Hệ thống y tế vùng nông thôn Ấn Độ có nguy cơ thất thủ vì Covid-19 khi người lao động nhập cư tháo chạy khỏi thành phố.

Người lao động nhập cư ùn ùn đổ đến các nhà ga xe buýt, tàu hoả, trốn chạy khỏi phong toả ở các thành phố lớn để trở về làng quê của họ. Y bác sĩ ở vùng nông thôn Ấn Độ hiểu rõ rất nhiều lao động nhập cư về quê, mang theo chủng Covid-19 đang tàn phá các đô thị Ấn Độ, dẫn tới số ca nhiễm theo ngày không ngừng gia tăng và số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Lao động nhập cư tại bến xe khách ở Ghaziabad, ngoại ô New Delhi để về quê, sau khi chính quyền Delhi ban lệnh phong tỏa dài 6 ngày để hạn chế Covid-19, hôm 20/4. Ảnh: Reuters

Tại các vùng nông thôn bang Tây Bengal, nơi giới chính trị đang tổ chức các cuộc vận động tranh cử kéo dài tới hết tuần này, con số lây nhiễm bắt đầu gia tăng.

"Rất ít bệnh viện ở đây bây giờ còn giường trống, một số từ chối nhận bệnh nhân, dù họ có ốm nặng thế nào", một bác sĩ tại bệnh viện chính phủ ở Birbhum, huyện có 3,5 triệu dân tại Kolkata, phía bắc bang, cho biết hôm 23/4.

"Chỗ tôi làm việc ghi nhận lượng bệnh nhân báo cáo khó thở và các triệu chứng khác liên quan tới Covid-19 tăng gấp ba lần trong hai hoặc ba tuần qua".

Ngay cả tại những thành phố lớn của Ấn Độ, quy mô thảm khốc của làn sóng Covid-19 thứ hai cũng bị che khuất bởi thiếu dữ liệu thống kê hoặc cố tình thống kê sai. Vùng nông thôn, nơi sinh sống của hơn 800 triệu người Ấn Độ, bức tranh còn u ám hơn.

Khảo sát từ làn sóng Covid-19 đầu tiên cho thấy người dân nông thôn ở một số vùng tại bang Karrnataka có tỷ lệ kháng thể tương đương người dân thành thị, dù họ sống tại cộng đồng mật độ dân số thấp hơn.

Con số tử vong cũng vậy, được cho là chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca tử vong thực tế vì Covid-19 tại Ấn Độ, nơi phần lớn người dân nông thôn chết tại nhà, không khai báo với chính quyền hoặc chết vì những nguyên nhân mơ hồ như tuổi già, đau tim. Con số này bây giờ cũng giống như làn sóng đầu tiên, bị đánh giá thấp hơn so với số thực tế.

"Một lượng lớn người bị bệnh có triệu chứng Covid-19 nằm ở nhà, không được xét nghiệm virus", Samirul Islam, chủ tịch Bangla Sanskriti Mancha, một tổ chức xã hội làm việc nhằm nâng cao nhận thức y tế ở nông thôn Tây Bengal, nói. "Chỉ bệnh nhân có triệu chứng khó thở nặng mới được đưa tới viện. Một lượng lớn người nhiễm bệnh vẫn chưa bị phát hiện".

Số liệu thống kê chính thức cho thấy số ca nhiễm trong tháng ở Birbhum từ 42 người hồi tháng 2, đã tăng lên gấp ba lần trong tháng sau đó, và tăng lên tới 4.762 người tính đến 21/4. Theo xu hướng này, số ca nhiễm sẽ vượt 13.000 vào cuối tháng, quá sức điều trị của 80 bệnh viện nhà nước và trung tâm y tế.

Người bác sĩ giấu tên ở trên cho hay anh báo cáo mọi ca tử vong vì Covid-19 trong bệnh viện của mình cho chính quyền, nhưng đa số người ốm trong khu vực chẳng bao giờ được nhập viện.

"Số ca nhiễm thực tế trong khu vực của tôi cao gấp 5-10 lần con số bệnh viện báo cáo", anh nói.

Người nhà bệnh nhân Covid-19 xếp hàng chờ lấy oxy ở New Delhi hôm 23/4. Ảnh: PTI

Chính quyền đang củng cố nguồn cung oxy, thuốc men, giường bệnh ở khu vực nông thôn Ấn Độ, theo Manas Gumta, bác sĩ kiêm tổng thư ký Hiệp hội Y sĩ tại Tây Bengal.

"Cơ sở hạ tầng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của làn sóng Covid-19 thứ hai", ông nói. "Khoảng ba tháng trước, chúng tôi đều ý thức được tín hiệu của làn sóng thứ hai đang ập đến và sẽ gây hậu quả nặng nề".

"Lẽ ra chúng ta phải dùng những tháng đó để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hiện chính quyền bang và chính phủ liên bang đang cố nâng cấp cơ sở hạ tầng, sau khi làn sóng này ảnh hưởng nặng nề tới bang. Việc này giống như lấy nước dập lửa sau khi hỏa hoạn đã bùng to".

Nguyên nhân khiến virus lây lan rộng rãi là sự thiếu hiểu biết về tính nguy hiểm của nó. "Dù virus hoành hành khắp đất nước, nhưng người dân ở các vùng nông thôn phần lớn không hiểu về nó. Nhiều làng trong huyện có tới 95% người dân đi lại nơi công cộng mà không đeo khẩu trang", Islam nói.

"Tất cả các chuyên gia y tế quanh chúng tôi đều cảnh báo làn sóng thứ hai này có thể tàn phá nặng nề vùng nông thôn Birbhum vào những tuần tới".

Hồng Hạnh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.