Chưa đầy một ngày sau khi Google công bố kết quả tài chính quý iii/2013, giá trị cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng gần 13% và lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD/cổ phiếu. Tuy chỉ mới thành lập được 15 năm, nhưng hiện giá trị vốn hóa thị trường của Google đã là hơn 330 tỉ USD, đứng sau Apple (414,26 tỉ USD).

Ông Sergio Salvador, Giám đốc Đối tác Chiến lược của Google tại Đông Nam Á. Ảnh: Trường Nikon

Là tập đoàn công nghệ sở hữu cỗ máy tìm kiếm internet hàng đầu thế giới nhưng Google vẫn tiếp tục đổ tiền vào những dự án tưởng như chẳng mấy liên quan đến thế mạnh của họ. Điển hình là dự án nghiên cứu kéo dài tuổi thọ con người được công bố gần đây.

Tại Hội nghị Đầu tư do NCĐT tổ chức vào ngày 22.10, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Sergio Salvador, Giám đốc Đối tác Chiến lược của Google tại Đông Nam Á, để hiểu hơn triết lý đầu tư khác thường của tập đoàn này.

Từ một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon trở thành biểu tượng công nghệ của thế giới, điều gì sẽ giúp Google tiếp tục giữ vững được phong độ này?

Nói ra có thể bạn không tin, nhưng Google tăng trưởng bằng… niềm tin. Đó là niềm tin vào những điều đúng đắn mà Google đang đem lại cho xã hội. Larry Page và Sergei Brin đã thành lập công ty này và đặt ra những chuẩn mực mà tất cả chúng tôi đều phải tuân thủ. Mọi hoạt động ở Google đều phải hướng về người dùng, đặt họ ở vị trí trung tâm và cố gắng giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải cả online lẫn offline. Khi đó, doanh thu và lợi nhuận sẽ tự khắc tăng lên.

Ở Google, chúng tôi không sợ thử nghiệm. Nếu nhìn từ con mắt của một nhà kinh doanh thì đây là chiến lược cạnh tranh thông minh nhất. Vì khi làm những chuyện không giống ai, hầu như bạn không có đối thủ. Xe tự lái hay kính Google là hai ví dụ.

Doanh thu Google đều tăng mạnh qua mỗi năm. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nguy cơ. Làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định?

Tôi không biết các bạn đã nghe đến lý thuyết này chưa. Con người là loài động vật khá thú vị. Chúng ta đi bộ và không bị ngã. Mỗi bước đi, bàn chân lại giúp cho cơ thể tiếp tục giữ thăng bằng để tiến lên phía trước. Cho nên về mặt nào đó, tăng trưởng của Google cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo sự ổn định của toàn bộ hệ thống.

Đối với chúng tôi, tăng trưởng không chỉ là tăng trưởng doanh thu hay lợi nhuận, mà còn là sự tìm tòi và giải quyết các khó khăn. Google khuyến khích kỹ sư tự thúc đẩy những giới hạn để tìm ra cơ hội mới. Có nhiều rủi ro khi làm như vậy, nhưng đó là rủi ro có kiểm soát.

Các doanh nghiệp có thể rút ra điều gì từ bài học thành công của Google?

Có lẽ sẽ không có một công thức chính xác. Nhưng tôi cho rằng, bên cạnh tư tưởng đặt người dùng làm trung tâm, các kỹ sư ở Google cũng cảm thấy vinh dự khi được làm việc cho một tổ chức đem lại lợi ích xã hội. Và điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Lợi ích đó không chỉ nằm ở những con số tăng trưởng, mà còn là sự sáng tạo trong công việc hằng ngày của mỗi người. Nhiều sản phẩm thành công của Google đã khởi nguồn khi người kỹ sư gặp phải khó khăn trong quá trình làm việc và tự tìm ra cách giải quyết. Trên lý thuyết, nếu giải quyết được vấn đề cho một người thì cũng có thể giúp ích được cho nhiều người khác.

Hãy lấy kết nối internet không dây ở New Zealand làm ví dụ. Đây là giải pháp cung cấp kết nối internet đến những khu vực xa xôi hẻo lánh, mà cáp quang khó tiếp cận và đó là kết quả làm việc của các kỹ sư ở Google.

Làm sao để mọi doanh nghiệp có thể sáng tạo?

Trong công việc, tôi phải tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp đủ mọi thành phần ở châu Á. Hầu hết đều có bề dày hoạt động, được những người khá lớn tuổi điều hành, phần lớn lại là công ty gia đình hoặc công ty gốc nhà nước nên các lãnh đạo thường khá thận trọng. Họ ngại dấn thân thử nghiệm những điều mới mẻ, vì nếu thất bại sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ nghiệp. Tâm lý này là dễ hiểu.

Cách đây hơn 2 năm, tôi có làm việc với một tập đoàn viễn thông ở Đông Nam Á để giúp họ phát triển các dịch vụ SMS mới. Khi đó, sau khi thảo luận với ông phó chủ tịch, một người khá lớn tuổi, chúng tôi nhận ra những điều này và gợi ý cho họ một giải pháp hết sức đơn giản.Đó là thành lập một nhóm khoảng 15 người thực sự giỏi, đưa họ làm việc cùng nhau ở văn phòng bên ngoài công ty và cung cấp một số vốn vừa đủ để thực hiện dự án. Tập đoàn bảo trợ cho họ một số vốn, không quá nhiều, để buộc họ phải sáng tạo, thúc đẩy khả năng đổi mới, tìm kiếm các giải pháp. Bởi lẽ, con người khi bị đặt vào tình cảnh thiếu thốn, chắc chắn sẽ phải sáng tạo. Tôi được biết họ đã bắt đầu có những sản phẩm thành công cho Công ty rồi.

Tập trung vào một ngành nghề duy nhất trong suốt thời gian dài, doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng và suy giảm. Điều này đã xảy đến với Google?

Thành lập từ năm 1998, Google giờ chỉ mới 15 tuổi, tức vẫn còn là thanh thiếu niên nên tư tưởng khởi nghiệp còn khá tràn trề. Kế đến, kỹ sư ở Google thực sự tin rằng họ có thể góp phần làm thay đổi thế giới, để thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó là điều quan trọng nhất.

Hãy tưởng tượng, thế giới hiện có khoảng 7 tỉ người. Trong đó, mới có hơn 2 tỉ người kết nối internet. Điều gì sẽ xảy ra nếu 5 tỉ người còn lại chạm tay vào điện thoại thông minh và bắt đầu kết nối internet? Họ sẽ tiếp cận với một nguồn thông tin vô tận, thay đổi được cuộc sống và có thể sẽ trở nên sáng tạo hơn.

Đó chỉ mới là những điều có thể xảy ra ở góc độ người dùng. Đối với Google, viễn cảnh này sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh hơn để chúng tôi có thể giải quyết. Tôi không nhận định về tăng trưởng hay sụt giảm, nhưng thực tế là Google vẫn còn vô số cơ hội ở phía trước.

Gần đây Google lại tuyên bố tham gia lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ con người, cũng như đầu tư hàng trăm triệu USD cho hoạt động nghiên cứu. Vậy đâu là cốt lõi thực sự của Google?

Tôi có thể khẳng định với bạn cốt lõi mọi hoạt động của Google chính là giải quyết vấn đề mà con người đang gặp phải trong cuộc sống. Không phải tự nhiên mà chúng tôi nghiên cứu sản xuất xe hơi tự lái, kính Google, khí cầu cung cấp wifi. Đó đều là giải pháp cho những vấn đề xung quanh chúng ta. Chăm sóc sức khỏe cũng vậy, vì kéo dài tuổi thọ là mục tiêu được con người nhắm đến từ lâu.

Mọi người ở Google đều tin rằng, để đảm bảo tăng tưởng nhưng vẫn ổn định, chúng tôi chỉ cần chú tâm làm công việc của mình: giải quyết vấn đề mà người dùng gặp phải. Doanh thu sẽ tự khắc tăng cao.

Hà Nguyễn (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Cốt lõi của Google

    Cốt lõi của Google

    05/11/2013 3:23 PM

    Chưa đầy một ngày sau khi Google công bố kết quả tài chính quý iii/2013, giá trị cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng gần 13% và lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD/cổ phiếu. Tuy chỉ mới thành lập được 15 năm, nhưng hiện giá trị vốn hóa thị trường của Google đã là hơn 330 tỉ USD, đứng sau Apple (414,26 tỉ USD).

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.