Sau nhiều năm hào hứng với danh vị doanh nhân, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều người ngộ ra rằng, nghiệp kinh doanh không dễ dàng và không dành cho tất cả.
Doanh nhân… bong bóng

Cuộc gặp chớp nhoáng với một khuôn mặt quen thuộc trong giới kinh doanh tại sảnh một khách sạn 5 sao kết thúc bằng đề nghị “hỗ trợ” tiền taxi. Hoá ra, con người từng ở đỉnh cao của tiền bạc không muốn quên đi cuộc sống hào nhoáng một thời. Bà vẫn thường xuyên đến những nơi đó, tự huyễn hoặc bằng những lời chào hỏi và rồi lại đơn độc bỏ đi trong sự thương cảm.

Bà không phải là người duy nhất ngã ngựa trong cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang gây sóng gió trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, song bà là số ít những người không giải thoát được mình khỏi cơn say, sau những vòng xoáy đầu cơ khi bong bóng thị trường bắt đầu vỡ.

Lúc này, khi trạng thái bất động của thị trường bất động sản đóng đinh nhiều doanh nhân vào những khoản nợ khổng lồ, mọi người bàn lại rằng, tính rủi ro cao của thị trường này được cảnh báo ngay từ những năm 2007-2008, khi giá đất tăng nhanh và vượt quá khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực. Song, vào thời điểm đó, chỉ cần có trong tay một vài dự án bất động sản, là mỗi sáng thức dậy, doanh nghiệp ung dung bỏ túi hàng chục tỷ đồng nhờ sự phi mã của giá cả và sự hào hứng của thị trường, thử hỏi người kinh doanh nào dửng dưng nổi.

Lỗi tại đâu?

Vào tháng 7/2012, khi Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hoà công khai khoản nợ ngắn hạn lên tới 1.226 tỷ đồng, nhiều người bất ngờ bởi đó chính là doanh nghiệp đứng đầu Bảng xếp hạng Tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2011, một thương hiệu lớn trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Thái Hoà vấp ngã bởi sự tăng trưởng quá nhanh, quá nóng dựa trên nguồn lực có hạn…

Chia sẻ về những câu chuyện thất bại trên thương trường, đáng buồn là đang khá phổ biến, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho biết, giới doanh nhân đang hoang mang và mệt mỏi, bởi chưa bao giờ khó khăn lại dồn nén như vậy. “Không thể đổ lỗi hết cho doanh nhân khi không bình tĩnh trước các cơ hội lớn. Ra đời muộn, doanh nhân Việt tìm mọi cách để tích tụ nhanh, để có thể cạnh tranh với các đối tác nước ngoài...”, ông Đoàn tâm tư.

Hơn thế, không ít doanh nhân phải đối mặt với áp lực của cổ đông trong đòi hỏi mở rộng cơ hội sinh sôi đồng vốn. Nhiều quyết định đầu tư được thực hiện trong sự dung túng của thị trường hơn là nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp.

Một cách khách quan, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận, nền kinh tế tăng trưởng nóng và mức cầu ảo từ bong bóng thị trường đã thúc đẩy và lôi kéo doanh nghiệp “chạy theo” và “ăn theo” những chính sách kích thích kinh tế của thời kỳ đó, nhất là trong ngành bất động sản và các ngành có liên quan.

Sàng lọc công bằng

Năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chọn chủ đề “Giữ vững niềm tin, vượt qua thách thức” cho Ngày Doanh nhân Việt Nam. Cộng đồng doanh nhân mong muốn chia sẻ và được chia sẻ những khó khăn mà những người lính thời bình phải gánh chịu khi giông bão.

ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư U&I muốn nhấn mạnh đến những doanh nhân bị loại khỏi cuộc chơi do những biến đổi bất lợi, khó lường của môi trường kinh doanh. “Không nên coi sự thất bại của những doanh nhân chân chính giống như sự ra đi của những người đi lên bằng quan hệ, bằng bong bóng thị trường. Vì vậy, tôi không muốn coi cuộc khủng hoảng này là đợt sàng lọc, mà là một giai đoạn khó khăn, để mọi người cùng chia sẻ và tìm được bài học cho mình”, ông Tín trao đổi.

Ở đây, trách nhiệm của Chính phủ rất lớn, bởi tiêu dùng và đầu tư thiếu thận trọng, quá mức thu nhập thực của nền kinh tế thời gian qua đã dẫn đến sai lệch về phân bổ nguồn lực trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế và ở từng doanh nghiệp. Để khôi phục và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, để tạo cơ hội và niềm tin cho doanh nhân, bước đi đầu tiên là thay đổi hệ thống động lực sai lệch trong phân bổ, sử dụng nguồn lực.

Có nghĩa là, môi trường kinh doanh cần những cơ chế, chính sách mới cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch hơn, đủ sức dẫn hướng cho lớp doanh nhân thực chất. Chỉ khi nhóm doanh nhân đầu cơ không còn đất sống, thì sự sàng lọc về chất với doanh nhân mới thực sự sòng phẳng và đúng nghĩa. Và niềm tin cho lớp doanh nhân chuyên nghiệp, có tầm nhìn và sức sáng tạo mới được gây dựng.

Theo Bảo Duy (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.