Trong bài viết đăng trên tờ Financial Times, ông Dominic Scriven, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định rằng, năm 2013-2014 sẽ chứng kiến những chuyển biến tích cực mới đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ông Dominic Scriven dự báo rằng, năm 2013-2014 sẽ đem tới một bước ngoặt cho Việt Nam, và đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là một chiến lược thắng lợi.

VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

“Mấy năm gần đây là một quãng thời gian khó khăn đối với các nhà đầu tư ở Việt Nam. Lạm phát cao, hoạt động cho vay ồ ạt đối với những khu vực kinh tế kém hiệu quả - đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, đồng tiền mất giá, và tỷ lệ nợ xấu cao đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải nghĩ đi nghĩ lại về việc có nên rót vốn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vào ngày Chủ nhật này, năm mới âm lịch ở Việt Nam sẽ bắt đầu với những màn pháo hoa đẹp mắt, những chợ hoa rực rỡ, những bữa tiệc gia đình, cùng những hoạt động lễ hội đầy màu sắc. Năm con Rắn thường đến cùng với trọng tâm và kỷ luật. Đây sẽ là những yếu tố cần thiết nếu Chính phủ Việt Nam muốn tiếp tục giữ lời hứa về cải cách kinh tế.

Thời gian qua, các công ty trong nước đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về vốn tín dụng, các vụ phá sản, và sự khan hiếm tiền mặt. Tình trạng này đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái ảm đạm, có lúc giá trị giao dịch hàng ngày giảm còn dưới 20 triệu USD.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn có tất cả những yếu tố cần thiết để là một điểm đến hấp dẫn vốn đầu tư. Vào giữa năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã tỏ rõ quyết tâm giải quyết những vấn đề gây bất ổn trong nền kinh tế. Có thể xem đây như một bước ngoặt mặc dù mọi thứ ở thời điểm đó còn khó khăn và thị trường đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chủ trương này của Chính phủ.

Các lãnh đạo ngân hàng được triệu tập để giải trình hoạt động cho vay, và thị trường bất động sản bị để mặc trong thế chật vật.

Việt Nam thậm chí còn muốn thực hiện những thay đổi bị trì hoãn bấy lâu đối với vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Những thay đổi như vậy có thể đánh dấu một thời kỳ bước ngoặt trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, vào tháng 6 năm nay, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa ra một kế hoạch được cho là sẽ mở đường cho cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất kể từ khi chính sách Đổi mới được áp dụng vào năm 1986.

Trên phương diện kinh tế vĩ mô cũng có những chuyển biến đầy tích cực. Trong vòng 13 tháng qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 17 tỷ USD, nâng mức dự trữ ước tính lên 30-31 tỷ USD tính đến tháng 1 vừa qua, mức cao chưa từng có từ trước đến nay. Mức dự trữ này thậm chí vượt qua cả những dự báo lạc quan nhất.

Một vấn đề của Việt Nam trước đây là sự thiếu niềm tin của người dân vào đồng nội tệ và đồng VND liên tục mất giá, dẫn tới tình trạng các dòng vốn trong nước chuyển từ tiền đồng sang các tài sản khác. Tuy nhiên, trong năm 2012, tình thế đã thay đổi, ngày càng có nhiều người chuyển từ nắm giữ vàng và USD sang nắm giữ đồng nội tệ.

Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn nhằm làm giảm tình trạng “đôla hóa” trong nền kinh tế và tạo ra một hệ thống tiền tệ hiệu quả hơn, cho phép tỷ giá USD/VND giữ ổn định trong suốt gần 2 năm qua.

Những chuyển biến tích cực này rõ ràng đã để lại dấu ấn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với chỉ số VN-Index tăng 20% từ cuối năm 2012 tới nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu trở lại thị trường, và khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 1 đã đạt mức 87 triệu USD.

Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài có thể là đối tượng được hưởng lợi từ một động thái nhằm mở cửa thị trường rộng hơn, trong đó Chính phủ Việt Nam đang xem xét đề xuất tăng trần sở hữu cho khối ngoại thêm 10%. Hiện tại, mức trần của khối ngoại là 30% đối với các ngân hàng và 49% đối với doanh nghiệp niêm yết thuộc các ngành khác.

Nợ xấu đến nay là một vấn đề đáng lo ngại và mức nợ xấu thực tế vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi. Các con số chính thức cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam dao động trong khoảng 8-10%. Tuy nhiên, các tổ chức độc lập cho rằng, con số này phải là 13-15%, trong đó chủ yếu liên quan tới các thị trường bất động sản. Xét tới mức độ thế chấp và khả năng hồi phục của các khoản vay này, dự kiến Việt Nam sẽ cần tới khoảng 7 tỷ USD để giải quyết vấn đề nợ xấu.

Chính phủ Việt Nam dự kiến giải quyết khối nợ xấu bằng cách thành lập một công ty quản lý tài sản. Công ty này sẽ gom nợ xấu từ các ngân hàng, đổi lại sẽ cung cấp trái phiếu cho các ngân hàng để các dùng làm tài sản thế chấp nhằm tạo thanh khoản.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến tung ra một gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản, trong đó miễn giảm thuế và cho vay lãi suất thấp đối với các dự án nhà ở xã hội và căn hộ nhỏ, đồng thời có thể nới lỏng các quy định về người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Trong trung hạn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ chậm lại khi mà Việt Nam thực hiện các biện pháp giải quyết thách thức cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cánh cửa tái cơ cấu đã mở ra. Chúng tôi dự báo rằng, năm 2013-2014 sẽ đem tới một bước ngoặt cho Việt Nam, và đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là một chiến lược thắng lợi. Cho dù đã tăng điểm mạnh thời gian qua, giá cổ phiếu Việt Nam vẫn còn khá rẻ so với các thị trường khác trong khu vực.

Theo quan niệm của người Việt Nam, rắn đến nhà là điềm tốt, báo hiệu gia đình đó sẽ ăn nên làm ra. Và nếu điều này là đúng, năm con Rắn có thể sẽ mở ra một thời kỳ tăng trưởng mạnh tiếp theo cho kinh tế Việt Nam”.

An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.