Cập nhật 15/10/2020 4:11 PM
Từng là cha đẻ, ông chủ của những công ty, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu ngành nhưng vì nhiều lý do khác nhau những người này đã bất ngờ từ bỏ hoặc để mất “đứa con” nghìn tỷ mà họ đã dành tâm huyết cả đời để xây dựng, gắn bó.

Ông chủ Coteccons chấp nhận ra đi sau 17 năm gầy dựng công ty

Ngày 5/10/2020, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã công bố đơn từ nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Bá Dương. Ông Nguyễn Bá Dương xin từ chức Chủ tịch và từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Coteccons từ ngày 2/10. Trong đơn từ nhiệm của mình, ông Dương cho biết: "Vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể sắp xếp công việc, đóng góp được những điều tốt nhất cho Coteccons".

Ông Nguyễn Bá Dương đã từ nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons sau 17 năm gắn bó

Quyết định ra đi của ông Nguyễn Bá Dương cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp cùng thời của ông tại Coteccons đã chấm dứt cuộc chiến nội bộ dai dẳng nhiều năm qua tại doanh nghiệp này liên quan đến những mâu thuẫn trong nội bộ công ty khởi nguồn khi kết quả kinh doanh bắt đầu đi xuống từ năm 2017.

Ông Nguyễn Bá Dương, sinh năm 1959, không là chỉ người sáng lập mà còn là "thuyền trưởng" của Coteccons từ những ngày đầu. Ông là một trong năm cổ đông sáng lập của Coteccons, khi công ty này được thành lập năm 2004 từ quá trình cổ phần hóa một đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FiCO). Đồng thời, ông cũng giữ vị trí Tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ những ngày đầu thành lập.

Trong hơn 17 năm, ông Dương cùng đội ngũ của mình đã đưa Coteccons trở thành một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam khi thắng nhiều hợp đồng giá trị vài nghìn tỷ như SC Vivo City, Masteri Thảo Điền, Landmark 81... Đỉnh điểm năm 2017, doanh thu công ty vượt trên 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lập kỷ lục 1.650 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt gần 15.000 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu hơn 8.400 tỷ. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm ngoái lần lượt đạt 23.730 tỷ đồng và 890 tỷ đồng.

Trong thư chia tay sau khi từ chức, ông Dương cho rằng, ai cũng có cảm giác chần chừ, không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro nhưng nếu không đương đầu với thách thức sẽ không thể lớn lên được: “Mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn”.

“Vua gỗ” Võ Trường Thành hết duyên nợ với chính “con đẻ”

Nhiều năm qua, câu chuyện về ông chủ Gỗ Trường Thành tốn không ít giấy mực của báo giới. Là “cha đẻ” của một doanh nghiệp gỗ lớn mạnh, được đánh giá là “vua gỗ”, ông Võ Trường Thành lần lượt bị miễn nhiệm khỏi chức vụ chủ tịch công ty và cuối cùng phải bàn giao “con đẻ” cho người khác.

Ông Võ Trường Thành “đắng cay” rời bỏ sự nghiệp cả đời tại Gỗ Trường Thành

Ngày 25/8/2020, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) thông báo, ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn (con trai ông Thành) đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với tập đoàn này được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Như vậy, 3 năm kể từ ngày hai bên thỏa thuận khắc phục hậu quả, nhà sáng lập thương hiệu Gỗ Trường Thành cuối cùng cũng đã khép lại “duyên nợ” với tập đoàn này sau khi khắc phục xong hậu quả do quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, âm vốn…

Ông Võ Trường Thành thành lập Công ty Gỗ Trường Thành năm 1993 tại Đắk Lắk. Năm 2000, công ty thâu tóm nhà máy Vinaprimart, bước vào thời kỳ huy hoàng trong kinh doanh, nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn rót vốn vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư lớn trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2008 khiến công ty bắt đầu gặp khó khăn, nhất là mặt tài chính do hàng tồn kho và dư nợ vay cao. Doanh thu “vua gỗ” một thời này lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2012 và mọi nỗ lực tái cấu trúc đổ bể khi công ty vướng bê bối hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng năm 2016. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành đã lên gần 2.100 tỷ đồng.

Vua cáp treo Lê Viết Lam bất ngờ rời “ghế nóng” tập đoàn Sun Group

Thông tin từ Sun Group cho biết, tập đoàn này bất ngờ thay vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/1/2019.

Theo đó, ông Lê Viết Lam đã rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Sun Group. Thay thế cho ông Lê Viết Lam ở vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Minh Trường, nguyên là Tổng giám đốc của Tập đoàn này. Và người được lựa chọn thay thế vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn do ông Trường để lại là bà Bùi Thị Thanh Hương - nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Tài chính – Chiến lược của TPBank từ tháng 9/2014 đến 10/2018.

Việc ông Lê Viết Lam rời ghế Chủ tịch HĐQT để trở thành Chủ tịch Hội đồng sáng lập là điều khá bất ngờ cho giới doanh nhân bởi từ khi rời Đông Âu về Việt Nam đầu tư đến nay, ông Lê Viết Lam được biết đến như “linh hồn”của Sun Group.

Cựu Chủ tịch Sun Group sinh năm 1969 tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1987, sau một năm học khoa Cơ khí năng lượng dệt tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông Lam được cử sang Nga học tập theo chương trình đào tạo của Nhà nước và lấy bằng thạc sĩ tại Moscow. Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ Moscow, ông Lam cùng một vài người bạn thành lập mô hình kinh doanh nhỏ tại Kharkov. Ngoài ra ông Lam còn giữ chức chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Sau khi về nước, ông Lê Viết Lam gắn với Sun Group, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng với nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam. Hiện nay 4 lĩnh vực chính của tập đoàn là: Du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản, và đầu tư hạ tầng.

“Cha đẻ” Vinaxuki gán nhà máy trả nợ cho giấc mơ ô tô Việt

Nhiều năm qua, câu chuyện của ông Bùi Ngọc Huyên – “Cha đẻ” của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) phải gán nhà máy để trả nợ các khoản vay ngân hàng cho giấc mơ ô tô Việt khiến nhiều người phải ngậm ngùi.

Vinaxuki của đại gia một thời Bùi Ngọc Huyên là nhà sản xuất ôtô đầu tiên tại Việt Nam.

Cùng với Trường Hải, Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên chính là một trong hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất các loại ô tô và phụ tùng ô tô. Nhà máy đầu tiên của Vinaxuki được khởi công tại Vĩnh Phúc năm 2004 với công suất 20.000 xe/năm. Trong suốt 5 năm 2004 – 2009, Vinaxuki là thương hiệu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp xe tải và xe bán tải. Tại nhà máy này đã sản xuất được trên 20 dòng xe tải, 3 dòng xe con với mức lãi tốt, trong đó có năm mức lãi cao nhất lên đến 160 tỷ đồng.

Năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra. Hàng nghìn ô tô tải lắp ráp xong để đấy vì ế ẩm, giá xe giảm dẫn đến lợi nhuận giảm dần. Đến 2012, lần đầu tiên sau 20 năm kinh doanh, ông Huyên lỗ 45 tỷ đồng. “Đây cũng là lúc tôi hoàn thành giai đoạn nghiên cứu sản xuất xe con với mục tiêu nội địa hoá trên 40%. Đầu tư xong 13 nhà máy đặt tại nhiều tỉnh, thuê các kỹ sư nước ngoài về chuyển giao công nghệ. Làm ra một mẫu xe 8 chỗ và 2 mẫu xe 5 chỗ. Chạy thử thành công và chuẩn bị đưa vào sản xuất. Đúng lúc đó thì các ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động”, ông Huyên từng chia sẻ.

Đến năm 2014 cả ba nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động khi các ngân hàng liên tục tìm cách xiết nợ, thu hồi vốn. Từ một doanh nghiệp hàng đầu về ô tô làm ăn phát đạt, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh hoang tàn.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, với tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng, sau nhiều năm dừng hoạt động, đến nay các nhà máy ô tô của Vinaxuki ngày càng dột nát, thiết bị hư hỏng, rao bán cũng chẳng ai mua, có mua cũng với giá rất rẻ mạt.

Xem thêm bài viết về: Ông Nguyễn Bá Dương
 Hoàng Nam (DV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….