Doanh số nhiều cửa hàng chỉ bằng một phần ba, thậm chí một phần tư năm ngoái. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khách cũng èo uột hơn so với mọi năm.

Ngoài dịp hè, Tết Nguyên đán thường là thời điểm kinh doanh bận rộn nhất của các cửa hàng, thậm chí ra Giêng vẫn còn đông khách. Nhưng năm nay, anh Hoàng, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội) bán chẳng được bao nhiêu.

Cửa hàng của anh bắt đầu kinh doanh từ năm 2006 khi các siêu thị điện máy chưa nhiều như hiện nay. Đến 2010, kinh doanh bắt đầu xấu đi nhưng anh vẫn túc tắc có lãi. Khoảng một năm trở lại đây tình hình rất tệ, nhiều tháng lỗ khiến anh phải cắt giảm nhân viên bán hàng.

"Dịp Tết rồi thì coi như thất bại vì doanh số chỉ nhỉnh hơn ngày thường khoảng 30%. Ra Giêng lại chơi dài, chẳng có khách. Giờ chỉ trông chờ vào dịp mùa hè tới đây nhưng chưa chắc có khá hơn không ", anh Hoàng cho hay.

Nhiều cửa hàng điện máy đang chật vật vì tình hình kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa

Chị Xuân buôn bán đồ điện tử, điện dân dụng tại quận Hoàn Kiếm 4 năm nay nhưng chưa khi nào thấy khó khăn như vậy. Cách đây hơn một năm, cửa hàng vẫn hoạt động khá tốt. Từ giữa năm ngoái doanh số sụt giảm chỉ còn một phần ba, thậm chí một phần tư so với trước đây dù giá cả và chất lượng phục vụ không thay đổi. Chị Xuân phải bán thêm cả những sản phẩm lặt vặt như bóng đèn, đèn treo tường nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu.

"Cứ tình trạng này không biết cửa hàng còn tồn tại được đến khi nào vì tiền bán hàng không đủ trả chi phí thuê mặt bằng chứ chưa nói gì đến việc nhập hàng", chị Xuân nói.

Một chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường điện tử, điện máy năm nay cạnh tranh khá mạnh. Các siêu thị điện máy đua nhau giảm giá khuyến mại khiến các cửa hàng nhỏ cũng phải mướt mồ hôi để giành giật nhau chút thị phần ít ỏi.

"Các siêu thị có mô hình chuyên nghiệp, kinh nghiệm nhiều hơn, lại được hậu thuẫn từ các hãng nên thỉnh thoảng lại tung chiêu giảm giá sốc thì làm sao những người kinh doanh nhỏ theo kịp. Hoặc nếu giảm như họ thì lấy đâu ra lãi. Đó là chưa kể, nhiều cửa hàng còn phải lấy lại sản phẩm từ chính các siêu thị", chuyên gia này nhận định.

Theo tổng giám đốc chuỗi siêu thị điện máy tại Hà Nội, mặt hàng này có đặc thù là nhanh bị lỗi thời. Do đó, nhiều doanh nghiệp lớn thỉnh thoảng lại phải tung một đợt giảm giá để giải phóng hàng tồn kho, nhập các sản phẩm mới. Các cửa hàng nhỏ không làm được như vậy nên có thể khó hút khách hơn.

Để thoát khỏi tình trạng bết bát, anh Hoàng dự định thời gian tới sẽ đẩy mạnh marketing nhằm cạnh tranh tốt hơn. Theo chủ cửa hàng, đặc điểm kinh doanh của hàng điện tử là vòng đời sản phẩm khá dài, thường thì mỗi sản phẩm có tuổi thọ tối thiếu 2-3 năm, bình thường khoảng 5 năm, có sản phẩm lên đến 7-8 năm. Do đó, nên vẫn phải chủ trọng vào tìm kiếm khách hàng mới.

"Suốt 3 năm qua mình chủ yếu bán theo cách hữu xạ tự nhiên hương, không dùng bất kỳ phương pháp tiếp thị bán hàng nào. Có lẽ giờ đây là lúc mình cần thay đổi", chủ cửa hàng cho hay.

Chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các cửa hàng nhỏ khó cạnh tranh với siêu thị. "Tuy nhiên, nếu chạy đua theo cách này thì cũng rất khó vì các siêu thị có cách làm chuyên nghiệp hơn", ông này cho hay.

Ngọc Tuyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.