Tháng 1/2021, xuất khẩu Hàn Quốc có tháng tăng thứ ba liên tiếp nhưng doanh nghiệp nhỏ chuyên phục vụ nội địa lại không được hưởng lợi gì.

Doanh nghiệp nhỏ chật vật

Cô Ko Bi-song hy vọng cuộc khủng hoảng y tế từng khiến việc làm ăn suýt sụp đổ sẽ trở thành nhân tố giúp doanh nghiệp của cô hồi phục sau này.

Trong suốt 14 năm qua, cô đã điều hành công ty Keumjung Tapgol Farm chuyên sản xuất hạt tiêu đỏ và tương đậu lên men – hai loại gia vị vốn được sử dụng rất nhiều trong các món ăn truyền thống Hàn Quốc. Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, doanh số bán hàng của doanh nghiệp cô giảm thê thảm bởi số lượng người ăn tối ở ngoài ít hơn và họ cũng giảm mạnh tặng quà nhau trong các dịp lễ.

Đồ họa về quy mô hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lớn và nhỏ ở Hàn Quốc. Đồ họa: Nikkei.

Công ty của cô nằm ở một khu vực ngoại ô yên tĩnh của thành phố Daejeon lớn thứ năm Hàn Quốc và đồng thời được mệnh danh "thung lũng Silicon" của nước này. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra quá nhiều khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ, công ty của cô cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương để có thể tồn tại.

Cô hy vọng việc làm ăn sẽ hồi phục nhờ vào "cú bật" tiêu dùng thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 khi nhiều người mạnh tay chi tiền cho các sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

"Tôi nghĩ tương lai sáng sủa với công ty bởi chúng tôi sản xuất các sản phẩm thực phẩm tốt cho sức khỏe và ngày một nhiều người quan tâm tới vấn đề này sau đại dịch Covid-19", ông Ko nói với Nikkei.

Đại dịch đã buộc cô phải suy nghĩ, tính toán thật nhiều cho tương lai: Một khi đủ an toàn, cô có kế hoạch sẽ tổ chức những sự kiện tại nông trại để giúp khách hàng có thể hiểu hơn về các sản phẩm truyền thống cao cấp của Hàn Quốc. Cô cũng đang cố gắng xây dựng các kênh xuất khẩu sản phẩm của mình.

Câu chuyện của doanh nghiệp cô Ko vốn hoạt động chủ yếu tại thị trường nội địa có thể coi như điển hình cho các doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Cũng như cô Ko, chính phủ Hàn Quốc đang chật vật tìm cách xây dựng mô hình kinh tế trụ được trong đại dịch và vẫn phát triển mạnh trong tương lai.

Không thể phủ nhận kinh tế Hàn Quốc đã vượt qua được cú sốc từ Covid-19 tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Thông qua nhiều đợt kích cầu chi tiêu, chính phủ Hàn Quốc đã hạn chế được đáng kể tốc độ suy giảm kinh tế. Năm 2020, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm 1%, mức suy giảm tồi tệ nhất tính từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.Tuy nhiên tình hình Hàn Quốc đỡ tồi tệ hơn rấtnhiều nền kinh tế phát triển khác.

Tháng 1/2021, xuất khẩu Hàn Quốc tăng 11,4% so với cùng kỳ và ghi nhận tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp. Cũng trong tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lập mức cao kỷ lục, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics, Emart hay SK Hynix công bố lợi nhuận quý IV/2020 cao vượt dự báo của giới chuyên gia.

Các chỉ số khác khác lại phát đi thông điệp bi quan hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc vào tháng 1/2021 chạm mức 5,4% - cao nhất trong 21 năm. So với cùng kỳ năm 2020, 982.000 việc làm biến mất khỏi thị trường lao động – con số tồi tệ nhất tính từ năm 1999.

Theo lý giải của Bộ Tài chính Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp chịu tác động nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội, ngành khách sạn, dịch vụ ăn uống và bán lẻ suy giảm nhiều nhất.

Nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn mà các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang phải đương đầu, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã tung ra 3 gói kích cầu quy mô hơn 27 tỷ USD.

Gói kích thích tài khóa của chính phủ Hàn Quốc dường như đã không khiến cho tiêu dùng cá nhân tăng lên trong khi đây chính là mục tiêu mà chính phủ Hàn Quốc đề ra để thu hẹp được khoảng cách giữa những tập đoàn kinh tế lớn đang chi phối nền kinh tế và nhóm nhiều doanh nghiệp nhỏ phát triển phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc mới đây công bố tiêu dùng cá nhân giảm 4,4% trong ba quý đầu của năm 2020, trong khi đó chi tiêu chính phủ tăng 5,8%.

Bất bình đẳng gia tăng

Trở lại thành phố Daejeon, nơi có dân số 1,46 triệu người, ai tới đây hẳn rất ấn tượng với nhiều tòa nhà của chính phủ cũng như tòa tháp văn phòng san sát nhau. Gần đó có trung tâm thương mại Galleria. Thế nhưng gần nhà ga tàu ở trung tâm thành phố, cảnh tượng giờ đây không được đẹp mắt lắm khi có hàng dài các quầy bán lẻ và đồ ăn vặt vắng lặng, bụi bám đầy các kệ hàng.

Những tháng gần đây, chính quyền nhiều địa phương đã cấm tụ tập nhiều hơn 4 người, yêu cầu các nhà hàng quán bar đóng cửa vào lúc 9h hoặc 10h tối, Vì vậy các cửa hàng nhỏ khó kinh doanh có lãi.

Một nhà hoạt động xã hội tại tổ chức Citizens' Coalition for Economic Justice, ông Lee Gwang-jin, nhận xét, những gì người ta có thể nhìn thấy ở thành phố Daejeon minh họa cho cuộc sống ở thành phố, chỉ có một số ít người có mối liên hệ với chính phủ hoặc các trường đại học làm ăn kinh doanh tốt, còn phần đông đang sống rất chật vật. "Tình trạng bất bình đẳng đang ngày một tồi tệ hơn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ thậm chí đang bên bờ vực phá sản kể cả từ trước đại dịch Covid-19", vị này nói.

Ông Yang Song-wu là chủ một phòng khám tư tại trung tâm thành phố Daejeon. Từ những ngày đầu của đại dịch đến nay, ông thấy số người có bệnh cao huyết áp và nhiều triệu chứng tinh thần bất ổn khác ngày một nhiều. Và khá đông trong số các bệnh nhân tìm đến ông là chủ doanh nghiệp nhỏ, ông Yang cho hay.

"Rất nhiều bệnh nhân của tôi đang điều hành doanh nghiệp nhỏ và họ thực sự đang vô cùng khó khăn. Họ quá căng thẳng đến không thể ngủ được, họ không thể mua được đồ ăn tươi sống tại siêu thị và buộc phải ăn đồ ăn nhanh từ cửa hàng tiện lợi, phòng tập gym đóng cửa vì vậy họ cũng chẳng thế luyện tập rèn luyện sức khỏe", ông Yang chia sẻ.

Để ngăn những tác động nặng nề về kinh tế, chính quyền Tổng thống Moon đang tính đưa thêm một gói kích thích kinh tế mới nhưng vẫn đang tiếp tục bất đồng với Bộ Tài chính nước này. Theo quan điểm của Bộ Tài chính Hàn Quốc, việc tăng cường chi tiêu sẽ chỉ khiến cho tình hình tài chính công tồi tệ hơn khi mà nợ vốn đã cao và doanh thu thuế tiếp tục sụt giảm.

Chính phủ Hàn Quốc từ nhiều năm qua đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và công nghệ tại thành phố Daejeon, ngân sách nhà nước lập riêng một quỹ để xây dựng công viên khởi nghiệp. Trong 5 năm qua, khoảng 47,5% ngân sách nghiên cứu & phát triển của chính phủ Hàn Quốc được dành cho Daejeon. Trong chuyến thăm vào năm 2019 đến Daejeon, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố thành phố này đi đầu về khoa học và công nghệ tại Hàn Quốc.

Cùng năm đó, thành phố Daejeon và thành phố Sejong gần đó công bố tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt đạt 3,3% và 6,7% - cao nhất so với các thành phố trong cùng khu vực. Bất chấp những con số ấn tượng trên, thanh niên tại thành phố vẫn thiếu việc làm.

Tại khu chợ truyền thống Yuseong ở phía Tây thành phố, có khu vực ngoài trời bày bán đủ loại sản phẩm hải sản và thịt trực tiếp từ nhà cung cấp. Trước khi hoạt động mua sắm trực tuyến và các trung tâm siêu thị phát triển nở rộ, các khu chợ như vậy là nơi mà phần lớn người Hàn Quốc mua thực phẩm. Giờ đây, tại phần lớn các thành phố, các khu chợ này thu hẹp mạnh về quy mô hoặc thậm chí biến mất.

Anh Lim Yong-ku kinh doanh cá khô tại chợ suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Tuy nhiên từ khi có đại dịch Covid-19, doanh số bán hàng của anh giảm đến 40%. Dù công việc kinh doanh đang rất khó khăn, anh vẫn có niềm tin vào tương lai: "Việc kinh doanh của tôi đang khó khăn nhưng rồi sẽ vẫn có thêm khách hàng. Ai mà chẳng cần phải ăn".

Diệu Thanh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.