Giải thưởng “Khách sạn của năm 2011” (do Hệ thống Giới thiệu các điểm nghỉ khách sạn bình chọn) thuộc về khách sạn - lâu dài Fried ở Hungary. Trước đó, Fried đã là “Khách sạn đẹp nhất Hungary năm 2010”. Chủ nhân của Fried - chị Phan Bích Thiện hiện là Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - Việt Nam. Nữ doanh nhân có vẻ ngoài rạng rỡ và đằm thắm này còn là một nhà thơ, với ba tập thơ đã xuất bản...
Điểm khác biệt đến từ Việt NamThành công với “khách sạn con rồng”

* Giành được hai giải thưởng xuất sắc trong lĩnh vực khách sạn, hẳn Fried có điều gì đó rất đặc biệt, thưa chị?

- Tôi xin kể một câu chuyện thú vị để thay câu trả lời: Một gia đình quay lại khách sạn Fried lần hai đã viết trong sổ lưu niệm của chúng tôi rằng, con của họ luôn hỏi bố mẹ “Khi nào mình sẽ quay lại khách sạn con rồng?”.

Cậu bé còn nhỏ, không nhớ tên khách sạn, mà chỉ nhớ chiếc cầu thang đặc biệt chạm trổ hình con rồng của Fried. Lâu đài Fried tọa lạc tại thành phố Simontornya. Fried do Fried Imre, người Do Thái, chủ nhân nhà máy giày da lớn nhất nước Hungary đầu thế kỷ XX xây dựng.

Chúng tôi đã “hồi sinh” tòa lâu đài trong ba năm. Điểm đặc biệt của Fried là nội thất mang phong cách phương Đông - Việt Nam trong một không gian kiến trúc châu Âu đậm đặc.

Tôi đã về Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đặt sản xuất đồ gỗ chạm trổ để chuyển sang. Về ẩm thực, Fried còn có món “nem Việt Nam” rất được ưa chuộng...

* Mang đồ gỗ từ Việt Nam sang Hungary hẳn không dễ?

- Đúng vậy! Tôi phải tính toán rất kỹ lưỡng nhiều vấn đề. Ngoài chuyện kích thước, kiểu mẫu, màu sắc cho phù hợp với không gian, còn phải tính đến chuyện chất lượng đồ gỗ có thể bị ảnh hưởng khi khí hậu thay đổi.

Cho đến nay, nội thất của Fried đều là những sản phẩm chạm trổ từ gỗ gụ, gỗ trắc do các nghệ nhân Việt Nam thực hiện.

Nhưng nếu chỉ tính hiệu quả kinh doanh thì tôi đã không phải vất vả đến thế. Nhưng vì tôi rất muốn giới thiệu đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho người Hung và châu Âu, nên quyết tâm làm cho được.


Điểm khác biệt đến từ Việt Nam


Khách sạn lâu đài Fried


Đến khi nội thất Việt Nam hoàn tất, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào! Và quả thật điều đó đã trở thành điểm khác biệt gây ấn tượng cho du khách khi đến Fried. Fried hiện có công suất sử dụng phòng khoảng 60%/năm, thuộc loại cao ở châu Âu (mức trung bình là 50%).

Hiện nay Fried có khoảng 50 nhân viên. Tôi và chồng tôi - Thuroczy Laszlo, quản lý doanh nghiệp Danubetrade chuyên kinh doanh về bất động sản, cùng quản lý và điều hành khách sạn.

* Chị có thể chia sẻ thêm về khu du lịch tổng thể mà Fried được đặt trong đó?

- Khu du lịch có tổng diện tích 19ha, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2005. Trong khu du lịch này có ba tòa: Lâu đài Fried, khu “Người đi săn” (vì gần đó là khu rừng săn bắt lớn nhất Hungary) và khu nghỉ dưỡng - spa “Hoa Huệ” được xây dựng với sự tài trợ 40% của EU, đưa vào hoạt động năm 2011.

Ngoài ra, trong khu du lịch còn có nhiều ruộng nho, hầm rượu cả 200 năm tuổi. Chính sự đa dạng, phong phú của khu du lịch đã làm hấp dẫn du khách.

Nối nhịp cầu đầu tư Việt - Hung

* Đã từng có làn sóng xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang Đông Âu những năm 1980. Nhưng hiện nay, dường như ở Hungary người Việt được biết đến nhiều do trồng cần sa hay buôn người?


- Vâng, rất tiếc là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng đã gây tiếng xấu cho uy tín người Việt ở đây. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ thôi. Vì phần đông cộng đồng hòa nhập tốt với xã hội, và có nhiều người Việt Nam thành công ở Hungary.

Hồi tháng 3/2011, trên kênh truyền hình chính thức của Chính phủ Hungary (DUNA TV) đã phát nhiều lần phóng sự về cuộc sống của người Việt Nam ở Hungary. Phim tài liệu 30 phút này còn giới thiệu với khán giả về đất nước Việt Nam, tiếng Việt, phong tục tập quán, áo dài của người Việt.

Những người làm phim đã đưa ra nhận định rằng, dân tộc Việt Nam chịu khó, chăm chỉ và kiên trì.

Đây là lần đầu tiên một kênh chính thức của chính phủ phát chương trình có tính chất cải thiện cái nhìn của người dân Hungary về cộng đồng Việt Nam. Và điều này làm tôi cảm thấy rất phấn khởi.
* Theo chị, cơ hội giao thương Hungary - Việt Nam có nhiều không?

- Giao thương Hungary - Việt Nam có thuận lợi là quan hệ giữa hai nước rất tốt. Chính phủ Hung rất ủng hộ Việt Nam.

Có gần 3.000 người Việt Nam đã học tập ở Hung và biết tiếng Hung. Hungary lại là thành viên của Liên minh Châu Âu. Hungary cũng trải qua thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường như Việt Nam.

Tuy nhiên, Hungary là nước nhỏ, và hiện cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chung ở châu Âu.

Mặc dù vậy, tôi nghĩ vẫn có thể tận dụng các thế mạnh của Hungary, như nền giáo dục chất lượng tốt, được đánh giá cao trên thế giới về nhiều ngành đào tạo. Người Hungary đoạt giải Nobel tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Ở Hung có những công nghệ tiên tiến và chúng ta có thể thỏa thuận chuyển giao được với giá thành không cao.

Hungary là thị trường không lớn, chỉ hơn 10 triệu dân, nên không thể coi đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Nhưng Hungary lại nằm trong khối EU, nên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên coi đây là đầu mối để đến thị trường Liên minh Châu Âu.

* Sản phẩm nào của Việt Nam có thể hấp dẫn người Hungary, theo chị?

- Ngày càng có nhiều người Hung quan tâm đến Việt Nam. Tôi thấy họ và người châu Âu nói chung rất thích phong cách và ẩm thực Việt Nam.

Ngoài các hàng hóa, Việt Nam còn có “sản phẩm” rất giá trị, đó chính là đất nước, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. “Sản phẩm” này cũng có thể “bán” rất chạy ở nước ngoài nếu mình biết cách bán.

Đây là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam. Và việc này lại rất gần gũi với công việc hiện nay của tôi, tôi sẵn sàng hợp tác. Hằng năm, Hungary đều có triển lãm du lịch.

Với cương vị là Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - Việt Nam và là thành viên của Liên đoàn Khách sạn Hungary, tôi đang đề nghị bên Ban tổ chức mời Việt Nam là khách danh dự cho một triển lãm trong các năm tới. Đây là dịp rất tốt để quảng cáo về du lịch Việt Nam.

Gặp nữ chủ nhân tòa lâu đài đẹp nhất Hungary: Điểm khác biệt đến từ Việt Nam

Chị Thiện cùng chồng và các con

* Chị có dự định đầu tư về Việt Nam không?


- Đã mang được một góc Việt Nam sang Hungary nên tôi cũng muốn mang được những ưu thế của Hungary về Việt Nam. Tôi đã xác định, về đầu tư ở Việt Nam không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận.

Do vậy ngoài việc quảng bá du lịch cho Việt Nam, tôi dự định đầu tư vào đào tạo và công nghệ. Tôi mong mang được nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới về Việt Nam.

Ngoài ra, tôi đang xúc tiến dự án mở ra các khóa học đại học của các trường đại học của Hung tại Việt Nam. Theo đó, chương trình giảng dạy, giáo viên vẫn đảm bảo theo chuẩn của các trường đại học Hung, nhưng chi phí sẽ tiết kiệm hơn.

* Còn lĩnh vực công nghệ...?

- Về công nghệ, tôi muốn đầu tư vào mảng chế biến hoa quả. Ở Việt Nam, khi vào vụ thì hoa quả rất nhiều, rất rẻ nhưng không bán được hết là phải bỏ đi, vì chưa có nhiều nhà máy chế biến.

Hungary có nền công nghiệp chế biến hoa quả tốt nên có thể mang công nghệ này về Việt Nam. Kế hoạch này góp phần giúp nông dân, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Nhưng hướng đầu tư này không hề đơn giản khi nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Tôi nghĩ Nhà nước mình nên có những chính sách chú trọng hơn để thúc đẩy sự đầu tư vào sản xuất.

Xuất khẩu là quan trọng, nhưng phát triển sản xuất để phục vụ thị trường nội địa cũng quan trọng không kém. Đơn cử, tôi đưa ván sàn bằng tre được sản xuất tại một khu công nghiệp của Việt Nam sang lát nền tại Fried.

Sản phẩm rất tốt, nhưng nhiều khách Việt Nam từ trong nước sang không hề biết có thể mua được chúng ở Việt Nam. Trong khi ở Việt Nam lại dùng sản phẩm lát nhà nhập từ Đức, Italia...

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì việc tận dụng hiệu quả thị trường nội địa sẽ giúp cho nền kinh tế đất nước đỡ bị ảnh hưởng từ mảng xuất khẩu, và giảm bớt nhập siêu.

Nếu không thì nguồn kiều hối về Việt Nam lại chảy ngược ra nước ngoài khi được dùng để mua hàng nhập khẩu.


Theo doanhnhansaigon
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.