Về việc đảo nợ, theo ông Bảo các doanh nghiệp không bị giảm số liệu về tín nhiệm, cách nhìn thực tế có giảm đi nhưng về mặt số liệu không giảm nhiều.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tính đến ngày 15/7 vừa qua tất cả các khoản lãi suất nợ cũ tại ngân hàng này đều đã xuống mức 15%/năm.

Riêng đối với các lĩnh vực vốn ưu tiên của Chính phủ, lãi suất trần tối đa là 13% với sản xuất nông thôn, xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ.

Vậy lợi nhuận của Agribank có bị giảm nhiều không, thưa ông?

Các khoản vay cũ được điều chỉnh về mức lãi suất mới, thấp hơn thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu là lợi nhuận của các ngân hàng. Từ đầu năm tới giờ có 5 lần hạ lãi suất từ 19% - 20% hạ xuống thấp hơn rất nhiều, thậm chí đối với lĩnh vực xuất khẩu lãi suất thấp nhất chỉ còn 10,5%.

Theo tính toán sơ bộ, việc giảm lãi suất làm doanh thu của chúng tôi giảm khoảng 8.500 tỷ đồng.

Nhưng tôi cho rằng, đây là cần thiết vì hoàn toàn phải chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Nếu lãi suất cao quá, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp không chịu nổi sẽ dễ dẫn tới phát sinh nợ xấu của ngân hàng.

Tuy nhiên lại có một tính toán cho rằng lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng cũng chỉ trên 10% và cho vay ra là 15% thì các ngân hàng vẫn chưa phải lo đến việc lỗ, bằng chứng là các ngân hàng vẫn liên tục báo lãi. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu so sánh mức chênh lệch 5- 6% như thế rất số học chứ không phải bài toàn kinh tế vì lãi suất huy động 9% chỉ là lãi suất ngắn hạn còn lãi suất trên 12 tháng thì lãi suất trên 10%, 11% (chiếm tỷ trọng tầm 24%).

Bên cạnh đó, các chi phí khác như: bảo hiểm tiền gửi, chi phí bắt buộc, chi phí kinh doanh, dự trữ thanh khoản 3% tổng nguồn huy động vốn, và khi rủi ro nền kinh tế càng cao thì dự phòng phải tăng lên, nên tỷ lệ lợi nhuận ròng của Agribank không quá lớn. Trong khi đó tổng tài sản của Agribank hiện nay là 550.000 tỷ.

Đó là còn chưa tính, ở một số khoản vay NHNN quy định lãi suất cho vay chỉ ở mức 13%, hay vay ưu đãi 11 - 12%. Ngoài ra, theo dự báo chỉ trong vòng 3 - 4 tháng nữa thì có tới 60% khoản vay cũ lãi suất sẽ về dưới 13%.

NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM phải cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, theo ông điều này có giúp được nhiều cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay hay không?

Trước đây, chúng tôi điều chỉnh kỳ hạn vay, thời hạn vay thì nhóm nợ sẽ khác ngay, nhưng hiện nay, dù điều chỉnh thì nhóm nợ vẫn không bị điều chỉnh. Do vậy, các doanh nghiệp không bị giảm số liệu về tín nhiệm, cách nhìn thực tế có giảm đi nhưng về mặt số liệu không giảm nhiều.

Hiện nay cái vướng là tài sản thế chấp hầu hết là bất động sản do giấy tờ hồ sơ đất đai không phù hợp với cơ chế pháp luật hiện nay.;

Hay với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản như: xi măng, sắt thép trước kia có chiến lược tăng trưởng tới 7- 8% còn hiện nay tăng trưởng chỉ còn 3 - 4%…

Gần đây, Văn bản 198 của Thống đốc cho vay nợ nhóm 1 - 2 có thể cho vay nợ mới để đảo nợ, còn với nhóm nơ 4-5 thì không được cho vay để che lấp thực trạng khó khăn - đây là những khoản nợ phản ánh thực chất của doanh nghiệp nên có che lấp thì rồi sẽ lộ ra.

Nếu ngân hàng không gia hạn, không cơ cấu lại nợ, đương nhiên ngân hàng phải xử lí vì doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và nợ đó đương nhiên sẽ bị “nhảy” sang nhóm nợ xấu.

Chính vì thế việc cơ cấu lại nợ là câu chuyện dứt khoát phải làm vì lợi ích cho cả đôi bên và thanh khoản cho cả nền kinh tế.

Theo báo cáo của ngân hàng, trong hệ thống luôn có khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng sẵn sàng cho vay với các doanh nghiệp tốt, lĩnh vực xuất khẩu với lãi suất chỉ 13-14%, nhưng trên thực tế thì doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận. Theo ông nguyên nhân tại sao?

Tôi cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý đến bối cảnh nền kinh tế đang chuyển từ phải triển theo bề rộng thành phát triển theo chiều sâu.

Nhưng cũng phải thấy rằng, câu chuyện về vốn và lãi suất chỉ là một yếu tố. Đầu tiên cần nói tới điều kiện thị trường, sức mua của người tiêu dùng đã tới giới hạn, do vậy cần mổ xẻ sâu hơn.

Với các nước nói chung kể cả Nhât, Đức, Đài Loan, hay các nước phát triển bao giờ cũng có chính sách hỗ trợ DNNVV. Ở Việt Nam cũng nên duy trì chính sách hỗ trợ DNNVV, đó phải là chính sách dài hạn của quốc gia vì đó là phần yếu thế của nền kinh tế, cần triển khai dài hạn và quan trọng là triển khai như thế nào để nó đi vào cuộc sống.

Vậy theo ông, những tháng còn lại của năm 2012 lãi suất sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Nhiều người kỳ vọng mức lãi suất 13 - 15% mới thực hiện thời gian ngắn và tới đây, dự báo cung cầu vốn sẽ tốt hơn thì khả năng lãi suất dưới 15% sẽ phổ biến trong 6 tháng cuối năm. Thậm chí, hiện nay chúng tôi đã phải hạ lãi suất xuống mức 10,5% , tất nhiên không phải tất cả các khách hàng đều được vay mức lãi suất này.

Lãi suất phải đảm bảo tính cân bằng của kinh tế vĩ mô, hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp. ví dụ năm 2005, lạm phát 8,4%, năm 2006 lạm phát 6,6% thì mức lãi suất huy động xoay quanh 8% và lãi suất cho vay ở tầm 12%.

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.