Dẫu thấy sóng cả vẫn vững tay chèo chính là bản lĩnh của những “thuyền trưởng” trong cơn đại hồng thủy COVID.

Cũng cần khẳng định rằng, thành công của họ là cả một quá trình dài nỗ lực bất chấp những thử thách và sóng gió phía trước. Không chỉ sở hữu khối tài sản khổng lồ, những doanh nhân này còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam và được thế giới vinh danh.

Ông PHẠM NHẬT VƯỢNG Chủ tịch Tập đoàn VINGROUP

Trong những ngày đầu chống đại dịch, Vingroup hỗ trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu vaccine đề kháng virus, 100 tỷ đồng bổ sung các trang thiết bị cho các bệnh viện, quyết định tài trợ 1 chuyến bay đưa hơn 200 người Việt từ Ukraina về lại quê hương. Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư sản xuất tặng nhà nước 5.000 máy thở phòng chống dịch COVID -19.

Về mặt chiến lược, Vingroup khẳng định COVID cơ hội để Vingroup thực hiện triệt để nguyên tắc “5 Hóa” trong mọi hoạt động kinh doanh, đó là Hạt nhân hóa - Chuẩn hóa - Đơn giản hóa - Tự động hóa - Hiệu quả hóa, trong đó nguyên tắc “Chia sẻ hóa” được thay bằng “Hiệu quả hóa” từ năm 2020, nhằm nâng cao yếu tố con người, hiệu quả kinh doanh và chuẩn hóa quy trình quản trị. Năm 2020, Vingroup cũng đẩy mạnh công cuộc Chuyển đổi số, hướng đến việc xây dựng một nền tảng thống nhất, lấy công nghệ số làm nền móng.

Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Chủ tịch Tập đoàn HÒA PHÁT

Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh rằng: “Hòa Phát phải làm cái gì nhiều, số lượng lớn, thô nên trong ngắn hạn không nghĩ đến làm thép cho ô tô. Bao giờ sản lượng trong nước phải bằng Thái Lan thì Hòa Phát mới nghĩ đến”.

Chiến lược “làm số lượng lớn” được ông Long đề cập xuyên suốt trong thời gian qua. Chẳng hạn như câu hỏi tại sao Hòa Phát quyết định làm thép cuộn cáp nóng (HRC), ông Long cho biết năm 2019, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 11 triệu tấn HRC, trong đó Formosa chiếm 4 triệu tấn. Dây chuyền của Hòa Phát tối đa 3 triệu tấn, nghĩa là tổng cầu lớn hơn tổng cung.

“Một ngành mà chỉ có 2 đơn vị sản xuất thì quá ít. Các ngành khác hàng nghìn doanh nghiệp cạnh tranh nhau”, ông Long nói.

Ông TRẦN BÁ DƯƠNG, Chủ tịch THACO

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, cho hay dù giữa bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Với lợi thế về cơ khí, logistics, ông Dương mua cổ phần của Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Hùng Vương của “vua cá tra” Hùng Vương, Dương Ngọc Minh… Ông chủ Thaco tự tin đại dịch COVID-19 rồi sẽ trị được. Đặc biệt, khi Trung Quốc hết dịch, nhu cầu cung ứng các mặt hàng của ngành nông nghiệp sẽ rất lớn. Vì thế, đây sẽ là ngành xuất khẩu chủ lực của kinh tế Việt Nam sau dịch bệnh.

Ông NGUYỄN ĐĂNG QUANG, Chủ tịch Tập đoàn MASAN

Trong khó khăn, các tỉ phú đang tiên phong tìm giải pháp, hướng đi mới sẵn sàng vượt lên đại dịch. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho biết để hạn chế tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, sốt giá, các nhà máy chế biến thực phẩm của doanh nghiệp chạy hết công suất, đặc biệt là thịt heo. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là thời cơ rất tốt để thúc đẩy thương mại điện tử. “Tập đoàn đang có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà vẫn được phục vụ, chứ không cần trực tiếp đến siêu thị”, ông Quang nói.

Trong 6 tháng đầu năm, tuy nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi Covid-19 nhưng nhờ hàng loạt hợp đồng xuất khẩu đã ký và đang triển khai, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk cán mốc 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ 2019. Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã có lần nói rằng, Vinamilk phải vượt qua vòng kiểm tra chất lượng khắt khe của nước bạn, thậm chí một số tiêu chí còn khó hơn chuẩn quốc tế. Đó là kết quả của phép thử Vinamilk dành cho chiến lược của mình khi đặt những bước chân đầu tiên vươn ra thế giới.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến nay đã đạt 2,2 tỷ USD, với 54 quốc gia, vùng lãnh thổ mà thương hiệu này đã đặt chân đến.

Bà MAI KIỀU LIÊN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VINAMILK

“Thực tế đã chứng minh, trong thời kỳ khủng hoảng thì nông nghiệp lại là ngành cứu cánh cho nền kinh tế”, bà Thái Hương khẳng định. Bà Hương cho biết doanh nghiệp cũng cam kết sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng lộ trình, giải pháp chinh phục các thị trường này. TH sẽ thực hiện thí điểm việc kết nối một số chuỗi giá trị gắn với một số thị trường mục tiêu hoàn thành doanh nghiệp làm trụ cột dẫn dắt nông dân phát triển theo chuẩn khép kính.

Doanh nghiệp cũng sẽ đồng hành cùng Chính phủ xây dựng các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp cho mô hình kinh tế tư nhân trên cơ sở để tham vấn mô hình đã thành công trong khu vực và trên thế giới.

Bà THÁI HƯƠNG, Chủ tịch TH

Trong tâm bão, BRG đã nhanh chóng chuyển hướng trọng tâm từ những mảng còn đang gặp khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ,… sang các mảng có nhiều điểm sáng như bán lẻ, sản xuất nông nghiệp, khẩu trang, dược phẩm.

Từ những ngày đầu của tháng 4, khi cả nước thiết lập trạng thái giãn cách, tập đoàn đã mở mới 10 siêu thị Hapro Food thuộc BRGMart tại các địa điểm trung tâm Hà Nội. Các siêu thị này cam kết luôn ổn định về nguồn hàng và giá cả.

Không chỉ bán lẻ, đáp ứng lời kêu gọi tăng cường nguồn cung khẩu trang trong mùa dịch bệnh, BRG cũng đang tăng tốc sản xuất nhằm cung cấp ra thị trường các khẩu trang vải kháng khuẩn chất lượng cao, giá hợp lý.

Bên cạnh đó, BRG cũng đẩy mạnh kênh phân phối, bán hàng online, miễn phí vận chuyển trong vòng 5km nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Bà NGUYỄN THỊ NGA, Chủ tịch Tập đoàn BRG

Là điển hình tiêu biểu của Phát triển bền vững tại Việt Nam, Traphaco luôn hướng tới phát triển nền kinh tế xanh với 3 mục tiêu: Hiệu quả kinh tế cao gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Ba trụ cột này được hiện thực hóa bằng Chuỗi giá trị xanh: từ nguyên liệu đầu vào chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế - công nghệ sản xuất dược thông minh - hệ thống phân phối sâu rộng - sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả, an toàn.

Đến thời điểm hiện tại, Traphaco đã từng bước thành công trong «4.0» hoá toàn diện doanh nghiệp, trước tiên bằng việc chuẩn bị tư duy 4.0 cho tất cả các hoạt động kinh doanh, đến mạnh dạn đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng qui trình từ sản phẩm - hệ thống phân phối - truyền thông và xu hướng bán hàng online.

Bà VŨ THỊ THUẬN, Chủ tịch HĐQT TRAPHACO

Người đứng đầu hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát, đã triển khai gấp rút những chuyến bay “giải cứu” hành khách. Nhiều chuyến bay miễn phí, nhiều đoàn khách miễn phí, rất nhiều các chuyến bay không tải một chiều, đưa người dân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… về lại quê hương.

Khách quốc tế được giải tỏa về nước, không ai bị kẹt lại. Chi phí bù lỗ cho những chuyến bay này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt là nỗ lực để đảm bảo an toàn bay lẫn phòng chống dịch của phi hành đoàn và hãng hàng không.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO, CEO VIETJET AIR

Trong làn sóng tác động của COVID-19 lần 2, có đến 180 cửa hàng của Tập đoàn Thế Giới Di Động bị đóng cửa hoặc hoạt động khó khăn trong một khoảng thời gian ngắn bởi nằm trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Thế nhưng, ở một sự diễn tiến khác, mô hình cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ vừa mới được triển khai trong thời gian đã có kết quả tích cực giúp cho “ông lớn” bán lẻ này bù đắp được sự thâm hụt về tăng trưởng. Mô hình Điện Máy Xanh siêu nhỏ với diện tích khoảng 120-150m2 ra đời vào tháng 7 vừa qua được ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 23% so với mức khoảng 21% của các cửa hàng Thế giới di động và Điện Máy Xanh hiện hữu. Đây là một quân bài quan trọng của tập đoàn này khi kết quả kinh doanh của nhóm sản phẩm điện tử, điện thoại vẫn tăng trưởng âm.

Ông NGUYỄN ĐỨC TÀI, Chủ tịch HĐQT THẾ GIỚI DI ĐỘNG

Tại thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, Affi ma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt do ông Phan Minh

Tâm sáng lập và hiện đang là chủ tịch HĐQT. Siêu Việt Group hiện đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Con số này đã khẳng định tiềm năng của một startup công nghệ mới nổi.

Bằng cách tận dụng hệ sinh thái của STI bao gồm công nghệ, phương tiện kỹ thuật số và tiếp thị số, Siêu Việt của Phan Minh Tâm sẽ thật sự bùng phá nhờ khoản đầu tư này. Công ty cho biết sẽ dùng khoản đầu tư để mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.

Ông PHAN MINH TÂM, Chủ tịch HĐQT SIÊU VIỆT

F88 - chuỗi cho vay cầm cố tài sản tại Việt Nam thông báo nhận thêm 140 tỷ đồng (6 triệu USD) trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ ba từ hai quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak với định giá gần 2.100 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Với nguồn vốn mới, các startup đều kỳ vọng tăng trưởng khả quan và chiến lược chung của các startup là dùng khoản đầu tư này để mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.

Ông PHÙNG ANH TUẤN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty F88

OnPoint, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (E-commerce Enabler) hàng đầu Việt Nam gọi vốn thành công số tiền lên đến 8 triệu USD tại vòng Series. Đây là một trong những vòng gọi vốn Series A lớn nhất tại Việt Nam trong thời gian gần đây, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Thương mại điện tử là tương lai của ngành bán lẻ tại Việt Nam và dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng theo cấp số nhân trong tương lại gần. Bằng việc chuyên môn hóa và tận dụng giải pháp công nghệ cao, OnPoint là lời giải cho các thương hiệu muốn định hướng lại chiến lược trực tuyến, đồng thời hướng đến mức phát triển cao hơn trong kênh thương mại điện tử.

Ông TRẦN VŨ QUANG, Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc ONPOINT

Chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas với 12 cụm rạp và gần 60 rạp chiếu trên toàn quốc cũng vừa công bố thỏa thuận góp vốn trị giá 8 triệu USD từ quỹ đầu tư Nhật Bản - Daiwa PI Partners. Với thỏa thuận này, công ty đạt được mức định giá là 1.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Quang Minh cũng tiết lộ: “Với khoản đầu tư vừa được rót vốn, Beta sẽ mở thêm rạp phim và cán mốc 50 rạp chiếu phim trên toàn quốc trong vài năm tới. Song song đó, công ty sẽ cải thiện nhiều dịch vụ tại rạp phim để phục vụ khách hàng. Đây cũng là đòn bẩy để công ty phát triển mạnh hơn trên thị trường ở phân khúc rạp phim giá rẻ. Ngoài ra, hãng sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phát hành phim và sản xuất phim”.

Ông BÙI QUANG MINH, CEO BETA MEDIA

PV (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.