Fed tung ra vũ khí mạnh nhất cho thấy Mỹ đang gặp vấn đề trầm trọng, khiến nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng tài chính đang đến gần.

Hôm 15/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo hạ lãi suất tham chiếu về quanh 0% - 0,25%, đồng thời cam kết mua thêm ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Đây là lần thứ hai trong tháng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ, nhằm ngăn nền kinh tế rơi tự do vì tác động của đại dịch.

Hàng loạt động thái nới lỏng quy mô lớn được công bố, khiến nhiều nhà đầu tư càng lo ngại về khả năng Fed giảm thiểu được thiệt hại kinh tế từ Covid-19. Với họ, những động thái này cho thấy sự trầm trọng của vấn đề mà Mỹ đang gặp phải. Fed không thể đợi thêm vài ngày nữa, vì có thể lúc đó sẽ là quá muộn để cứu nền kinh tế.

"Đây là dấu hiệu cho thấy Fed đang rất lo lắng về môi trường hiện tại. Phản ứng chính sách của họ rất mạnh tay. Điều này có thể khiến nhà đầu tư hoảng loạn", Michael O’Rourke – chiến lược gia thị trường tại JonesTrading nhận định.

Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đã giảm kịch biên độ sau thông báo của Fed, ám chỉ Wall Street mở cửa phiên hôm nay sẽ lao dốc.

Người Mỹ xếp hàng chờ thanh toán tại một siêu thị ở New York, khi dịch bệnh lan nhanh tại đây. Ảnh: Reuters

Một số nhà quan sát thị trường nói rằng động thái của Fed gợi nhớ đến nỗ lực cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ. "Các thị trường cho rằng đây là tín hiệu khủng hoảng tài chính sắp diễn ra", David Kotok – Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết.

Goldman Sachs Group hạ đã dự báo tăng trưởng của Mỹ trong hai quý đầu năm. Hiện tại, họ dự báo GDP Mỹ không tăng trưởng trong cả 3 quý đầu.

"Tôi nghĩ rằng, đặc biệt là sau sự kiện này, người ta vẫn lo ngại suy thoái sâu. Việc này có thể diễn ra trong ngắn hạn thôi, nhưng sẽ rất sâu", Rick Meckler – nhà phân tích tại Cherry Lane Investments nhận xét trên Reuters. Joachim Fels – cố vấn kinh tế tại quỹ đầu tư trái phiếu PIMCO thì cho rằng suy thoái toàn cầu có vẻ là "một kết cục đã được đoán trước".

Nhiều nhà phân tích cho rằng Fed đã làm hết khả năng. Họ đã tung ra công cụ mạnh nhất, dù xoa dịu thị trường trong tình cảnh này nằm ngoài khả năng của họ. Số khác thì cho rằng với biến động trên thị trường tài chính và tình hình kinh tế chậm lại thế này, tác động của đại dịch không thể chỉ giải quyết bằng chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, Fed có thể đưa lãi suất về âm, như nhiều ngân hàng trên thế giới hiện áp dụng. Tuy nhiên, Powell vẫn bác bỏ ý tưởng này. Fed hôm qua cho biết sẽ giữ lãi suất ở quanh mức này cho đến khi họ tự tin kinh tế Mỹ đã thoát khó khăn. Powell nhấn mạnh Fed còn nhiều công cụ nữa nếu cần phải bơm thêm kích thích vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng như lần hạ lãi suất khẩn cấp trước, Powell lại kêu gọi giới chức Mỹ tung kích thích. Hôm thứ sáu tuần trước, gói hỗ trợ khẩn cấp Trump công bố đã giúp thị trường tăng mạnh. Chỉ số DJIA chốt phiên cuối tuần tăng tới hơn 2.000 điểm.

Mục tiêu của Fed khi hạ lãi có thể là duy trì tâm lý tích cực đó trên thị trường. Tuy nhiên, việc này đã không xảy ra.

"Fed đã làm tất cả những gì có thể để cung cấp thanh khoản ra thị trường. Nhưng họ không thể giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung, hay tiêu diệt virus cúm", Randy Kroszner – cựu quan chức Fed giai đoạn 2006 – 2009 nhận định trên CNBC, "Chìa khóa không phải là chỉ tiêu tiền, mà là tiêu theo cách giải quyết được vấn đề".

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.