CafeLand - “Em trai tôi, tôi rất thương” đó là những lời nói của ông Dương Chí Dũng với tư cách là nhân chứng trong vụ án Dương Tự Trọng và đồng bọn tổ chức cho ông bỏ trốn được đưa ra xét xử vào sáng nay.

Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm phạm tội, các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, riêng Dương Tự Trọng khai có vấn đề về trí nhớ nên không nhớ gì cả.

Còn ông Dương Chí Dũng (có mặt tại tòa với tư cách là nhân chứng) khai: “Trưa 17-5, tôi điện thoại cho ông anh trên Bộ công an hỏi xem anh đi công tác về chưa, anh nói đang trên đường về Hà Nội. Anh thông báo luôn với tôi là chiều nay Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về vụ việc của chú. Chiều hôm đó, tôi loanh quanh gần nhà anh ấy ở đường Lý Thường Kiệt, đường Hai Bà Trưng, ngồi trên xe để chờ anh về. Đến tối 17-5, anh ấy điện cho tôi thông báo Thủ tướng đã chấp thuận lệnh khởi tố và bắt tạm giam chú, chú nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian. Sau đó, tôi trốn luôn lúc tối 17-5... Phiên tòa vừa rồi tôi đã bị xử mức án cao nhất của tội tham ô tài sản và cố ý làm trái, tôi chỉ nói sự thật. Em trai tôi, tôi rất thương, còn em trai tôi nó có vấn đề về trí nhớ...”.

"Em trai tôi, tôi rất thương" có lẽ đó là những lời nói muộn màng của ông Dương Chí Dũng. Nếu lúc đó tình thương của ông đủ lớn và đủ bình tĩnh thì không lôi kéo cả dòng họ chìm tàu như thế. Nếu Dương Tự Trọng không vì "chữ tình" thì hai anh em sẽ không gặp mặt nhau trong tình cảnh như vậy.

Trước khi bị bắt, Dương Tự Trọng là nguyên Đại tá, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Trong 5 anh em, ông Trọng là người được coi là học hành nghiêm túc nhất, tính tình ngay thẳng và đầy chất nghệ sĩ với lối sống phóng khoáng.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông Trọng gia nhập lực lượng Công an Hải Phòng. Với tố chất thông minh, bản lĩnh của lính hình sự, ông Trọng nhanh chóng được đồng nghiệp nể phục, ông Trọng từng được ví là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các băng nhóm giang hồ đất Cảng. Ông Trọng cũng được coi là ứng cử viên số 1 cho vị trí Giám đốc công an Hải Phòng sau này.

Con đường quan lộ đầy hứa hẹn của Đại tá Trọng bỗng chốc tiêu tan và lâm cảnh lao lí chỉ vì một chữ “tình”, khi tổ chức cho anh trai bỏ trốn ra nước ngoài. Cuộc trốn chạy của ông Dũng đã làm gần chục cán bộ công an Hải Phòng nhúng chàm chỉ vì tình. Giờ đây, trước vành móng ngựa ông Trọng đang phải đối mặt với với khung hình phạt truy tố từ 12 đến 20 năm tù.

Khi bị bắt giam điều tra về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn, cựu Đại tá Dương Tự Trọng cũng bị phát hiện có bồ nhí và con riêng ở Hà Nội như anh trai.

Cụ thể, từ năm 2002, ông Trọng có quen biết với chị Hoàng Kim N. khi chị này đang là sinh viên Trường ĐH Hàng hải Hải Phòng. Hai bên đã có một quá trình đi lại với nhau và nảy sinh tình cảm. Sau khi chị Hoàng Kim N. về Hà Nội làm ăn, trú tại quận Cầu Giấy thì chị N. có thai, rồi sinh 2 con gái. Để phục vụ mục đích làm giấy khai sinh cho con mình, vào tháng 4/2012, ông Trọng đã chỉ đạo cấp dưới làm cho mình 2 CMND mà không báo cáo lãnh đạo Công an TP Hải Phòng. Sau khi hoàn thiện hai CMND này, ông Trọng đã đưa cho chị N. để làm khai sinh cho hai con gái.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn tình nghi ông Dương Tự Trọng đã cố tình lơ là trong việc không tiến hành truy bắt Đồng Xuân Phong, mặc dù biết Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng bị Công an TP HCM truy nã về hành vi buôn lậu.

Hành trình giúp anh trai chạy trốn

Sau khi nhận được điện thoại của anh trai về vụ điều tra tham ô, thay vì động viên anh trai chấp hành để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thì ông Trọng đã hướng dẫn anh trai đến trốn tại nhà bạn gái của mình ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, để chuẩn bị cho cuộc bỏ trốn.

Tiếp đó, ông Trọng đã “điều” 3 cán bộ dưới quyền mình gồm Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh cùng thuộc Công an TP.Hải Phòng cấu kết với 2 người khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Đêm 17/5/2012, Dương Chí Dũng được cấp dưới của ông Trọng đưa ra thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) bằng một chiếc Porsche Cayenne sang trọng, mang biển số Hải Phòng.

Đến ngày 21/5/2012, thuộc cấp của ông Trọng đưa ông Dũng vào TP.HCM

Chiều tối 23/5/2012, ông Dũng đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và thuê xe ôm chạy sang Campuchia.

Sau khi thoát sang Campuchia, ngày 24/5/2012, ông Dũng mua vé máy bay sang Singapore để làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, do bị truy nã quốc tế nên ông Dũng không thể nhập cảnh vào Mỹ.

Ngày 29/5/2012, ông Dũng buộc phải quay về Campuchia và đến ngày 4/9/2012 thì bị cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với phía Campuchia bắt giữ.

Gia Bảo (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.