Cập nhật 30/05/2016 1:15 PM
Năm 2016, tổng cộng có 93% dòng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam, trong đó chủ yếu thuộc về hàng tiêu dùng sẽ về 0%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ ngoại hiện chiếm hơn 50% thị phần tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Với thực trạng trên, hàng Việt sẽ khó cạnh tranh nổi với các sản phẩm tương đồng đến từ các nước, đặc biệt hàng hóa có xuất xứ Thái Lan...
Sài Gòn Co.op, một trong số ít doanh nghiệp Việt đủ sức tham gia vào cuộc cạnh tranh với nhà đầu tư ngoại tại thị trường Việt Nam.
Với những bước đi thận trọng và có định hướng, trong thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã gặt hái được nhiều thành công tại thị trường Việt Nam.
Điển hình, nhà đầu tư Nhật Bản phát triển hệ thống Aeon và dự định sẽ nâng tổng số lên 20 trung tâm, nắm cổ phần tại Fivimart và Citimart. Nhà đầu tư Hàn Quốc có trong tay hệ thống Lotte và chuỗi cửa hàng tiện lợi...
Nhưng nổi đình nổi đám nhất, đó là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan khi đồng loạt nắm giữ trên 50 siêu thị, rất nhiều cửa hàng tiện lợi, trong đó có những thương hiệu lớn như Metro, BigC, Zalora...
Ngoài ra, các nhà đầu tư Thái cũng đã có những chiến dịch quảng bá rầm rộ những sản phẩm Thái Lan thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm cũng như bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách tăng chiết khấu cho các doanh nghiệp muốn đưa hàng Việt vào siêu thị do người Thái sở hữu.
Với những thương hiệu lớn của các đại gia ngoại đầu tư tại thị trường Việt Nam thì hiện nay chỉ có ít tên tuổi doanh nghiệp Việt lớn như Sài Gòn Co.op, Vingroup... mới đủ sức tham gia vào cuộc cạnh tranh. Nếu như tại các đô thị lớn, sản phẩm của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận người tiêu dùng Việt chủ yếu qua các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) thì tại các chợ truyền thống, theo ghi nhận của chúng tôi có rất ít sản phẩm có thương hiệu của doanh nghiệp Việt, phần lớn là hàng gia công của những đơn vị sản xuất nhỏ và tràn lan hàng Trung Quốc kém chất lượng.
Lý giải nguyên nhân vì sao tiểu thương ít bán hàng Việt tại chợ truyền thống, chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán quần áo tại chợ Tân Định (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hàng Việt có những nhược điểm như: mẫu mã hàng hóa chậm đổi mới, nhiều sản phẩm giá cao hơn hàng ngoại cùng loại. Hơn nữa phương thức thanh toán của doanh nghiệp Việt không linh hoạt. Tiểu thương muốn lấy hàng số lượng ít để thăm dò trước thị trường, nếu hút hàng sẽ đặt số lượng lớn nhưng doanh nghiệp nhất quyết không chịu. Yêu cầu tiểu thương đặt hàng phải số lượng lớn.
Trong khi đó, các đơn vị “chào” bán hàng Trung Quốc thì họ thường xuyên gặp gỡ trực tiếp với tiểu thương để tiếp thị sản phẩm mới, giao hàng theo số lượng yêu cầu của tiểu thương và đặc biệt là, tiểu thương nhận hàng trước trả tiền sau. Đó là những lý do khiến hàng Trung Quốc tại một số chợ truyền thống được tiểu thương lựa chọn thay thế hàng Việt để phân phối cho người tiêu dùng Việt.
Trên thực tế, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai từ nhiều năm qua và đã đạt hiệu quả khá cao tại hệ thống siêu thị, tỷ trọng hàng Việt đã tăng đáng kể lên 80 - 90%. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hàng Việt chưa nhiều và cũng chỉ tập trung ở một số mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam có hơn 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Điều đó cho thấy, chợ truyền thống và thị trường nông thôn được xem là “miền đất hứa” của hàng Việt nếu các doanh nghiệp biết khắc phục được các nhược điểm đang tồn tại.
Thuận lợi hơn nữa là hiện nay, người tiêu dùng có tâm lý không yên tâm khi sử dụng hàng Trung Quốc nên đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt khai thác thị phần này.
Để hàng Việt đến được tay người tiêu dùng, vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các tiểu thương. Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, vào thị trường nông thôn có thể xem là thị trường ngách của các doanh nghiệp Việt nhỏ và vừa không đủ sức đối đầu với các thương hiệu mạnh của các tập đoàn nước ngoài tại các đô thị lớn trong thời kỳ hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn của thế giới và nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á. Điều đó cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn đang là tiềm năng cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác. Nếu doanh nghiệp Việt không chuẩn bị ngay bây giờ thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là không tránh khỏi.
Thúy Hà (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….