Nếu bạn đang trò chuyện với Donald Trump, cuộc đối thoại sẽ thường xuyên bị cắt ngang bởi những cú điện thoại. Đó là chuyện thông thường với dân kinh doanh, vốn bận rộn suốt. Nhưng với Donald, những cú điện thoại đó thường đến từ giới truyền thông.
Tỷ phú nổi tiếng nhất nước Mỹ

“Đây có phải là người đàn ông đẹp trai nhất, thông minh nhất, lôi cuốn nhất New York không?”


Đầu dây bên kia là một nhà sản xuất truyền hình đang cố thuyết phục Donald xuất hiện trên show. Nhưng Donald vừa mới xuất hiện trên The Today Show, The O’Reilly Factor, Access Hollywood, Larry King Live…Ông cũng đã được đăng ký để xuất hiện trên show của David Letterman. Và ở sảnh của Trump Tower, có một người đàn ông đang đợi để nhận tấm séc 10.000 đôla từ Donald.


Cách đó hai ngày, người đàn ông này đã nhảy xuống đường ray xe điện ngầm để cứu mạng một người khác và Donald tuyên bố trên các phương tiện truyền thông sẽ tặng thưởng 10.000 USD cho anh này.


Khi nhà sản xuất truyền hình kia tiếp tục nài nỉ, Donald đã nói với vẻ nửa đùa nửa thật: “Tôi phải trở lại với công việc thật sự của tôi chứ!” Donald Trump là tỉ phú nhưng công chúng thường biết đến ông với tư cách của một ngôi sao của giới truyền thông hơn là một nhà kinh doanh.


Người ta vẫn thường kể cho nhau nghe về cách làm giàu của triệu phú này trong cuộc phỏng vấn giữa một phóng viên và ông. “Thoạt tiên tôi mua một trái táo giá 1 USD, lau chùi sạch sẽ và bán lại với giá 1,5 USD. Tiếp đó tôi lại mua hai trái táo, rồi ba trái táo… Sau đó một năm, bà cô của tôi qua đời và để lại cho tôi 1 triệu USD”.


Donald cũng thừa hưởng tài sản từ ông bố giàu có là Fred Trump, một người phát triển địa ốc ở thành phố New York. Từ nhỏ, Donald đã thể hiện sự năng động, quyết đoán và mạnh mẽ của mình nên mới 13 tuổi, bố mẹ đã gửi ông đến học viện quân sự New York, hy vọng kỷ luật sẽ hướng năng lượng của Donald theo chiều hướng tích cực.


Bảy nổi...


Dĩ nhiên, Donald không tính đến chuyện mua và lau táo mà tham vọng của ông còn lớn hơn bố rất nhiều, dù rằng hướng đi nghề nghiệp phát triển về bất động sản là ảnh hưởng từ bố.


Sinh năm 1946, từ khi còn là sinh viên, Donald đã làm việc với bố vào dịp hè và sau khi tốt nghiệp, ông tham gia vào công ty của bố là Trump Organization. Năm 1971, Donald dời đến sống ở Manhattan và bắt mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng, có ảnh hưởng đến xã hội.


Chính từ việc tham gia vào các dự án xây dựng lớn ở Manhattan đã mang lại những cơ hội có lợi nhuận cao, sử dụng thiết kế kiến trúc hấp dẫn và có được sự công nhận của công chúng. Ví dụ năm 75, ông ký thỏa thuận với tập đoàn khách sạn Hyatt, vốn vẫn chưa có một khách sạn lớn ở khu buôn bán sầm uất tại New York.


Donald sau đó đã ký với thành phố New York một hợp đồng cực kỳ phức tạp, có được việc miễn giảm thuế kéo dài 40 năm, sắp xếp các nguồn tài chính và bắt tay vào cải tạo hoàn toàn cao ốc cũ, trưng ra mặt ngoài cực kỳ ấn tượng từ các tấm gương phản chiếu do kiến trúc sư Der Scutt thiết kế.


Khi khách sạn khánh thành năm 80, được đặt tên lại thành Grand Hyatt. Đây là một công trình mà Trump thành công rực rỡ cả về tiếng tăm lẫn kinh tế.


Một chiến tích khác gắn với tên gia đình ông là Trump Tower, nằm ngay cạnh cửa hàng Tiffany Co trên đại lộ số 5, con đường đắt giá nhất thế giới.


Công trình này cũng được Der Scutt thiết kế và trị giá 200 triệu đôla, cao 58 tầng trong đó có sảnh cao 6 tầng được trang trí bằng đá cẩm thạch hồng và có một thác nước nhân tạo cao 24m. Trump Tower thu hút được sự chú ý của nhiều cửa hàng bán lẻ tiếng tăm và các người thuê nổi tiếng.


Donald cũng nghiên cứu việc kinh doanh sòng bài, vốn được chấp thuận ở New Jersey năm 77. Năm 80, ông có được đất đai ở thành phố Atlantic, bắt đầu xây dựng đế chế bài bạc. Năm 82, một khu phức hợp có tên Harrahs trị giá 250 triệu đôla được khai trương ở Trump Plaza để rồi 4 năm sau, ông mua luôn khách sạn Holiday Inns và đổi tên thành Trump Plaza Hotel and Casino.


Donald cũng mua lại khách sạn kiêm sòng bài Hilton ở thành phố Atlantic, đầu tư 320 triệu đôla để xây lại thành Trumps Castle. Trong khi “lâu đài của Trump” vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, Donald có được khách sạn - sòng bạc lớn nhất thế giới, Taj Mahal cũng ở thành phố Atlantic và khai trương vào năm 90.


Trở lại thành phố New York, Donald tiếp tục tung hoành với những dự án bất động sản trị giá hàng trăm triệu đôla và năm 89, mở rộng việc kinh doanh sang ngành vận chuyển hàng không, mua lại Eastern Air Lines Shuttle với giá 365 triệu đôla và đặt lại tên thành Trump Shuttle.


Ba chìm...


Bước vào thập niên 90 là thời kỳ đen tối nhất của Donald khi thị trường bất động sản suy thoái nghiêm trọng khiến giá trị và thu nhập của đế chế Trump bị sút giảm. Đây là lúc mà Donald chứng tỏ được tài năng của mình khi lèo lái Trump Organization khỏi bị phá sản. Từ khoản nợ 900 triệu đầu thập niên 90, năm 1997, tài sản ròng của Donald ước tính khoảng gần 1,5 tỷ đôla.


Năm 1993, ở độ tuổi 47, Donald Trump trở nên cạn kiệt tiền. Đó là khi các sòng bài của ông phải mang đi cầm cố, bất động sản hoặc bị xiết nợ hoặc bị ngừng hoạt động, còn ông bố thì lâm bệnh Alzheimer. Không còn quỹ nào sót lại để tiếp tục nuôi sống bộ máy của Donald và khi bộ máy xương sống này ở Manhattan chuẩn bị chững lại hoàn toàn vì thiếu tiền, Donald ra lệnh cho Nick Ribis, chủ tịch Trump Organization gọi điện thoại cho các anh chị em của Donald để hỏi mượn tiền.


Ông cần khoảng 10 triệu đôla để chi trả các chi phí sinh sống, hoạt động văn phòng… Nhưng trong tay Donald không còn gì để ký quỹ trong khi ba anh chị em của ông đều muốn một đảm bảo rằng ông sẽ trả tiền lại cho họ.


Con cái nhà Trump nhận được phần chia tài sản từ bố với mỗi người khoảng 35 triệu đôla và anh chị em của Donald đòi ông ký giấy nợ, cam đoan trong tương lai, các quỹ của Donald sẽ trả lại số tiền nợ 10 triệu USD.


Donald có tiền nhưng khoảng 1 năm sau lại suýt nữa thì tay trắng. Lần này, Donald hỏi mượn 20 triệu đôla. Robert Trump, người từng quản lý các sòng bài cho Donald rồi chuyển qua quản lý bất động sản cho ông bố, khi chịu không nổi áp lực của ông anh đã từ chối. Quá cần tiền, Donald đã nhờ cố vấn của mình là Alan Marcus liên lạc với anh rể là John Barry để xem có thể can thiệp và thuyết phục các chị em khác trong gia đình không.


John Barry đã khéo léo “lobby” các thành viên khác trong “thị tộc” Trump. Tiền được cho mượn kèm theo giao kèo nếu như Donald không trả nổi thì sẽ được cấn vào phần chia trong tài sản của bố.


Trong những cơn nguy kịch nhất, gia đình luôn là nơi cứu nạn cho Donald dù rằng ông khẳng định không hề mượn gì từ tài sản của gia đình. Thập niên 90 mang lại đầy sóng gió cho Donald. Bố mẹ mất, ly dị với Ivana, cưới vợ 2 và ly dị tiếp để rồi sau đó, Donald làm việc mà bất cứ ai ở vị trí của ông cũng sẽ làm khi đối mặt với quá ít lựa chọn: tranh cử tổng thống Mỹ!


Tài sản tự tuyên bố


Donald còn nổi tiếng với giá trị tài sản tự tuyên bố mà không ai chứng minh được đó là tài sản thực.


Quen mặt nhất với chuyện này là tạp chí Forbes. Forbes đã quá quen thuộc với kiểu “lobby” liên tục của Donald mỗi lần công bố danh sách những người giàu nhất.


Peter Newcomb, một biên tập viên kỳ cựu phụ trách danh sách người giàu của Forbes, nói “Có vài gã gọi và nói rằng chúng tôi đánh giá thấp tài sản của các gã khác. Nhưng Donald là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về một nhân vật trong danh sách gọi thường xuyên để than phiền về vị trí của mình và cho rằng chúng tôi đã hạ thấp tài sản của họ xuống nhiều lần”.


Giá trị thực của đế chế mà Donald xây dựng thì khó mà xác định. Tạp chí Forbes số tháng 10/2007 ước tính tài sản ròng của Donald là 3 tỷ USD mà chưa tính tới giá trị của cái tên “Donald Trump,” thứ mà chính ông gọi là “thương hiệu nóng sốt nhất hành tinh”.


Donald hiếu chiến, đúng hơn là thích chiến đấu.


Ông đã kiện thị trấn Palm Beach ở Florida đòi 25 triệu đôla vì đã bắt ông hạ cây cột cờ cao 26 mét tại câu lạc bộ riêng của ông là Mar-A-Lago. Donald buộc tội chính quyền thị trấn quấy rối mình và số tiền thắng kiện sẽ được dành cho “cựu chiến binh chiến đấu tại Iraq”. Ông cho biết “Trong cuộc sống, có người là chiến binh, có người ôn hòa; có người chiến thắng, có kẻ chiến bại. Tôi vừa là chiến binh, vừa là người chiến thắng”.


Ông còn công kích nhiều người mà ông cảm thấy đã nói xấu hay xúc phạm mình. Đơn cử như người dẫn chương trình Rosie O’Donnell đã dám cười nhạo rằng ông đã phá sản hay trường hợp nhà báo Tim OBrien khi viết trong cuốn sách “Trump Nation” phát hành năm 2005 rằng có 3 nguồn tin ẩn danh tiết lộ tài sản ròng của Donald chỉ khoảng 150 triệu đôla.


Trước khi người hùng xe điện ngầm Wesley Autrey được nhắc ở đầu bài viết này đến nhận tấm séc, phó chủ tịch Rhona Graff hỏi Donald ông có muốn đám phóng viên vây quanh Wesley được phép vào luôn không. Donald đã trả lời “Mang hết họ vào”. Cô con gái 6 tuổi của Wesley sà vào lòng Donald. “Cháu có muốn giúp chú điều hành công việc không?” Donald âu yếm hỏi. Máy ảnh chớp liên tục.


Cả gia đình Wesley chụp chung với Donald và sau đó, ông chụp một mình với dáng vẻ quyết tâm quen thuộc và phía sau là đường chân trời Manhattan.


Khi mà Wesley Autrey và cả tập đoàn phóng viên ra về, Donald nói “Gã này thật hay”.


Mười nghìn USD đã được Donald Trump sử dụng hết sức hợp lý./.

Theo TTVH&Đàn Ông (Vietnam )
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.