Bầu cử giữa kỳ Mỹ ngày 4 tháng 11 năm nay là dịp để cháu nội của cựu Tổng thống George HW Bush, George Prescott Bush, chạy đua vào vị trí ủy viên đất (land commissioner) ở Texas, theo tin BBC News.

Jason Carter (trái) cùng ông bà nội trong cuộc vận động tranh cử. Ảnh Getty

Còn tại Georgia, ông Jason Carter, cháu trai của cựu Tổng thống Jimmy Carter đang tranh ghế thống đốc.

Các vị con dòng cháu giống ra vào chính trường ở Mỹ không phải là chuyện gì lạ.
Vì nhà Kennedy đã có các nhân vật liên tiếp nắm những chức vụ cao nhất, từ tổng thống, bộ trưởng tư pháp tới thượng nghị sỹ, đại sứ...trong nhiều thập niên.
Nhưng với nhà Carter, đây mới chỉ là lần thứ nhì họ 'ra quân' sau khi ông Jimmy Carter rời Bạch Cung.
Sinh năm 1975 và là một luật sư sư có tiếng, Jason là con của Jack Carter, con trai cả của Jimmy Carter và đệ nhất phu nhân Rosalynn nhiệm kỳ 1977 -1981.
Có vẻ như Jason đang muốn nối nghiệp chính trị của ông nội vì cha ông, Jack Carter, một doanh nhân, đã không thành công khi tranh cử vào Thượng viện Liên bang Mỹ gần 10 năm trước.
Theo các báo Mỹ hôm đầu tháng 11 này, Jason Carter, đảng Dân Chủ, đang tập trung vận động ở vùng nông thôn bang Georgia và cam kết sẽ chi tiêu nhiều hơn vào đầu cư công ở đây.
Các tên tuổi khác đã lấp lánh gia phả chính trị ở một số bang, theo trang BBC trong mục '5 điều cần biết về bầu cử giữa kỳ ở Mỹ'.
Ví dụ như tại Colorado, ông Mark Udall (sinh năm 1950), hiện đã là Thượng nghị sỹ, cũng sẽ ra tái tranh cử.
Là con của cựu dân biểu Liên bang Moriss Udall, ông là thuộc một gia tộc chính trị có tên tuổi vùng phía Tây Hoa Kỳ vốn gồm có cả Tom Udall, cựu thượng nghị sỹ bang New Mexico.
Còn ở Arkansas, ông Mark Lunsford Pryor (sinh năm 1963) ra tái tranh cử chức thượng nghị sỹ Liên bang.
Cha ông, David Pryor cũng từng làm thượng nghị sỹ Liên bang và cựu thống đốc tiểu bang này.
Lên nhờ tên tuổi?
Nhưng theo bình luận của phóng viên BBC Tom Geoghean từ Washington thì điều sẽ được chú ý hơn cả là khả năng hai vị Hillary Clinton và Jeb Bush ra tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Và đây có phải là hiện tượng 'lên nhờ tên tuổi' (nepotism) hay không, như báo Anh, tờ The Guardian đặt câu hỏi qua ví dụ của hai người này.
Cựu đệ nhất phu nhân và cựu Bộ trưởng Ngoại giao, bà Hillary Clinton hiện vẫn là gương mặt sáng giá của phe Dân chủ.
Nhà báo Jeb Lund trên trang The Guardian viết:
"Dù cảm tình của bạn ra sao về Hillary Clinton, sự nghiệp của bà rõ ràng là đã thể hiện thành tích cá nhân lớn hơn nhiều so với những người như ông George W Bush vốn thăng tiến liên tiếp."
Còn về ông Jeb Bush, em trai của cựu tổng thống George W Bush và con trai cựu tổng thống George HB Bush, sự nghiệp chính trị tới nay của ông chưa sáng như bà Clinton.
Sinh năm 1953, từng làm thống đốc bang Florida, có nhiều người gốc nói tiếng Tây Ban Nha như vợ ông, bà Columba (gốc Mexico) ông Jeb Bush đang lao vào giúp các ứng viên Cộng hòa ra tranh cử, theo trang Huffington Post.
Cho tới nay, ông đã đi qua cả thẩy 13 tiểu bang, một dấu hiệu khiến nhiều tờ báo tin rằng ông đang thiết lập mạng lưới ủng hộ viên cho năm 2016.
Con trai họ, George Prescott Bush, từng phục vụ trong lực lượng trừ bị của Hải quân và là một luật sư, đang ra tranh chức ủy viên hội đồng về đất ở Texas.
Tờ Washington Post đặt câu hỏi phải chăng việc tranh cử vào một chức mờ nhạt như vậy là cách để George Prescott Bush (sinh năm 1976) luyện tập cho những lần đấu sau, vào các vị trí cao hơn.
Nếu như bang Texas là địa bàn của gia tộc Bush thì tại Louisiana, nhà Landrieu tiếp tục bảo vệ vị trí qua cuộc vận động tranh cử của bà Mary Landrieu, hiện là thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ.
Cha bà, ông Moon Landrieu là cựu Bộ trưởng trong chính phủ Liên bang và từng giữ chức thị trưởng New Orleans, vị trí hiện do em trai bà Mary, ông Mitchell Landrieu đang nắm.
Trở lại với cơ hội của Jeb Bush.
The Guardian tin rằng dù bị mang 'gánh nặng tên tuổi' - anh của ông để lại một nhiệm kỳ tổng thống gây nhiều lời chê trách - ông Jeb Bush vẫn là người duy nhất có khả năng dùng sức nặng dòng họ ra đối trọng lại bà Clinton.
Tất nhiên, điều đó chỉ xảy ra với điều kiện bà Clinton cũng ra tranh cử.
Và cuộc đua năm 2016 cũng còn nhiều nhân vật nổi trội khác như Marco Rubio, Rand Paul và Chris Christie nếu ta mới chỉ tính đến cánh Cộng hòa.
Còn về chuyện lên nhờ tên tuổi gia quyến trong chính trị, BBC News trích lời ông Kyle Kondik, từ trang Crystal Ball nói:
"Lý tưởng ra thì chính trị Mỹ không nên xảy ra chuyện như vậy. Đất nước chúng tôi được xây dựng trên ý tưởng không có một giới đại quý tộc (aristocracy). Nhưng các triều đại lại là chuyện lớn trong chính trị Mỹ. Chúng ta có thể không thích nhưng đó là điều không thể tránh khỏi."
Câu chuyện về các gia tộc làm chính trị ở Mỹ vì thế sẽ còn được nói đến những tháng tới.
Minh Quân (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.