước đang phát triển, và môi trường hiện tại có nhiều điểm tương đồng với năm 2008.

Thị trường hàng hóa, tiền tệ và chứng khoán toàn cầu đang hỗn loạn chỉ trong tuần đầu tiên của năm mới. Đồng NDT đang mất giá do lo ngại sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn chuyển dịch sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng và dịch vụ. Chỉ trong 3 ngày đầu, 2.500 tỷ USD đã bốc hơi khỏi chứng khoán toàn cầu. Thiệt hại lớn nhất là tại châu Á, khi chứng khoán Trung Quốc hôm nay tiếp tục phải ngừng giao dịch vì giảm quá mạnh.

George Soros cho rằng tình hình hiện tại có nhiều điểm tương đồng năm 2008. Ảnh: Bloomberg

"Trung Quốc có vấn đề lớn về khả năng điều chỉnh. Tôi phải nói rằng nó chẳng khác nào một cuộc khủng hoảng. Khi nhìn vào các thị trường tài chính, tôi thấy có một thách thức nghiêm trọng gợi nhớ tới tình hình năm 2008", Bloomberg trích lời tỷ phú cho biết.

Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng tính tự do chuyển đổi của NDT cho đến năm 2020, đồng thời giảm dần kiểm soát vốn. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn còn rất yếu, bất chấp nhiều lần giảm lãi suất và giới chức bơm hàng trăm tỷ thúc đẩy tăng trưởng. Các số liệu tuần này cũng cho thấy sản xuất tại đây ngày một yếu đi.

George Soros sinh năm 1930 và là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong một ngày. George Soros được đặt biệt danh "kền kền" do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang lao đao. Theo Bloomberg, ông hiện sở hữu tài sản 27.3 tỷ USD.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.