Cập nhật 22/03/2013 1:11 PM
Các tên tuổi lớn như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai hay BIDV... đều đang hướng tầm mắt tới các thị trường ngoại quốc, trong đó khu vực Đông Nam Á được xem là lựa chọn ưu tiên.

Gây chú ý nhất trong thời gian gần đây là kế hoạch xuất ngoại làm ăn của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG). Tổng vốn đầu tư nước ngoài của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tại Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar lên đến 1,3 tỷ USD.

Bầu Đức chính thức đầu tư vào Lào từ năm 2007 ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Hiện, Lào là thị trường thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của Hoàng Anh Gia Lai với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD.

Hoàng Anh Gia Lai đã mang máy móc thiết bị qua Myanmar để phục vụ thi công. Ảnh: Vũ Lê

Sau Lào, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục mở rộng sang thị trường Campuchia năm 2008. Tập đoàn này có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, còn có 2 mỏ sắt, nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách nhau khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam khoảng 40km. Tổng số vốn mà Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD.

Thái Lan là thị trường thứ 3 mà bầu Đức ngấp nghé. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc Hoàng Anh Gia Lai đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.

Đến năm 2012, Hoàng Anh Gia Lai chính thức xâm nhập thị trường Myanmar sau nhiều năm thăm dò khảo sát và chuẩn bị pháp lý. Tập đoàn này đầu tư 300 triệu USD xây dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre. Đây là khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp tại cố đô Yangon. Dự án thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm.

Thị trường Myanmar với cơ sở hạ tầng còn hạn chế đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vũ Lê

Trước Hoàng Anh Gia Lai, một công ty bất động sản khác cũng âm thầm xâm nhập thị trường Myanmar. Năm 2009, C.T Group khai phá thị trường Myanmar và có nhiều dự án đang hoặc sắp triển khai tại đây với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 170 triệu USD.

Trong quý III/2013, C.T Group dự kiến triển khai xây dựng 2 dự án tại Yangon trị giá 150 triệu USD. Tổng diện tích hai dự án khoảng 14.000m2, là khu phức hợp gồm Trung tâm thương mại, Văn phòng cho thuê, Khách sạn, Căn hộ cao cấp...

Cùng với bất động sản, năm 2013, C.T Group sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất bột mì vốn đầu tư 20 triệu USD, nhà máy sản xuất mỳ ăn liền tại Myanmar trị giá 3 triệu USD. Ngoài Myanmar, C.T Group đang lập kế hoạch triển khai xây dựng trung tâm phân phối hàng Việt tại Osaka - Nhật Bản.

Viettel xem Châu Phi mảnh đất đầy tiềm năng. Ảnh: Viettel

Cùng với các doanh nghiệp tư nhân, năm 2006, một tập đoàn nhà nước là Viettel đã có những bước đi trước tiên đầu tư sang các nước trên bán đảo Đông Dương, với hai thương hiệu là Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào.

Hiện, Tập đoàn Viễn thông quân đội đã chính thức kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại 4 thị trường Campuchia, Lào, Haiti và Mozambique và năm nay sẽ khai trương tại Peru và Đông Timor. Cùng với thị trường Cameroon vừa được cấp phép đầu tư, Viettel đang xin cấp phép mới tại Nigieria, Burkina Faso, Myanmar và Cuba. Trong đó, Châu Phi là thị trường tiềm năng mà tập đoàn này muốn tập trung khai thác. Năm 2011, lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của Viettel là 40 triệu USD lợi nhuận. Năm 2012, con số lãi dự kiến tăng gấp đôi.

Hầu hết thị trường Viettel chọn là các nước đang phát triển. Nhìn nhận về cơ hội tại những nơi này, theo đại diện nhà mạng quân đội, tập đoàn thường xuyên phải đối diện với khoảng 30 nhà đầu tư viễn thông quốc tế, trong đó Viettel là "nghèo nhất". Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng chính kinh nghiệm kinh doanh tại những thị trường đang phát triển như Việt Nam mới là lợi thế để cạnh tranh.

Nhiều ngân hàng tại Việt Nam xem Campuchia "vùng đất hứa". Ảnh: C.H

Chính sự ra quân ồ ạt của các doanh nghiệp lớn tại nước ngoài cũng thúc đẩy các ngân hàng vươn tay tới các thị trường này nhiều hơn. Lào, Campuchia được xem là "vùng đất hứa" hiện nay của phần lớn các nhà băng như BIDV, Sacombank, SHB, Ngân hàng Quân đội... "Khi các doanh nghiệp nở rộ sang Lào, Campuchia làm ăn, việc quản lý dòng tài chính cho họ là một cơ hội lớn, bên cạnh dịch vụ nhận kiều hối", tổng giám đốc một ngân hàng có chi nhánh tại Lào cho biết.

Trong khi đó, tại châu Âu, Vietinbank cũng đã mở 2 chi nhánh tại Đức. Lãnh đạo một trong những ngân hàng cổ phần đầu tiên vươn ra nước ngoài thừa nhận: "Hiện mới chỉ có khối quốc doanh mở chi nhánh ở châu Âu còn ngân hàng cổ phần thì hầu như chưa vươn xa và chủ yếu tham gia các thị trường như Lào, Campuchia".

Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cho rằng tại các địa bàn này, 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào có giao thương khá thuận lợi, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nên cơ hội đầu tư là khả quan. Phần lớn Sacombank sử dụng người bản xứ, nhân viên người Việt Nam chỉ khoảng vài chục người và chiếm các vị trí chủ chốt.

Theo Vũ Thanh Hàn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….