Cập nhật 29/05/2021 8:15 PM
Cộng đồng doanh nghiệp tha thiết muốn cùng Chính phủ kết nối với các hãng, tìm nguồn cung và tự bỏ phí tiêm vaccine Covid-19.

Chia sẻ tại toà đàm giữa hiệp hội ngành hàng với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Đỗ Hồng Hạnh - thành viên Vitas cho biết, trong liên minh hiệp hội doanh nghiệp Việt - Mỹ có đơn vị sẵn sàng đứng ra kết nối với các hãng sản xuất vaccine. Họ cũng đảm bảo, chịu trách nhiệm đưa hàng về Việt Nam, sau khi vaccine được cơ quan y tế kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn mới thanh toán.

Bà Hạnh cho rằng, nếu Chính phủ mở ra cơ chế cho phép khu vực tư nhân (doanh nghiệp trong nước, FDI) tham gia cùng tìm, thương thảo và đàm phán mua thì quá trình tiếp cận vaccine của Việt Nam có thể sẽ nhanh hơn.

"Doanh nghiệp chia sẻ chi phí, tìm kiếm nguồn vaccine nhưng nguyên tắc xuyên suốt là Bộ Y tế kiểm định chất lượng, cấp phép lưu hành vaccine và triển khai các hoạt động liên quan tới tiêm chủng", bà nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhìn nhận, ngân sách khó có thể chi trả được hết cho mọi người dân, dù có sự đóng góp, ủng hộ từ các nguồn lực khác. Vì thế, ngoài chương trình tiêm miễn phí cho người dân, lao động thu nhập thấp..., Chính phủ nên cho phép xã hội hóa, tiêm vaccine trả phí với các đối tượng thu nhập cao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tập đoàn lớn tự nguyện trả chi phí tiêm vaccine cho nhân viên.

"Ngoài 110 triệu liều vaccine Chính phủ đã đặt mua, cho phép các doanh nghiệp tự tìm mua thêm các nguồn vaccine khác để nhanh chóng đạt được mục tiêu tiêm chủng toàn dân", ông Uy nói.

Nhắc tới trường hợp Indonesia khi nước này đang triển khai chương trình tiêm vaccine tư nhân song song và độc lập với chương trình tiêm của Chính phủ, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam cũng có thể học hỏi và áp dụng. Theo đó, doanh nghiệp có thể chủ động đàm phán để mua vaccine cho mình và hỗ trợ một phần cho Chính phủ.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, ngoài biện pháp 5K, xét nghiệm và khoanh vùng cách ly, thì vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất hiện nay. Các doanh nghiệp mong muốn được chung tay, "chia lửa" cùng Chính phủ, chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng cho người lao động.

"Với gần 3 triệu lao động ngành dệt may, chỉ cần bị giãn cách, ngừng sản xuất nửa tháng, hai mươi ngày thì hậu quả vô cùng lớn, coi như kế hoạch sản xuất cả năm bị "vỡ", ông Giang nói.

Với gần 150 lái xe, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, Công ty Delta đã phải chi vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm. Doanh thu sụt giảm, thậm chí nhiều tuyến vận tải "gần như không có doanh thu", trong khi doanh nghiệp phải gánh nhiều khoản chi phí phát sinh vì Covid-19, khiến các doanh nghiệp như Delta khó khăn trăm bề.

Ông Trần Đức Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta tha thiết, Chính phủ nên nghiên cứu, có cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia mua, tiêm vaccine trả phí bởi tính ra chi phí tiêm này rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Viện Pasteur TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, lực lượng tuyến đầu chống dịch cần được ưu tiên số 1. "Nhưng sau đó nên ưu tiên cho đối tượng công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp và nên cho phép doanh nghiệp tham gia mua, tìm nguồn vaccine hoặc tiêm vaccine tự trả chi phí".

Bà cũng lưu ý rằng, Nhà nước phải giữ vai trò điều tiết, thống nhất quản lý vaccine và giám sát quy trình tiêm chủng; còn doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kinh phí, đàm phán mua. Mặt khác, Chính phủ cần có sự thống nhất mẫu giấy chứng nhận vaccine, trao đổi với các quốc gia, để các bên công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine" này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao thương, vận chuyển hàng hoá và đi lại.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Uy, cần phân loại tiêm chủng theo mức độ ưu tiên dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, nguy cơ mắc bệnh và kinh tế. Ông Uy đề xuất chia các đối tượng cần tiêm theo 3 mức độ ưu tiên, vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát dịch bệnh tối đa, mà vẫn bảo vệ được kinh tế.

Một là, ở các khu công nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu có trên 500 lao động, ở tại các vùng có nguy cơ cao hoặc trung bình.

Hai là, khu công nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn ở nơi nguy cơ thấp, khu công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp cỡ trung ở vùng nguy cơ trung bình; các doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao. Ba là, các đối tượng còn lại.

Hôm qua (28/5), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long họp với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng Covid-19, việc tiêm chủng cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Các bên cũng bàn về cơ chế tiếp cận vaccine như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vaccine... Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.

Vaccine Covid-19 đang tiêm ở Việt Nam là của AstraZeneca. Đến nay, tổng số người được tiêm là hơn 1 triệu người, trong đó số được tiêm 2 mũi là 28.529 người.

Hoài Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….