Gần 20 năm sản xuất thành công nhiều chương trình truyền hình, đột nhiên giữa năm 2017, CEO Khang KMedia - Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thành Vinh rơi vào bờ vực sinh tử. Sau khi vượt qua bóng đêm của thế giới bên kia, ông càng ngộ ra nhiều giá trị sống, triết lý kinh doanh và ấp ủ những dự án mới mang nhiều giá trị nhân văn cho cộng đồng.

CEO Khang KMedia - Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thành Vinh

Trước khi thành lập Công ty Khang Kmedia (KMedia) - ông Vũ Thành Vinh có 15 năm làm đạo diễn tại Đài Tuyền hình TP.HCM (HTV), được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và nhận được nhiều giải thưởng phim, phim ca nhạc tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam.

Với vai trò đạo diễn truyền hình, được tiếp cận, học hỏi và làm việc với các chuyên gia nước ngoài, nên khi các gameshow mua format từ nước ngoài ngày càng nhiều và độc chiếm sóng truyền hình Việt Nam, ông quyết định thành lập KMedia để thực hiện ước mơ sản xuất những chương trình truyền hình thuần Việt.

- Được làm điều mình ấp ủ và yêu thích, cảm nhận của ông sau hành trình khó khăn đã qua như thế nào?

Biến giấc mơ và khát vọng thành hiện thực là hành trình dài và không bao giờ dễ, vì vậy chặng đường khi được sản xuất các chương trình nghệ thuật, được thỏa mãn sự sáng tạo, đem lại niềm vui, những thông điệp sống có ý nghĩa cho công chúng, với tôi, đó là hạnh phúc vô hạn.

Trải qua hành trình khởi nghiệp, tôi luôn nhớ ngày trước, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc một khóa học quay phim, tôi hy vọng sẽ có việc làm và được trọng dụng. Nhưng đi đâu tôi cũng bị từ chối. Thay vì mất hy vọng, tôi lại tiếp tục thi vào khoa Đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM với suy nghĩ chỉ cần dám cất bước thì thế nào cũng sẽ tìm ra lối đi. Tốt nghiệp đạo diễn, tôi lại tiếp tục bị "trượt vỏ chuối" khi xin vào làm ở các hãng phim. Sau nhiều thăng trầm nhưng không ngừng hy vọng, tôi đã được vào làm việc tại HTV.

Năm 2014, rời HTV để thực hiện những dự án riêng, ở tuổi 38 tôi bước vào hành trình mới như một bạn trẻ mới lập nghiệp với chồng chất khó khăn, thậm chí có lúc hoài nghi tự hỏi quyết định của mình đúng hay sai.

Nhưng trong tôi có một sức mạnh luôn trỗi dậy, đó là ước mơ và không ngừng hy vọng, dù buổi đầu một mình làm đủ mọi thứ, từ format chương trình, đi tìm các nhà đài để hợp tác phát sóng, rồi đạo diễn hình ảnh, sản xuất, dàn dựng...

Sau chương trình đầu tay Cười xuyên Việt phát trên Đài Truyền hình Vĩnh Long đạt rating cao bất ngờ và nhiều chương trình mới, như Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Cùng nhau tỏa sáng, Ngôi sao phương Nam, Én vàng, Gương mặt điện ảnh cũng tạo được dấu ấn trên sóng truyền hình, tôi được giới nghệ sĩ, báo chí ưu ái đặt cho là "Ông trùm gameshow", "Ông trùm bolero", "Ông trùm truyền thông".

Kỳ lạ là mỗi ngày, dù áp lực công việc nặng nề nhưng tôi luôn cảm thấy khỏe và ý tưởng luôn tươi mới. Hai mươi năm trong nghề, tôi có thể khẳng định, làm nghệ thuật hoặc bất cứ nghề nào một cách chân chính thì để thành công chưa bao giờ là nhàn nhã.

- Trong các "ông trùm" ông vừa nhắc, ông thích gọi mình là "ông trùm" nào nhất?

Được gọi là "ông trùm" nghe to tát quá, tôi chỉ dám nhận mình, mà nhận cho vui thôi, là "Ông trùm truyền thông điệp". Bởi trách nhiệm lớn nhất của người làm nghệ thuật là làm sao chạm vào trái tim của khán giả, phải tạo ra những giá trị tốt đẹp ẩn chứa trong tác phẩm, những thông điệp tích cực về xã hội, gia đình, tình yêu thương, giá trị chân-thiện-mỹ để nâng tâm hồn con người và lây lan cái đẹp trong cộng đồng.

- Cái khó của người làm kinh doanh giải trí là vừa phải có chương trình tử tế, vừa phải kinh doanh được...

Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp kinh doanh giải trí là phải nuôi sống được doanh nghiệp và nhiều người cùng cộng tác, nên kinh doanh là phải có lợi nhuận. Song, không vì thế mà chúng tôi bị thị hiếu hay lợi nhuận chi phối. Mỗi sản phẩm làm ra, tôi đều xác định không thể chạy theo đồng tiền mà bỏ quên những giá trị tử tế.

Tuy nhiên, áp lực hiện nay của người làm truyền hình giải trí là khán giả đang có quá nhiều sự lựa chọn, chưa kể có quá nhiều chương trình na ná nhau đến bão hòa, nên người xem nhàm chán.

Nhiều lúc "sóng gió” trên thương trường làm cho những người làm nghề tử tế phải nản chí, và tôi cũng trong vòng quay đó, nhưng nhìn thấy khán giả xem chương trình mình sản xuất mà họ cười được, khóc được, sảng khoái được, đôi người suy ngẫm, đôi người chỉ đơn giản cười rồi thôi đã cho tôi có thêm sức mạnh và tiếp tục làm tốt hơn.

Đã có một số đối tác đề nghị góp vốn đầu tư vào KMedia nhưng tôi không đồng ý vì có thể công ty sẽ có nhiều lợi nhuận hơn nhưng con đường tôi đang đi sẽ bị chi phối, thậm chí lệch lạc.

Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp kinh doanh giải trí, là phải nuôi sống được doanh nghiệp và nhiều người cùng cộng tác, nên kinh doanh là phải có lợi nhuận.

Song, không vì thế mà chúng tôi bị thị hiếu hay lợi nhuận chi phối.

- Ông muốn gửi gắm thông điệp gì khi thực hiện cuốn sách Sự sống giá bao nhiêu?

Một ngày thu đẹp trời, đang ở tuổi 41 khỏe mạnh và phơi phới yêu đời, tôi nhập viện vì sốt và mệt mỏi. Ban đầu, tôi được chẩn đoán bị sốt siêu vi, sau đó là sốt xuất huyết. Một ngày sau, phổi của tôi bị "virus lạ” tấn công. Năm mươi phần trăm sự sống mất đi. Bốn mười tám giờ sau, tôi rơi vào nguy kịch. Ngày thứ nhất, thứ hai trôi đi trong mê man.

Đến ngày thứ ba, tôi chạm đến thế giới bên kia. Tôi bay vào một cõi vô định, phiêu dạt qua nhiều tầng mây và trôi mãi. Một sức mạnh kỳ dị kéo tôi đi khiến tôi không thể dừng lại. Nhưng phép màu đã đến. Tôi kịp quay trở lại cuộc sống.

Hành trình sinh tử ấy chỉ kéo dài khoảng 10 ngày nhưng khi chạm đến cái chết, và rồi được trao cơ hội sống lần thứ hai, tâm hồn tôi tựa như tấm kính bám bụi lâu ngày được gột rửa trong veo, tôi càng nhận ra giá trị của sự sống và muốn trao gửi những điều cảm nhận, lan tỏa những giá trị tích cực và tri ân những điều tốt đẹp qua tác phẩm Sự sống giá bao nhiêu? Hy vọng những trang sách này sẽ góp phần giúp bạn đọc nhận ra các giá trị đang hiện diện quanh mình, có thể truyền chút cảm hứng để vươn đến cuộc sống hạnh phúc, bình an và thành công hơn.

- Có sự thay đổi nào trong cách sống, công việc và ứng xử sau những điều ông ngộ ra không, thưa ông?

Tôi là người rất mê việc, lúc nào cũng đặt công việc lên trên và luôn áp đặt, hối thúc người cộng tác phải làm nhanh, chỉn chu mọi thứ, đôi lúc nóng giận vì những điều chưa hoàn hảo và sai sót. Giờ ngẫm lại, thấy trách nhiệm, nghiêm khắc trong công việc là cần nhưng không nên quá cứng nhắc. Khi nóng giận sẽ truyền đi năng lượng xấu, bản thân mệt mỏi, người đối diện không vui.

Bây giờ tôi đã thay đổi, đã có cách khác để truyền cảm hứng cho nhân viên, vẫn quyết liệt nhưng cười nhiều hơn, nhẹ nhàng hơn. Vì thế mà cộng sự cũng mạnh dạn chia sẻ với tôi nhiều hơn. Đó là liều thuốc màu nhiệm tôi có được, nên mỗi đêm tôi cảm thấy lòng thanh thản và dễ ngủ hơn.

- Rồi công việc?

Tôi dành thời gian để đọc sách, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình, tin tưởng trao quyền cho cộng sự, nhân viên. Nhưng tôi vẫn có nhiều thứ nữa phải làm vì trước nay, dù đã làm rất nhiều nhưng mới "đủ” chứ chưa "đầy". Cuộc sống hôm nay diễn ra quá nhanh, mỗi ngày đều có những điều tốt, điều xấu đan xen.

Chương trình Khoảnh khắc cuộc đời tôi đang ấp ủ sẽ xây dựng những nhân vật tích cực để tôn vinh và lan tỏa điều tốt đẹp, để thấy trong cái bộn bề, cái xấu, phần đông tuyệt đối vẫn sống tử tế. Tôi còn có ý tưởng lấy tựa cuốn sách Sự sống giá bao nhiêu? để làm một chương trình truyền hình mang tính xã hội.

- Ông nói, đối tượng đầu tiên để ông gửi tặng tác phẩm Sự sống giá bao nhiêu? là các bạn trẻ...

Tôi muốn tặng quyển sách ấy cho một số trường đại học vì tôi có ghi lại sự trải nghiệm thời trẻ để vươn lên. Tuổi thanh xuân của tôi là những giọt mồ hôi, là bùn đất lấm lem, là những công việc không liên quan đến ngành học nhưng tôi vẫn vui vẻ đón nhận và làm bằng tất cả khả năng. Bù lại, đó là những trải nghiệm quý giá giúp tôi hiểu giá trị của lao động chân chính, là những thước phim tư liệu giá trị cho công việc của tôi ngày hôm nay.

Nhiều sinh viên hiện nay ra trường lại ngại khó, ngại khổ, không chịu làm những việc không như mong muốn, lại có bạn ngộ nhận năng lực bản thân, đòi hỏi làm việc nhẹ mà lương cao. Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, chẳng hạn như đôi khi bước vào một lĩnh vực chưa từng học nhưng lại khởi đầu cho một tương lai tốt đẹp.

Thông điệp tôi muốn trao gửi là tuổi trẻ phải có ước mơ, hy vọng, nhưng đừng hão huyền mà phải bắt đầu bằng lao động. Lao động mới làm thay đổi cuộc sống. Vậy nên, mỗi sáng thức dậy, bạn không thể nằm trên giường để ước mơ mà phải nghĩ làm gì để đạt được ước mơ và sau đó là lao động tích cực.

- Cuộc sống hiện đại đang khiến không ít người mất đi sự gần gũi, sẻ chia những giá trị tốt đẹp. Ông có trăn trở về điều này?

Gia đình là nền tảng, là giá trị cốt lõi để mỗi con người lớn lên và trưởng thành. Khi cuộc đời gặp bão giông, gia đình chính là điểm tựa để mình đứng dậy đi tiếp. Thế nhưng trong vòng quay mưu sinh, có người chỉ ưu tiên cho những mối quan hệ công việc, xã hội mà bớt quan tâm, chăm sóc, chia sẻ với bố mẹ, anh chị em, thậm chí lười nói lời yêu thương.

Cứ nghĩ họ vẫn ở đó, luôn ở đó, có đi đâu mất mà lo. Và rồi, một ngày nào đó, sau những bộn bề công việc, quay về mái nhà xưa, thảng thốt nhận ra mái tóc mẹ cha đã bạc hết và thời gian bên cha mẹ chẳng còn bao lâu, nhận ra cha mẹ chỉ cần vài lời hỏi thăm, một cuộc điện thoại là đã hạnh phúc.

Quan niệm về gia đình của tôi là hướng đến giá trị bền vững. Ngày nay, một số giá trị gia đình, chuẩn mực truyền thống đang thay đổi. Mối quan tâm, chăm sóc dành cho gia đình bị suy giảm. Thành trì gia đình có nguy cơ bị lung lay bởi thiếu vắng sự chăm sóc, bảo vệ của mỗi người và sự "lên ngôi" của chủ nghĩa cá nhân.

Vì vậy trong nhiều chương trình KMedia sản xuất, tôi thường dành tâm huyết để truyền tải những thông điệp về giữ gìn những giá trị gia đình. Gìn giữ và vun đắp cho gia đình chính là vun đắp cho tương lai của đất nước, của xã hội vì gia đình có tốt thì mới mong xã hội tốt đẹp.

Mỗi khi nhận được tấm thiệp mời dự tiệc cưới, tôi rất vui vì sắp được chứng kiến thêm một sự kết hợp thiêng thiêng và trọng đại giữa hai con người. Nhưng tiếc thay, sự tan vỡ trong hôn nhân ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại. Tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu gia đình, hãy trân quý giá trị gia đình, bởi đó là nơi cho chúng ta yêu thương trọn đời...

- Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.