Tình trạng doanh nghiệp tăng lãi sau kiểm toán hoặc tranh tra đang diễn ra ngày càng phổ biến khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại không nhỏ.

Tăng lãi sau khi bị “soi”

Trong các bài học “vỡ lòng” về chứng khoán, nhà đầu tư luôn được nhắc nhở với thị trường chứng khoán, thông tin là quan trọng nhất, thông tin quyết định tới thành bại sau mỗi phiên giao dịch. Tuy nhiên, thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại thiếu minh bạch và chính xác.

Hiện tượng doanh nghiệp tăng lãi sau kiểm toán hoặc tranh tra đang diễn ra ngày càng phổ biến.

Ngày 16/7, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) của Đoàn thanh tra Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính.

Sau khi điều chỉnh theo kết luận của đoàn thanh tra, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của BIC là 86,65 tỷ đồng, tăng so với số liệu báo cáo kiểm toán năm 2012 đã được công bố là 2,5 tỷ đồng.

BIC tăng lãi sau thanh tra

Đoàn thanh tra đã chỉ ra tới 12 bút toán doanh thu, chi phí trong năm 2012 cần điều chỉnh. Trong đó, thu phí bảo hiểm gốc, các khoản giảm trừ do tăng doanh thu và chi phí dự phòng IBNR phải điều chỉnh nhiều nhất. Các bút toán này lần lượt phải tăng 3,6 tỷ đồng, 3,6 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng.

BIC là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết bị thanh tra "sờ gáy" và phải điều chỉnh bút toán. Chưa tới mức thanh tra vào cuộc, trước BIC, hàng loạt doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế sau khi kiểm toán thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) là doanh nghiệp gây “ấn tượng” nhất khi liên tục phải thay đổi kết quả kinh doanh. Khoản lãi sau thuế của PVX ban đầu là con số dương 300 tỷ đồng, sau đó bị chuyển thành âm. Và một lần nữa, khoản lãi này lại được đính chính thành dương.

Bản báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 của PVX tiếp tục có vấn đề khi sau kiểm toán, PVX bất ngờ giảm lỗ gần 500 tỷ đồng. Kết quả là PVX “chỉ” còn lỗ 2.228 tỷ đồng.

Năm ngoái, rất nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau kiểm toán, Công ty cổ phần Đại lý Liên hiệp Vận chuyển – Gemadept (GMD) phải điều chỉnh lợi nhuận hợp nhất sau thuế tăng thêm 54 tỷ lên 204 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) gây sốc hơn khi lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán tăng gấp đôi. Cụ thể, lãi ròng hợp nhất ITA trong năm 2013 sau kiểm toán đạt 87 tỷ đồng, tăng 93% so với báo cáo tự lập của công ty.

Nhà đầu tư chịu thiệt hại

Tình trạng doanh nghiệp tăng lãi sau kiểm toán hoặc tranh tra chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đánh giá về tình trạng “giấu lãi” này ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Bộ phận Phân tích, công ty chứng khoán FPTS, cho biết trong báo cáo tài chính, có rất nhiều bút toán. Có bút toán được ghi nhận vào thời điểm này nhưng doanh nghiệp hiểu lầm lại ghi vào thời điểm khác nên dẫn đến sai lệch.

Ông Kiên phân tích, một doanh nghiệp có thể sai khoảng 2 hay 3 bút toán tuy nhiên phải điều chỉnh tới 12 bút toán như BIC thì “kể ra cũng hơi… nhiều”.

Theo ông Kiên, có trường hợp doanh nghiệp nhầm lẫn nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp cố tình ghi sai để phục vụ cho một mục đích nào đó. Nhưng dù doanh nghiệp vô tình hay cố ý thì sự sai lệch này vẫn ảnh hưởng tới cổ đông, nhà đầu tư.

Ông Kiên ví dụ trường hợp của PVX. Sau kiểm toán năm 2011, PVX được “chứng minh” có lãi. Kết quả này có thể ảnh hưởng không đáng kể tới doanh nghiệp khác nhưng với PVX, đó lại là “liều thuốc” hữu hiệu.

Ông Kiên phân tích, nhờ không lỗ năm 2011 nên PVX không lỗ 3 năm liên tiếp và thoát án hủy niêm yết. Thông tin này giúp PVX tăng từ hơn 2.000 đồng/CP lên hơn 4.000 đồng/CP. Nếu chỉ nhìn qua những con số này có thể thấy nhà đầu tư được lợi. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư đã phải gánh chịu thiệt hại vì sau khi bị báo lỗ, PVX giảm rất mạnh. Đà tăng trong thời gian qua chưa đủ sức bù đắp cho những gì cổ đông đã mất.

Hiện nay theo ghi nhận, không chỉ có hiện tượng sau kiểm toán, doanh nghiệp từ lỗ thành lãi mà còn có chiều ngược lại, từ lãi thành lỗ. Nếu doanh nghiệp bị điều chỉnh từ lãi thành lỗ, cổ đông sẽ bị ảnh hưởng đến quyền chia lợi nhuận, diễn biến giá cổ phiếu.

Nếu doanh nghiệp bị điều chỉnh lỗ thành lãi, doanh nghiệp có thể bị phạt, phải công bố thông tin. Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo. Như vậy, bản thân kế hoạch tài chính và uy tín của thương hiệu cũng bị ảnh hưởng.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới thành bại của nhà đầu tư. Vì vậy, thông tin không chính xác khiến nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư lướt sóng đưa ra quyết định mua bán sai lầm. Không ít người thua lỗ nặng chỉ vì giao dịch theo thông tin thiếu chính xác.

Theo ông Kiên, đây là điều không ai muốn. Nhà đầu tư cũng như cơ quan rất muốn hạn chế tình trạng này nhưng đây là trường hợp rất khó kiểm soát.

Bảo Linh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.