Thân tín của Tổng thống Nga - Vladimir Putin, cựu tổng thống Ai Cập - Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya - Muammar Gaddafi nằm trong danh sách bị cáo buộc liên quan đến nhiều công ty "ma" ở nước ngoài.
Hôm qua, 11,5 triệu chứng từ thuế của Mossack Fonseca - một công ty luật tại Panama đã bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Chúng được cho là lập ra để giúp người giàu né thuế, và trong một số trường hợp là rửa tiền.
Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến giới chính trị gia toàn cầu, như Tổng thống Nga - Vladimir Putin, cựu tổng thống Ai Cập - Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya - Muammar Gaddafi và Tổng thống Syria - Bashar Assad. Một số người nổi tiếng, như siêu sao bóng đá Lionel Messi, cũng nằm trong danh sách.
Số tài liệu này được gọi là "Panama Papers", ghi lại giai đoạn từ thập niên 70 đến đầu năm nay. Nhật báo Đức - Sueddeutsche Zeitung đã có chúng hơn một năm trước từ một nguồn giấu tên liên quan đến Mossack Fonseca.
Sau đó, họ chia sẻ tài liệu với hơn 100 tờ báo và 400 phóng viên tại 80 quốc gia. Sueddeutsche Zeitung cho biết có khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email.
Những tài liệu này đã được hàng chục phóng viên toàn cầu nghiên cứu trong suốt một năm qua. Dù phần lớn các thương vụ bị cáo buộc trong tài liệu đã được Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) chứng minh là hợp pháp, chúng vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên tên tuổi của những người được đề cập.
Điều tra của ICIJ cho thấy khoảng 2 tỷ USD đã được bí mật chuyển qua các ngân hàng và công ty "ma" liên quan đến người thân tín của ông Putin. Theo ICIJ, ngân hàng trong mạng lưới này có trụ sở tại St. Petersburg, có “người sở hữu cổ phần lớn kiêm chủ tịch được gọi là một trong những thủ quỹ của ông Putin”. Một phần số tiền này được dùng để “gây ảnh hưởng gián tiếp” lên các cổ đông trong nhiều công ty Nga.
Ngay sau thông tin này, ông Andrey Kostin - Chủ tịch ngân hàng lớn nhì Nga - VTB đã lên tiếng phủ nhận việc cho các cá nhân thân cận với Tổng thống Putin vay tiền thông qua một chi nhánh ở đảo Síp. “Thật ngớ ngẩn. Ông Putin không bao giờ tham gia vào những việc như thế”, vị này cho biết trên Bloomberg.
Tương tự, tài liệu của ICIJ cũng tiết lộ Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson và vợ đã mua một công ty nước ngoài năm 2007, mà không khai báo khi nhậm chức năm 2009. Công ty này được dùng để đầu tư hàng triệu USD. Gunnlaugsson sau đó đã bán 50% cổ phần cho vợ với giá chỉ 1 USD. Đối mặt với những lời kêu gọi từ chức, chính trị gia này cho rằng ông không phạm pháp và vợ mình cũng không hưởng lợi tài chính từ việc này.
Danh sách còn hé lộ một số công ty nước ngoài liên quan đến nhiều người Trung Quốc, như anh rể Chủ tịch Tập Cận Bình - Deng Jiagui, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng - Li Xiaolin và một người cháu của chính trị gia cấp cao nước này - Jia Qinglin.
Cầu thủ Lionel Messi và cha cũng sở hữu một công ty "ma" ở Panama - Mega Star Enterprises. Công ty này không bị giới chức thuế Tây Ban Nha điều tra trước đó.
Sau vụ rò rỉ trên, Mossack Fonseca đã trở thành tâm điểm chỉ trích. Hãng luật này chuyên lập ra các công ty ở nước ngoài. Hiện họ đã thành lập hơn 240.000 công ty, "hầu hết" được dùng cho "mục đích hợp pháp".
"Đây không phải lần đầu tiên trong 40 năm hoạt động, chúng tôi bị cáo buộc sai phạm. Chúng tôi tự hào về công việc mình đang làm", người phát ngôn của công ty - Carlos Sousa khẳng định. Trong khi đó, đa phần những người được đề cập trong tài liệu của Mossack Fonseca vẫn chưa lên tiếng về sự việc này.
Ngoài ra, Mossack Fonseca cũng đang dính líu đến scandal hối lộ của Petrobras (Brazil) và bị theo dõi tại bang Nevada (Mỹ). Sau thông tin về vụ rò rỉ, giới chức Australia và New Zealand hôm nay cũng tuyên bố sẽ điều tra khách hàng của hãng này là công dân nước mình.
“Chúng tôi đã xác định danh tính hơn 800 người và liên hệ được 120 cá nhân với một nhà cung cấp dịch vụ đặt tại Hong Kong”, Văn phòng Thuế Australia (ATO) cho biết trên Reuters. Cơ quan thuế New Zealand hôm nay cũng khẳng định đang “hợp tác chặt chẽ” với các bên liên quan để lấy chi tiết các khách hàng là công dân nước mình có thể liên quan đến việc này.
Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.