Ít nhất 1 nghìn tỷ USD của các quỹ dự trữ trên toàn cầu sẽ được đổi sang đồng nhân dân tệ nếu đồng tiền này chính thức có mặt trong rổ SDR của IMF.

Bloomberg đưa tin cho biết, đại diện của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra một “tín hiệu mạnh mẽ” cho việc đồng nhân dân tệ sẽ sớm trở thành một trong những đồng tiền dự trữ đặc biệt của IMF, theo nguồn tin từ một quan chức Trung Quốc.

Vậy việc nhân dân tệ bằm trong rổ tiền tệ SDR có ý nghĩa như thế nào đối với Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung?

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là gì?

SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế, được IMF tạo ra vào năm 1969 nhằm kích thích thanh khoản toàn cầu khi Hệ thống Bretton Woods bị xóa bỏ. SDR đóng vai trò như một yếu tố bổ sung cho những dạng dữ trữ (vàng, USD) sẵn có ở các quốc gia.

Về mặt kỹ thuật, SDR không phải là một loại tiền tệ và được định nghĩa như là "rổ tiền tệ của các đồng tiền quốc gia”. Các quốc gia thành viên của IMF có quyền chuyển đổi SDR thành bất kỳ loại tiền tệ nào trong rổ để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi cần thiết.

Số lượng của mỗi loại tiền tệ được tính trong rổ phụ thuộc vào tầm quan trọng của đồng tiền đó trong hệ thống tiền tệ và tài chính thế giới. Việc xác định số lượng của mỗi đồng tiền được ban quản trị IMF quyết định 5 năm 1 lần. Hiện tại có 4 loại tiền trong rổ đó là: euro, bảng Anh, yên Nhật và USD.

Giá trị hiện tại của SDR là bao nhiêu?

Hiện tại, có khoảng 280 tỷ USD (giá trị quy đổi tương đương) SDR được các thành viên của IMF nắm giữ trong tháng 9/2015, so với khoảng 11,3 nghìn tỷ USD của các quỹ dự trữ trên toàn cầu. Trong tháng 8/2015, Mỹ công bố báo cáo cho thấy quốc gia này nắm giữ 50 tỷ USD SRD.

Tại sao Trung Quốc muốn nhân dân tệ nằm trong rổ SDR đến vậy?

Trong bài phát biểu năm 2009, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho rằng, khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm nổi bật thêm nguy cơ của hệ thống tiền tệ toàn cầu, vốn chủ yếu dựa vào đồng tiền dự trữ của các quốc gia. Ông Chu nhấn mạnh rằng đồng SDR nên nắm vai trò là một loại ngoại tệ dự trữ đặc biệt và rổ tiền tệ này nên bao gồm đồng tiền của tất cả các nền kinh tế lớn.

Tại sao IMF lại muốn chấp nhận đồng nhân dân tệ?

Nhu cầu sử dụng nhân dân tệ trên toàn cầu đã tăng mạnh kể từ lần gần đây nhất IMF tiến hành xem xét lại rổ tiền tệ của mình vào năm 2010. Đồng nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ tư trong hoạt động thanh toán toàn cầu, với mức tăng 2,79% trong tháng 8/2015, vượt qua đồng yên, theo số liệu của SWIFT.

IMF sử dụng một số tiêu chuẩn để đánh giá một đồng tiền là “được tự do sử dụng”, yếu tố quyết định tới vị trí của đồng tiền trong rổ SDR. Một báo cáo của IMF trong tháng 8 cho thấy, đồng nhân dân tệ đã theo kịp các đồng tiền chủ chốt khác trong các tiêu chí chính. Tuy nhiên, báo cáo trên nhấn mạnh rằng hội đồng lãnh đạo cấp cao gồm 24 thành viên sẽ là những người đưa ra quyết định cuối cùng trong việc lựa chọn đồng tiền để đưa vào rổ SDR.

Rất nhiều các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Đức và Anh cho biết, họ sẵn sàng ủng hộ việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền SDR, nếu nó đáp ứng được các tiêu chí của IMF. Việc ủng hộ đồng nhân dân tệ có thể thắt chặt thêm mối quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia khác như Anh, bởi vương quốc này đang có ý định biến London trở thành trung tâm giao dịch bằng nhân dân tệ trên toàn cầu.

Điều gì xảy ra khi nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ?

Ít nhất 1 nghìn tỷ USD của các quỹ dự trữ trên toàn cầu sẽ được đổi sang đồng nhân dân tệ nếu đồng tiền này chính thức có mặt trong rổ SDR của IMF, theo Standard Chartered Plc và AXA Investment Managers.

Trái phiếu của các công ty nước ngoài được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, được biết đến với tên gọi Panda bonds, có thể vượt qua mức 50 tỷ USD trong 5 năm tới, theo số liệu từ International Finance Corp của Ngân hàng Thế giới.

“Một khi nhân dân tệ trở thành một phần của SDR, các ngân hàng trung ương cũng như các nhà quản lý quỹ đầu tư quốc tế sẽ lập tức muốn chuyển đổi một phần tài sản của mình sang nhân dân tệ. Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là trên thị trường tiền tệ”, Hua Jingdong, phó chủ tịch IFC cho biết.

Lam Phong (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.