Sau khi HĐQT CTCP FPT (FPT) bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc làm Tổng giám đốc cuối tháng 7, FPT đã có những phiên tăng giá khá ấn tượng. Một trong những lý do chính khiến CP tăng giá là kỳ vọng của NĐT vào CP đó. Liệu điều này có đúng trong trường hợp của FPT với vị tân tổng giám đốc?

Khôn đâu tới trẻ

Chỉ trong vòng 5 năm, chiếc ghế CEO của FPT đã có 5 lần đổi chủ, bao gồm các ông Trương Gia Bình (2 lần), Nguyễn Thành Nam, Trương Đình Anh và bây giờ là ông Bùi Quang Ngọc. Điều này cho thấy ngồi được chiếc ghế này không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là khắc nghiệt. Từ năm 2009 đến đầu năm 2011, CEO của FPT là ông Nguyễn Thành Nam, đây được xem là giai đoạn khá trầm lắng của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng dưới 20%.

Tăng trưởng là một trong những yếu tố FPT đề cao và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của các CEO. Nhưng sự gắn kết giữa tăng trưởng và CEO chỉ thật sự chặt chẽ và có ý nghĩa nếu CEO được phát huy vai trò của mình.

Tháng 3-2011, ông Trương Đình Anh lên thay ông Nguyễn Thành Nam và đề ra mục tiêu tăng trưởng trên 30%. Lúc này, FPT tái định hướng là tập đoàn công nghệ và thực hiện chiến lược One FPT. Việc ông Trương Đình Anh (sinh năm 1970) ngồi ghế nóng có thể xem là động thái thực hiện trẻ hóa nhân sự của FPT.

Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng có vẻ phong cách quản lý có phần “cương mãnh” và “tàn bạo” của ông Trương Đình Anh lại là một vấn đề. Chẳng hạn việc giảm hàng trăm nhân viên từ bộ phận truyền thông của FPT xuống còn… vài người và sự tinh giản không chỉ nằm ở bộ phận này.

Tất yếu, trong một cuộc đại phẫu để tái cấu trúc doanh nghiệp, những va chạm về quyền lợi giữa các thành viên, nhân sự ở các cấp là không tránh khỏi. Tháng 9-2012, ông Trương Đình Anh từ nhiệm vị trí CEO, nên Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình lại lần nữa phải kiêm nhiệm chiếc ghế nóng.

Khi nhân vật số 1 FPT trở lại, hoạt động của tập đoàn thông suốt hơn, KQKD tiếp tục duy trì những nét tích cực. Khả năng và tầm ảnh hưởng của ông Trương Gia Bình tại FPT như thế nào ai cũng biết, nhưng ông không thể mãi kiêm nhiệm cả 2 vị trí. FPT cần một CEO thực sự, tách bạch rõ ràng giữa chức năng hoạch định chiến lược của HĐQT và CEO là người thực thi chiến lược.

Khỏe đâu tới già

Ông Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956, lớn tuổi hơn so với ông Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1961) và ông Trương Đình Anh. Nếu chỉ căn cứ vào tuổi tác, có lẽ ông Ngọc không nằm trong đội ngũ lãnh đạo trẻ của FPT. Trong khi đó, để FPT tiếp tục có động lực tăng trưởng, việc trẻ hóa đội ngũ nhân sự để tạo ra sức bật cho tập đoàn này là điều thường xuyên phải thực hiện.

Câu hỏi đặt ra ở đây là ông Bùi Quang Ngọc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình trẻ hóa nhân sự của FPT? Liệu ông có đủ “khỏe để dẫn dắt FPT tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Về lý mà nói, chuyện già hay trẻ không đơn thuần nằm ở vấn đề tuổi tác, quan trọng hơn là ở suy nghĩ và hành động.

Ông Bùi Quang Ngọc (phải), Tổng giám đốc mới của FPT.

Ông Bùi Quang Ngọc, 1 trong 13 sáng lập viên FPT, đã có nhiều năm đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Điều này cho thấy ông là người có khả năng quản trị, tổ chức thực hiện và có nền tảng am hiểu sâu sắc về FPT.

Hơn nữa, người ta cũng thấy ở ông và ông Trương Gia Bình, cùng tuổi với nhau, một sự gắn bó như những chiến hữu thân thiết. Những yếu tố này chỉ ra rằng mối quan hệ giữa ông Ngọc và đội ngũ lãnh đạo cao cấp cũng như nhân viên FPT sẽ nồng ấm, giảm thiểu được những xung đột.

Tuy nhiên, với NĐT bên ngoài, một loạt vấn đề được đặt ra đối với vị tân CEO nói riêng và FPT nói chung. Thứ nhất, ông Bùi Quang Ngọc có thể tạo ra những cái “nhíu mày” đối với NĐT ưa thích những yếu tố mới mẻ và trẻ trung trong ban tổng giám đốc của FPT.

Điều này đòi hỏi ông Ngọc trong vai trò mới của mình phải có những suy nghĩ, giải pháp năng động và đột phá. Nếu không làm được, nói đến lãnh đạo FPT, người ta vẫn sẽ chỉ nghĩ tới ông Trương Gia Bình, còn CEO chỉ là vị trí bất đắc dĩ. Và như vậy vai trò tách bạch giữa HĐQT và ban tổng giám đốc chưa thể được chuyên biệt hóa.

Đối với một CEO mới lên, thường sẽ có sự so sánh với những người tiền nhiệm. Thế nên đã có câu hỏi rằng vai trò của ông Bùi Quang Ngọc sẽ giống như ông Nguyễn Thành Nam hay ông Trương Đình Anh? Câu trả lời ở đây có thể là ông Ngọc chẳng giống người tiền nhiệm nào cả, vì mỗi người mỗi nét riêng.

Nếu nhìn lại giai đoạn ông Nguyễn Thành Nam làm CEO, đã có những giả thiết cho rằng ông này giống như một người chuyển tiếp cho quá trình tách bạch chức năng giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, ông Trương Đình Anh sau này mới là CEO thực sự.

Theo giả thiết này, quá trình tìm kiếm CEO của FPT vẫn chưa trở thành hiện thực, vì ông Trương Đình Anh đã nghỉ sớm hơn dự định và ông Ngọc một lần nữa đóng vai trò giống như ông Nam. Những xung đột, va chạm ông Trương Đình Anh không giải quyết được, có thể ông Ngọc với tầm ảnh hưởng của mình sẽ làm được.

Khi hệ thống được tái cấu trúc theo như kỳ vọng, có thể một CEO mới trẻ trung, quyết liệt và sáng tạo hơn sẽ được bổ nhiệm để vận hành bộ máy mới chạy nhanh hơn. Hiện nay, trong đội ngũ lãnh đạo dưới 50 tuổi của FPT có một loạt gương mặt ít nhiều cho thấy được bản lĩnh của mình, không loại trừ khả năng đây là “của để dành” cho vị trí CEO trong thời gian tới.

Liệu ông Bùi Quang Ngọc, một người rất giỏi toán, sẽ giải bài toán CEO hóc búa của FPT như thế nào?

Thục Khanh (Sài Gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.