Sử dụng các thuật ngữ khoa học để người nghe choáng ngợp; tạo nỗi sợ hãi về sự mất an toàn để nâng tầm sản phẩm của mình là các ‘chiêu’ nhiều doanh nghiệp đang tận dụng tối đa.

Nước mắm đun sôi vẫn chưa… hết vi khuẩn

Khái niệm nước mắm sạch, nước mắm bẩn bắt nguồn từ khi có sự xuất hiện của nước mắm Kabin - nước mắm được cho là ngon siêu sạch của Công ty cổ phần thực phẩm Hồng Phú.

Để ‘tâng’ sản phẩm của mình, clip quảng cáo của Kabin không tiếc lời vàng, ý ngọc. “Kabin là sản phẩm nước mắm sạch được ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT vào quá trình sản xuất (công nghệ chuyên dùng trong sản xuất sữa tiệt trùng), giúp khử sạch các vi khuẩn gây hại, bảo lưu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, mang lại sản phẩm nước mắm vệ sinh, an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”- trích lời quảng cáo.

Không kém cạnh, để quảng cáo nước mắm Chinsu Nam Ngư của Masan Food phát trong chương trình quảng trên Đài Truyền hình Việt Nam còn khiến người tiêu dùng hoang mang hơn.

Trong hình ảnh quảng cáo, người con nhìn bát nước mắm ngon muốn chấm, người mẹ ngăn lại vì “trong nước mắm vẫn còn vi khuẩn”. Cậu bé vặn lại: nước mắm đã đun sôi rồi thì người mẹ trả lời tiếp “ngay cả nước mắm đã đun sôi vẫn chưa hết sạch vi khuẩn”.

Đánh vào sự sợ hãi mất an toàn đối với thực phẩm mà người tiêu dùng lúc nào cũng canh cánh bên lòng, các doanh nghiệp càng nhấn hơn vào điểm này.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) bức xúc: đúng là vớ vẩn. Nếu là nước mắm đúng nghĩa nước mắm chắt thì không có vi khuẩn nào hết.

TS Thịnh phân tích, nước mắm vốn độ mặn rất cao nên ngay từ khi sản xuất ra nó đã được diệt khuẩn rồi. Trong xưởng sản xuất nước mắm ra, dạng nước mắm chắt – không có vi khuẩn vì quá mặn.

Do người tiêu dùng không thích nước mắm mặn nên nhiều doanh nghiệp lại tính đến chuyện pha loãng để giảm độ mặn. Sau đó pha thêm đạm thủy phân công nghiệp để đảm bảo hàm lượng đạm cao.

Lúc này do lượng muối thấp nên buộc phải thêm chất bảo quản để tránh hư hỏng. “Chính đây là yếu tố xuất hiện xu hướng nước mắm ‘an toàn – diệt khuẩn’ hay còn gọi là nước mắm sạch. Nói nước mắm sạch chẳng qua là hiện tượng pha chế rồi thêm chất bảo quản vào nước mắm”, TS Thịnh nói.

Nếu là nước mắm đạt chuẩn thì vốn bản thân nó đã không có vi khuẩn

Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003, nước mắm phải có hàm lượng muối nằm trong khoảng 245-290 g/L, hàm lượng đạm tổng số tối thiểu của nước mắm phải là 10gN/lít. Nước mắm không được có mặt các loài vi khuẩn gây bệnh.

Một số kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về nước mắm và các sản phẩm đạm thủy phân tương tự cho thấy, nếu nước mắm đạt các chỉ tiêu chất lượng nêu trên, các loài vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội tồn tại trong nước mắm trong khoảng thời gian bảo quản cho phép tương ứng với từng loại nước mắm, nhưng tối thiểu cũng phải từ 6 tháng trở lên.

Điều này có nghĩa, nước mắm đạt chuẩn bản thân nó đã không có vi khuẩn.

Đánh đố bằng thuật ngữ khoa học

Một quảng cáo về nước giải khát trà xanh suốt thời gian qua cũng ra rả trên truyền hình với thuật ngữ: “nguyên chất, sảng khoái, hàm lượng cao chất ECCG”.

Nếu không phải là nhà chuyên môn hay một nhà khoa học chuyên ngành hóa, khó mà biết chất EGCG là chất gì.

Theo GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, EGCG là viết tắt của hợp chất Epigallocatechin–3 – gallate là một trong bốn loại polyphenol được tìm thấy nhiều trong trà xanh, bao gồm epicatechin (EC), epigallocatechin (EGC), epicatechin –3 – gallate (ECG) và epigallocatechin–3 – gallate (EGCG).

Thuật ngữ EGCG được dùng để quảng cáo nước giải khát trà xanh

“Ngay các nhà khoa học trong làng hóa, nếu không đi sâu vào nghiên cứu hóa học các hợp chất thiên nhiên, các chất có hoạt tính sinh học thì cũng không thể biết EGCG là gì. Do vậy, trong quảng cáo sử dụng thuật ngữ này cũng chỉ là đánh đố người tiêu dùng”, TS Sung nói.

Theo TS Sung, sở dĩ hãng nước giải khát muốn sử dụng thuật ngữ EGCG là vì, các nghiên cứu đã chỉ ra trong trà xanh có hoạt chất này và có khả năng kháng ung thư. Thế nhưng, để đạt được công dụng đó sẽ phải là liều lượng lớn và chiết tách bằng công nghệ hiện đại chứ không phải chỉ có trong trà, uống nước trà là đủ.

“Nếu chỉ là nước giải khát thì cũng là quảng cáo cho hay mà thôi. Các nhà khoa học không bao giờ tin vào quảng cáo, người tiêu dùng cũng nên như vậy”, TS Sung chia sẻ.

Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh bức xúc: "Chất EGCG là chữ tào lao. Chất này có trong các loại trà xanh nhưng không phải có lợi nhiều lắm cho sức khỏe như quảng cáo. Trong khi đó, giá trị của một chai nước giải khát không hơn một cốc nước chè vì tinh chất trà xanh còn bị pha loãng. Thậm chí còn độc hại nếu sử dụng đường hóa học”, ông Thịnh bức xúc.

Làm thế nào để chấn chỉnh việc quảng cáo để người tiêu dùng không bị bịt mắt, móc túi như hiện nay là điều mà các nhà khoa học hết sức bức xúc.

“Các doanh nghiệp hết lạm dụng thuật ngữ khoa học rồi kết quả nghiên cứu khoa học là không tốt. Người dân chẳng biết đó là cái gì nên nhiều khi quá tin vào lời quảng cáo. Người tiêu dùng hãy thận trọng hơn để bảo vệ mình”, TS Sung cảnh báo.

Bích Ngọc (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.