Với "ý đồ" buộc ngân hàng vào các công ty tài chính, mũi tên của NHNN đang nhắm đến 3 đích

Tính đến nay, đã có 4 thương vụ M&A thành công giữa ngân hàng và công ty tài chính. Ảnh: Trường Nikon

Sau thương vụ hợp nhất giữa Công ty Tài chính dầu khí (PVF) và Ngân hàng Phương Tây vào cuối năm 2013, ít ai nghĩ rằng thị trường sẽ lại xuất hiện nhiều thương vụ tương tự giữa hai loại định chế tài chính có đối tượng khách hàng khác nhau này. Nếu ngày trước, các công ty tài chính được thành lập theo phong trào, ngày nay chính các công ty này có vẻ như cũng đang được rao bán theo phong trào. Làn sóng này được cho là có căn nguyên từ một quy định trong dự thảo mới ban hành của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đằng sau đó còn những lý do khác.

Làn sóng mua lại Công ty tài chính

Tiếp bước thương vụ HDBank mua 100% vốn Công ty Tài chính Việt - SG, VPBank mua đứt Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam và thương vụ tăng tỉ lệ sở hữu ở Công ty tài chính dệt may lên hơn 75%, nhiều ngân hàng khác cũng đang xúc tiến mua lại một công ty tài chính. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương mua lại công ty tài chính của các ngân hàng gồm Techcombank với Tài chính Hóa chất, SHB với Tài chính Vinaconex - Viettel và Maritime Bank với Tài chính Dệt may.

Một điểm dễ nhận thấy ở các thương vụ này là ngoại trừ Công ty Tài chính Việt - SG thuộc sở hữu nước ngoài, số còn lại đều thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà nước. Hầu hết những công ty này được thành lập ở giai đoạn trước năm 2008, thời điểm nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, đang tăng trưởng nóng.

Một điểm chung đáng chú ý khác là có vẻ như các ngân hàng đang nhắm đến công ty tài chính mà mình có góp vốn sở hữu. Chẳng hạn như Techcombank sở hữu 10% vốn của Tài chính Hóa chất, hay Maritime Bank sở hữu 11% vốn của Tài chính Dệt may.

Có lẽ sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới còn thêm nhiều thương vụ tương tự xuất hiện, mà trong đó yếu tố sở hữu ban đầu có thể đóng vai trò quyết định. Hiện tại, có nhiều ngân hàng đang sở hữu một phần công ty tài chính, hoặc có mối quan hệ mật thiết với tập đoàn, như mối quan hệ giữa Tài chính Điện lực và Ngân hàng An Bình (sở hữu 8,4%), Tài chính Sông Đà và Ngân hàng Quân Đội (sở hữu 11%), Tài chính Xi măng và Vietcombank (sở hữu 10,82%).

Ở một khía cạnh khác, các bên của thương vụ của VPBank và HDBank lại không thấy có mối quan hệ lẫn nhau. VPBank mua lại 100% vốn điều lệ của Tài chính Than - Khoáng Sản từ Vinacomin, trong khi HDBank mua lại từ tập đoàn tài chính Pháp Société Générale. Thị trường vẫn còn khá nhiều công ty thuộc sở hữu 100% của tập đoàn nhà nước như Tài chính Handico, Tài chính Bưu Điện, Tài chính Cao Su… và những công ty này có thể nằm trong tầm ngắm sắp tới của các ngân hàng.

Vậy đâu là lý do khiến những ngân hàng này lại đẩy mạnh việc mua lại các công ty tài chính đến vậy? Ở thời điểm VPBank và HDBank đi mua công ty tài chính, thị trường có lẽ không nghĩ xa hơn việc mục tiêu mua bán - sáp nhập (M&A) của các ngân hàng là hướng đến chuyên môn hóa trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng (nhất là sau Nghị định 39/2014 của Chính phủ cho phép các công ty tài chính có thể phát hành thẻ tín dụng, tức là hoạt động bán lẻ của ngân hàng thương mại).

Tuy nhiên, hiện nay có lẽ đã khác, nhiều người sẽ nghĩ các ngân hàng này đã đón đầu thành công chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, nếu một điều khoản trong dự thảo thông tư mới được thông qua. Cụ thể là quy định buộc các ngân hàng phải sở hữu một công ty tài chính nếu hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Khi đưa ra quy định này, một ý định của Ngân hàng Nhà nước là muốn các ngân hàng tách hẳn hoạt động cho vay tiêu dùng nhiều rủi ro (vốn hướng tới đối tượng có thu nhập thấp, không đủ điểm tín dụng để vay ngân hàng) ra khỏi các hoạt động nội bảng của ngân hàng. “Điều này cũng tương tự như việc tách các công ty chứng khoán, công ty bất động sản ra khỏi ngân hàng vậy”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói.

Một động cơ khác của Ngân hàng Nhà nước là thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng. Việc đưa ra một quy định chưa có tiền lệ trên thế giới sẽ giúp các ngân hàng tập trung vào nhóm đối tượng mà trước nay hầu hết các ngân hàng bỏ qua vì nó quá manh mún, nhỏ lẻ so với quy mô hoạt động của ngân hàng.

Quy định trong dự thảo này được đánh giá là nhằm “luật hóa” những khuyến khích trước đây của các cơ quan quản lý. Cụ thể, hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5342 khuyến khích các ngân hàng tăng cường khả năng cho vay không đảm bảo bằng tài sản, cải thiện thủ tục cho vay theo hướng đơn giản. Đến tháng 8, Chính phủ cũng ban hành chỉ thị số 25 khuyến khích ngân hàng cho vay tín chấp.

Trong khi vẫn còn nghi ngại về khả năng trở thành hiện thực của quy định này thì những thương vụ M&A trong thực tế vẫn đang diễn ra và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Và đối tượng bị tác động không chỉ là ngân hàng mà còn là các công ty tài chính và những tập đoàn đang sở hữu các công ty tài chính đó.

Một mũi tên trúng 3 đích

Có thể xem quy định trong dự thảo này là một mũi tên của Ngân hàng Nhà nước nhắm đến cả ba đối tượng: ngân hàng, công ty tài chính và tập đoàn nhà nước. Ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng, rõ ràng những đợt sáp nhập này cũng giúp tái cấu trúc lại các công ty tài chính và giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn.

Trên thực tế, tái cấu trúc công ty tài chính cũng là một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của Chính phủ, dù nó chỉ là vài dòng chung chung. Dường như các ngân hàng đang được “tận dụng” trong hoạt động tái cấu trúc này, có lẽ vì đây là định chế với hoạt động gần như tương đồng nhau, dễ tích hợp vào nhau hơn.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, nên tách biệt hai loại định chế này ra thay vì gộp lại. “Càng chia nhỏ các tổ chức tài chính càng tốt vì sẽ giảm rủi ro và tăng tính cạnh tranh”, ông nói. Bên cạnh đó, có vẻ như Ngân hàng Nhà nước muốn ngân hàng thương mại giám sát các công ty tài chính thay mình. “Có chăng Ngân hàng Nhà nước chuyển trách nhiệm giám sát của mình sang cho ngân hàng thương mại”, ông Giang nói thêm.

Dù không nhiều công ty tài chính công bố số liệu cụ thể và minh bạch trên thị trường, nhưng theo số liệu NCĐT thu thập được, tình hình kém khả quan nhất có lẽ là Tài chính Bưu điện, Tài chính Tàu thủy và Tài chính Cao su với vốn chủ sở hữu đã ở mức âm tính đến hết quý I/2014. Trong đó, Tài chính Tàu thủy (trực thuộc Vinashin) âm vốn nặng nhất, lên tới 4.800 tỉ đồng. Sở dĩ vốn chủ sở hữu của các công ty chuyên đi cho vay giảm là vì cấn trừ vào nợ xấu.

Những công ty khác cũng có tỉ lệ nợ xấu tăng đáng kể. Chẳng hạn, tại Tài chính Xi măng, theo báo cáo bán niên 2014, tỉ lệ nợ xấu vào thời điểm cuối quý II/2014 khoảng 9,65%, tương ứng với nợ xấu nhóm 3, 4 và 5 khoảng 13 tỉ đồng và có hơn 48 tỉ đồng tách riêng đang chờ xử lý nợ trên tổng dư nợ cho vay hơn 636 tỉ đồng. Đặc biệt, trong tổng dư nợ này chưa tính đến khoản 155 tỉ đồng cho 4 công ty vay vẫn đang xử lý bằng tài sản đảm bảo và trích lập dự phòng.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tỉ lệ nợ xấu của các công ty tài chính và cho thuê tài chính lần lượt ở mức 21,96% và 37,53%, mức cao nhất trong ngành tài chính.

Cần lưu ý thêm rằng hoạt động của các công ty tài chính thuộc tập đoàn không hẳn tập trung vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, mà chủ yếu là đem đi đầu tư, mua lại những công ty khác nhằm kiếm mức sinh lợi cao. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường Việt Nam lại không mấy thuận lợi với giới đầu tư. Ngay cả các ngân hàng, vốn là định chế chuyên nghiệp hơn trong hoạt động cho vay và chịu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý, cũng có những khoản nợ xấu lớn, chứ đừng nói đến các công ty tài chính gần như không có cơ chế giám sát, theo đánh giá của ông Tuấn, Fulbright.

Một mũi tên khác mà Ngân hàng Nhà nước hướng đến có lẽ là hỗ trợ các tập đoàn thoái vốn khỏi các công ty tài chính theo chủ trương thoái vốn ngoài ngành giai đoạn 2014-2015 của Chính Phủ. Trước đây, thương vụ sáp nhập giữa Tài chính Dầu khí (PVF) có một điểm lợi là giảm tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 78% xuống còn 52%. Trong khi đó, theo thông cáo báo chí của Vinacomin khi bán hết vốn ở Tài chính Than - Khoáng sản cho VPBank thì lý do chủ yếu là để thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước đang là một vấn đề nóng, khi còn vướng mắc ở nhiều khâu, nhất là giá bán. Tuy nhiên, theo Quyết định 51/2014 (có hiệu lực từ đầu tháng 11 này) của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn nhà nước đã được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách.

Hiện tại, việc thoái vốn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được đánh giá là đang khá chậm. Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến tháng 6.2014, tỉ lệ thoái vốn ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng mới chỉ ước khoảng 8,8% trên tổng giá trị vốn đã được thoái, trong khi năm 2013, tỉ lệ này lên đến 75%.

Nỗi lo sở hữu chéo

Có vẻ như đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là các tập đoàn được thoái vốn. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi một rào cản gia nhập ngành xuất hiện dưới dạng một quy định hành chính. Dù quy mô vốn đòi hỏi của một công ty tài chính chỉ ở mức 500 tỉ đồng là không quá lớn so với các ngân hàng thương mại, nhưng đó cũng là một thách thức đặt ra trong bối cảnh ngành ngân hàng đang gặp khó trong việc tăng vốn.

“Các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ khó đáp ứng yêu cầu khi phải thành lập hay mua lại công ty tài chính. Rõ ràng, sân chơi cho vay tiêu dùng dành riêng cho một nhóm đối tượng khách hàng thuộc về các ngân hàng thương mại có quy mô vốn lớn”, ông Nguyễn Văn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Bán lẻ của Ngân hàng SCB, nhận xét.

Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, thì cho rằng dù hướng đi là đúng nhưng dự thảo về công ty tài chính cần được làm rõ hơn.

Một câu hỏi khác cũng được nhiều người quan tâm là các ngân hàng, vốn đang chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và cũng đang gặp rắc rối với vấn đề nợ xấu, liệu có là đối tượng thích hợp để đi tái cấu trúc một định chế tài chính có nợ xấu cao? Bản thân các ngân hàng đang có những trục trặc riêng và việc buộc xử lý trục trặc của một tổ chức khác sẽ khiến ngân hàng đó mất đi một phần nguồn lực có thể sử dụng để tái cấu trúc cho mình.

Có một sự trùng hợp tình cờ là thị trường hiện có khoảng 16 công ty tài chính (chưa tính đến các công ty cho thuê tài chính) đang hoạt động, theo website của Ngân hàng Nhà nước. Cùng lúc đó, định hướng của cơ quan quản lý là sẽ chỉ có khoảng 15-17 ngân hàng còn tồn tại trong thời gian tới. Tuy nhiên, “điều quan trọng ở đây không phải là số lượng tổ chức tài chính, mà là nhiệm vụ làm trung gian phân bổ vốn trong nền kinh tế có được cải thiện hay không”, ông Tuấn, Fulbright, cho biết.

Trên thực tế, các công ty tài chính có nhiều khoản đầu tư khác nhau ở các công ty, và một khi các công ty này thuộc sở hữu của ngân hàng, ông Tuấn lo ngại tình trạng sở hữu chéo có thể gia tăng. Một trong những tác hại của sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng đã được chứng minh trong thời gian qua, đó là cho vay sân sau và cho vay theo chỉ định.

Việt Dũng (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.